'Nông nghiệp có tội tình gì'?

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, đến nay vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế, là nền tảng duy trì an ninh lương thực trong nước và khu vực.

Nông nghiệp là bệ đỡ cho kinh tế và sinh kế. Ảnh: Hoàng Anh

Nông nghiệp là bệ đỡ cho kinh tế và sinh kế. Ảnh: Hoàng Anh

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với những xu thế công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện, ngành bán dẫn được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là ngành được Việt Nam chú trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.

Có lẽ vì vậy, mới đây, chủ tịch một tập đoàn công nghệ đã “khuyên” người Việt hãy học làm bán dẫn hay một số ngành công nghiệp hiện đại như ô tô, AI, thay vì làm nông nghiệp.

Phát ngôn này không khó hiểu, bởi lẽ ngành bán dẫn là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, dường như vì quá háo hức với tương lai tươi sáng của ngành công nghệ Việt, vị doanh nhân vô tình quên mất những giá trị không thể thay thế của nông nghiệp đối với kinh tế và sinh kế.

"Ly nông bất ly hương"

Chẳng phải đến khi ngành bán dẫn trở thành chủ đề nóng mà từ nhiều năm nay, cụm từ “ly nông bất ly hương” đã trở thành phương châm của nhiều địa phương trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dựa trên quan điểm đó, nhiều địa phương thu hút đầu tư công nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng công xưởng, nhà máy, coi tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, tỷ lệ nông dân rời đồng ruộng vào nhà máy như chỉ tiêu đánh giá thành tích phát triển kinh tế.

“Nông nghiệp có tội tình gì mà phải “ly” nó”, một vị phó giáo sư nhân học nói với phóng viên TheLEADER.

Một câu hỏi tu từ ngắn gọn nhưng gợi lên nhiều suy ngẫm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua những biến động khó lường và chưa đi đến hồi kết.

Bởi lẽ, suốt giai đoạn vừa qua, khi du lịch, bán lẻ, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp mất đơn hàng, phải ngừng kinh doanh, giải thể hàng loạt, đà tăng trưởng bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm, khu vực nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, làm bệ đỡ cho nền kinh tế.

Không chỉ vậy, nông nghiệp còn là bệ đỡ cho sinh kế. Chắc hẳn không ai quên được cảnh tượng dòng người ồ ạt đổ về quê sau nhiều tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Trong cảnh khốn cùng, những công nhân mất việc làm trên thành phố, tại các khu công nghiệp lựa chọn quay về quê hương, bởi ở đó còn gia đình, còn ruộng vườn, còn có công cụ để họ duy trì cuộc sống, dù có thể chỉ là một “nền kinh tế vừa đủ”.

Vai trò bệ đỡ ấy chẳng phải đợi đến lúc khủng hoảng mới được thể hiện ra. Bởi lẽ, nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn là nền tảng quan trọng để duy trì an ninh lương thực cho đất nước cũng như một số khu vực trên thế giới, chẳng hạn như châu Phi.

Giá trị lớn lao ấy của nông nghiệp đã được người xưa đúc kết qua câu thành ngữ “dĩ nông vi bản”, tức lấy nông nghiệp làm gốc, hay “phi nông bất ổn”, không có nông nghiệp thì đất nước không ổn định.

Nông nghiệp không có nghĩa là lạc hậu

Quan điểm “ly nông bất ly hương” có lẽ xuất phát từ quan niệm cho rằng nông nghiệp gắn với hình ảnh “chân lấm tay bùn”, gắn với những tính từ thô sơ, lạc hậu, cũ kỹ. Cần phải xóa hình ảnh đó để xây dựng một đất nước giàu mạnh, hiện đại và văn minh.

Tuy nhiên, chẳng cần phải “ly nông”, bởi nông nghiệp đang từng bước xóa đi hình ảnh “biểu trưng” đầy lỗi thời ấy. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời tiên phong đưa công nghệ 4.0 vào cây lúa, thông qua ứng dụng dự báo khí tượng, dịch bệnh bằng dữ liệu lớn (big data), nghiên cứu dùng máy bay không người lái để bón phân, phun thuốc.

Hay như Tập đoàn TH đã chi hàng nghìn tỷ đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại với công nghệ nhập khẩu. Năm 2020, trang trại tại Nghệ An của tập đoàn này được chứng nhận là Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới.

Nền nông nghiệp hiện đại của Việt Nam không thiếu bóng dáng của những học giả, có thể kể đến như TS. Lê Trọng Lư với mô hình nhà máy trồng trọt khép kín ở Phú Yên, TS. Nguyễn Thanh Mỹ ứng dụng AI, Internet vạn vật (IoT) vào các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa sâu hại hay TS. Nguyễn Đức Chinh biến nhiều vùng đất hoang thành nông trại hữu cơ.

Đôi khi, những phát kiến nông nghiệp không đến từ các học giả, tiến sĩ, giáo sư, mà lại đến từ chính những người nông dân chân lấm tay bùn. GS. Võ Tòng Xuân, người thày của những kỹ sư nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, đã xác nhận điều đó.

Ông Xuân cho biết, mô hình lúa – tôm, phương cách thích ứng với biến đổi khí hậu một cách tài tình và là tiền đề cho quan điểm thuận thiên trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, xuất phát từ chính những người nông dân khi phải đối mặt với xâm nhập mặn.

Nông nghiệp không phải là lạc hậu, người nông dân cũng không gắn với chữ “nghèo”. “Vua tôm” Sáu Ngoãn, người tiên phong nuôi tôm trên đất lúa cách đây hơn hai thập kỷ, đến nay thu lãi ròng bạc tỷ nhờ không ngừng cải tiến quy trình. Hoặc anh nông dân Nguyễn Thành Phát ở Hậu Giang, với 1,4 ha sầu riêng, mỗi mùa vụ cũng thu về hàng tỷ đồng.

Trong thời đại mới, nông nghiệp không chỉ cần ngon, sạch, công nghệ cao mà còn phải đáp ứng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn ESG.

Những tưởng bền vững chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, ít ai ngờ được rằng Abavina, mô hình nông nghiệp cộng đồng với quy mô chỉ vài chục nông hộ, được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn là một trong 15 mô hình điển hình thực hiện hiệu quả 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Rồi mô hình nông nghiệp tuần hoàn với chuỗi thực phẩm 3F của Greenfeed, giải pháp sinh học trừ sâu bệnh của Bayer Việt Nam, mô hình chế biến phụ phẩm đầu tôm thành thực phẩm dinh dưỡng của Việt Nam Food…

Rõ ràng, trong những bước chuyển lớn theo xu thế thời đại, từ chuyển đổi số tới chuyển đổi xanh, không hề thiếu đi bóng dáng và sự đóng góp của ngành nông nghiệp. Như vậy, cớ gì phải “ly nông”?

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nong-nghiep-co-toi-tinh-gi-1716997799478.htm