Nông dân Ý Yên đẩy mạnh phong tràothi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm của Hội, thời gian qua các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên đã tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Thực hiện chương trình công tác trọng tâm của BCH Đảng bộ huyện về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cấp HND trong toàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh các hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, cánh đồng có thu nhập cao ở các xã Yên Trung, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Dương... Để khuyến khích nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của toàn huyện là 4 tỷ 420 triệu đồng (tăng so với năm 2023 là 286 triệu đồng). Trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương và tỉnh là 2 tỷ 450 triệu đồng cho 42 hộ vay, nguồn của huyện là 1 tỷ 73 triệu đồng cho 30 hộ vay, nguồn của cơ sở là 896 triệu đồng cho 38 hộ vay phát triển mô hình sản xuất. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác với số dư trên 271 tỷ đồng cho 6.140 hộ vay; tín chấp cho nông dân vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) với dư nợ trên 2.280 tỷ đồng cho 7.530 hộ vay. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện phối hợp tổ chức được 60 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 5.327 lượt hội viên nông dân; phối hợp với các công ty, nhà máy cung ứng trên trên 312 tấn phân NPK các loại giúp hội viên nông dân mua theo phương thức trả chậm. HND thị trấn Lâm và các xã Yên Ninh, Yên Tiến tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo các nghề truyền thống như mộc, đúc đồng, sơn mài, chắp nứa... cho hội viên nông dân. Qua đó, nông dân chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn trên địa bàn nông thôn.
Từ sự hỗ trợ của các cấp HND, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, nhiều hộ nông dân trong huyện đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả cao như: hộ bà Nguyễn Thị Thướng, xã Yên Minh với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hộ bà Nguyễn Thị Hằng, xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc. Hộ ông Tô Văn Mạnh, xã Yên Phương với trang trại nuôi chạch sụn kết hợp trồng rau sạch rộng gần 3ha cho thu nhập 600 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Hồng Phú, xã Yên Nghĩa với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng áp dụng các biện pháp chăn nuôi bền vững an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Một số trang trại chăn nuôi thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi như trang trại chăn nuôi lợn của bà Đinh Thị Nhuận, xã Yên Hồng; ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi; ông Chu Văn Lượng, xã Yên Tân; trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Văn Thanh, xã Yên Tân…
Điển hình là mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Lê Văn Cần ở xã Yên Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khởi nghiệp với nghề chăn nuôi lợn, trải qua không ít khó khăn, thất bại, đến năm 2015, ông Cần quyết định mở rộng quy mô sản xuất, dồn ruộng cộng với diện tích thuê đất của các hộ trong thôn thuê được 21 nghìn m2 ruộng ở khu vực Đình Kênh. Được HND các cấp giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, ông đầu tư xây chuồng trại, đào ao thả cá và trồng một số loại cây ăn quả đặc sản. Trang trại được ông Cần vận hành theo mô hình tuần hoàn. Chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua hệ thống lọc, nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi cắt làm thức ăn cho cá. Hiện nay, tổng diện tích chuồng trại của gia đình là 0,2ha, với tổng số đàn 100 con lợn nái, 14 con lợn đực giống, 400 con lợn thịt/lứa. Nhờ nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, lợn nuôi lớn nhanh, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt tốt, được khách hàng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Sản lượng thịt lợn đạt khoảng 10 tấn/năm, lợn giống xuất bán ra thị trường là khoảng 1.000 con. Để tận dụng lượng chất thải từ chăn nuôi lợn, ông còn đào 3 ao với diện tích 0,8ha thả các giống cá truyền thống, trên bờ ao trồng cây ăn quả đặc sản với diện tích 1ha. Tổng thu nhập trang trại ông Cần ước tính đạt 2 tỷ đồng/năm.
Từ việc đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân trong huyện cũng đã góp phần xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong lĩnh vực trồng trọt đã hình thành các vùng trồng rau tập trung theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP tại các xã Yên Dương, Yên Cường, Yên Mỹ; sản xuất khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP tại Yên Nhân. Một số hộ nông dân đầu tư mô hình trang trại hiện đại với hệ thống nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn. Chăn nuôi chuyển dịch sang quy mô trang trại, gia trại theo phương thức nuôi công nghiệp. Toàn huyện có trên 70 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018. Nhiều trang trại áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như chuồng lồng, chuồng kín tự động đã điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, tăng mật độ nuôi. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhất là trong các trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi như: công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, máy tách phân công nghệ biogas… đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong phát triển kinh tế thủy sản, huyện đã hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã Yên Trung, Yên Thọ, Yên Nhân, Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính với nhiều đối tượng con nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Thời gian tới, hội viên nông dân huyện Ý Yên tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Lam Hồng