Nông dân xứ Huế lo lắng khi đặc sản thanh trà mất mùa
Thanh trà là loại trái cây đặc sản nổi tiếng được người nông dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế trồng với diện tích lớn ở vùng gò đồi và các vùng đất nằm ven sông Hương, sông Bồ. Tuy nhiên trong vụ mùa năm nay, sản lượng thanh trà ở địa phương này sụt giảm đáng kể do mất mùa.
Tình trạng này khiến nhiều chủ vườn thanh trà lo lắng khi loại trái cây này đã được chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ tại Việt Nam. Những ngày đầu tháng 6 này, nhiều chủ vườn thanh trà ở phường Thủy Biều (TP Huế) như “ngồi trên đống lửa” khi gần vào vụ thu hoạch thanh trà nhưng nhiều vườn cây không ra quả hoặc cho sản lượng quả ít, không đồng đều. Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tận dụng dải đất bãi bồi ven sông Hương màu mỡ phù sa nên những năm qua, người dân ở phường Thủy Biều đã đầu tư mở rộng diện tích trồng cây thanh trà lên đến 150ha. Được các chủ vườn quan tâm chăm sóc nên những vụ mùa trước, các vườn thanh trà ở Thủy Biều luôn cho sản lượng quả nhiều. Bình quân mỗi năm sản lượng thu hoạch thanh trà ở Thủy Biều đạt từ 600 đến 900 tấn, doanh thu đạt khoảng 18 đến 25 tỷ đồng khi mỗi hécta thanh trà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên đến năm nay, thanh trà lại mất mùa khiến nhiều chủ vườn lo lắng, đứng ngồi không yên.
Dẫn chúng tôi ra vườn thanh trà phủ bóng xanh mát, ông Võ Trần Tuấn Kiệt (ở thôn Lương Quán, phường Thủy Biều, TP Huế) không giấu được nỗi buồn. Ông Kiệt cho biết, gia đình ông trồng hơn 100 gốc thanh trà nhiều năm tuổi trên diện tích 5.000m2. Những năm trước, vườn thanh trà của ông Kiệt đều cho sản lượng quả rất lớn, với trọng lượng từ 0,6kg đến 1kg/quả. “Tuy nhiên năm nay dù vợ chồng tôi chăm sóc cây rất cẩn thận, bón phân, tưới nước đúng phương pháp khoa học nhưng không hiểu sao cây thanh trà lại cho quả rất ít, quả nhỏ. Qua kiểm tra, toàn vườn thanh trà của gia đình tôi bị sụt giảm đến 80% sản lượng so với vụ mùa trước. Nếu trước đây mỗi vụ chúng tôi thu nhập từ 150 đến 170 triệu đồng từ việc bán loại trái cây đặc sản này thì vụ mùa năm nay chỉ đạt khoảng 20 đến 30 triệu đồng mà thôi”, ông Kiệt buồn bã trải lòng.
Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Kế (ở phường Thủy Biều, TP Huế) trồng hơn 110 gốc thanh trà cũng rơi vào cảnh mất mùa khi cây ra quả rất ít. Theo ông Kế, những vụ mùa trước, gia đình ông thu hoạch đạt từ 3-5 tấn quả thanh trà. Riêng năm 2023, vườn cây thanh trà của ông Kế cho hơn 3 tấn quả nhưng vụ mùa năm 2024 này sụt giảm đến hơn 90% sản lượng quả. “Trước đây mỗi gốc thanh trà đều cho quả nặng trĩu cành nhưng nay thì số quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vụ mùa năm nay gia đình tôi coi như mất trắng, thua lỗ tiền công chăm sóc và phân bón…”, ông Kế nói.
Ông Võ Bá Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết, thanh trà không những là loại trái cây đặc sản của xứ Huế mà còn là cây trồng chủ lực của địa phương khi có nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng thanh trà. Năm 2023, toàn phường thu được 600 tấn quả thanh trà, ước tính đạt 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay thanh trà ở Thủy Biều lại mất mùa chưa từng thấy, thậm chí có nhiều vườn cây không ra quả. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Nông nghiệp thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thanh trà mất mùa là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây thanh trà không phát triển, không ra hoa, đậu quả đúng thời vụ.
Ngoài Thủy Biều, nhiều vườn cây thanh trà của nông dân ở các địa phương khác như xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy); phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng được ghi nhận mất mùa hơn so với các vụ mùa trước. Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đang tiến hành kiểm tra, làm rõ nguyên nhân thanh trà mất mùa để giúp người dân có giải pháp khắc phục, hướng đến vụ mùa tiếp theo.