Nông dân trồng sầu riêng ở ĐBSCL: Lỗ vốn vẫn phải thu hoạch để vệ sinh vườn
Giá sầu riêng tại ĐBSCL đang ở mức thấp trong giai đoạn cuối vụ thuận do ảnh hưởng mưa kéo dài làm giảm chất lượng trái. Dù thu lỗ, nhiều nông dân vẫn buộc phải thu hoạch để phục hồi vườn cây cho mùa vụ mới.
Ngày 10-7, ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Tiền Giang cho biết, sầu riêng Ri6 (loại A) hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá 32.000 – 34.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong ở mức 74.000 – 78.000 đồng/kg. Giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ, khiến nông dân gặp khó khăn.

Một vườn sầu riêng ở tỉnh Vĩnh Long
Theo ghi nhận, nguyên nhân chính là do thời tiết mưa nhiều khiến cơm sầu riêng bị sượng, trái không đạt chuẩn xuất khẩu. Một số vùng còn bị ảnh hưởng bởi tồn dư hóa chất cấm như Vàng O và Cadimi, khiến đầu ra càng thêm bấp bênh.

Thời gian này sầu riêng vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết khắc nghiệt
Tại xã Trung Thành (tỉnh Vĩnh Long), ông Trần Hiếu Nghĩa cho biết, vườn sầu riêng 3.500m² của ông vụ này bán chưa bằng một nửa giá năm ngoái. Dù biết lỗ nhưng ông vẫn phải thu hoạch, đồng thời vệ sinh, chăm sóc lại vườn để chuẩn bị cho vụ sau.

Tương tự, ông Thái Thanh Giàu (phường Cai Lậy, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, với diện tích hơn 2,5ha, đợt thu hoạch cuối vụ này ông bán được 4,5 tấn sầu riêng Ri6 với giá 32.000 đồng/kg, thu lãi chỉ khoảng 15 triệu đồng – không đủ bù chi phí công chăm sóc, phân bón, thuê nhân công. “So với công sức bỏ ra thì xem như lỗ vốn”, ông nói.


Thu hoạch sầu riêng
Theo ngành chức năng, thời gian qua tỉnh Tiền Giang (cũ) đã thử nghiệm một số mô hình xử lý Cadimi tồn dư trong đất bằng cách kết hợp sử dụng phân không chứa Cadimi, bạc hà, vôi, vi sinh, biochar… Sau 4 tháng, các chỉ số Cadimi trong đất và thân lá đã giảm. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể trên trái cần được đánh giá sau mùa vụ tới.



Dù vậy, nhiều nông dân như ông Giàu vẫn kỳ vọng và sẵn sàng đăng ký tham gia mô hình để nâng cao chất lượng trái, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trong tương lai.


Đồng Tháp hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất vùng ĐBSCL, với hơn 29.000ha, sản lượng hơn 470.000 tấn/năm; trên 50% diện tích đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
