Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng, phát triển bền vững
Năm 2021, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Dịch bệnh trong chăn nuôi; sâu, bệnh trên cây trồng; thời tiết diễn biến thất thường... Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát triển toàn diện, tạo tiền đề cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Người dân huyện Đoan Hùng vận chuyển sản phẩm bưởi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga.
Khẳng định vai trò “trụ đỡ”Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương cập nhật tình hình, xây dựng các phương án, kế hoạch và giải pháp cụ thể với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vừa thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng vừa cung cấp, kết nối các nông sản hiện có của tỉnh để tiêu thụ, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong điều kiện khó khăn nhưng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 8.502 tỉ đồng, tăng trưởng ước đạt 3,23% so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Khê chia sẻ: “Năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được mùa liên tiếp, năng suất lúa vụ Chiêm Xuân và vụ Mùa đều đạt bình quân trên 60 tạ/ha, nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện lên đến 80 tạ/ha. Cùng với cây lúa, cây ngô cũng cho năng suất cao. Bà con nông dân trên địa bàn huyện rất phấn khởi”.
Không chỉ ở Cẩm Khê, mùa vàng đã về khắp các địa phương trong tỉnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp đã chủ động ban hành các văn bản tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất: Thủy lợi, giống, vật tư...; triển khai sản xuất đảm bảo kế hoạch, lịch thời vụ. Đặc biệt, ngành đã chú trọng chỉ đạo sản xuất theo hướng liên kết, phát triển hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị, chất lượng cây trồng, mở rộng diện giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, diện tích giống lúa chất lượng cao đạt gần 30 ngàn ha (chiếm trên 49,3% diện tích gieo cấy, tăng 2,7% so với năm 2020).
Ngành cũng đã tăng cường kiểm tra thực tế sản xuất, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch lúa và các cây trồng màu, chăm sóc cây ăn quả giai đoạn ra hoa, đậu quả; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn với diện tích 879ha; chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Tỉ lệ thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên lúa cả năm 0,025%, thấp nhất từ trước đến nay. Do vậy, sản xuất được mùa ở tất cả các vụ; năng suất, sản lượng cây trồng cơ bản duy trì và tăng khá so với năm 2020. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 108 ngàn ha. Sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt trên 435 ngàn tấn, tăng 1,4% so năm 2020. Chăn nuôi năm qua gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn liên tục tăng cao, dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình như vậy, công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt. Ngành Nông nghiệp đã tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học. Do vậy, chăn nuôi gà tiếp tục phát triển, chăn nuôi lợn được khôi phục. Ước đến hết năm 2021 đàn trâu 56 ngàn con; đàn bò 105,5 ngàn con, tương đương cùng kỳ năm 2020; đàn lợn 688 ngàn con, tăng 24% so với năm 2020; đàn gia cầm 15,9 triệu con, tương đương cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 189 ngàn tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 489 triệu quả, tăng 13% so năm 2020. Khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển thủy sản, ngành đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn khung lịch thời vụ và cơ cấu giống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích phát triển nuôi thủy sản thâm canh, nuôi cá lồng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm. Diện tích nuôi thủy sản ước đạt trên 11 ngàn ha; nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa đạt 1.995 lồng, tăng 19 lồng so với năm 2020. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2021 đã đánh giá, công nhận và nâng hạng 57 sản phẩm, nhóm sản phẩm; trong đó 50 sản phẩm mới và bảy sản phẩm nâng hạng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba sao trở lên; tăng thêm 50 sản phẩm, nhóm sản phẩm; trong đó có 30 sản phẩm, nhóm đạt bốn sao và 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt ba sao.Trong điều kiện bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, song sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, khẳng định rõ vai trò “trụ đỡ” của nông nghiệp đối với nền kinh tế.
Nông dân xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê nuôi tôm càng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng cao giá trị và phát triển bền vững
Trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã có buổi thăm và làm việc tại tỉnh, đồng chí nhấn mạnh: Phú Thọ là một trong những tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sinh thái. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thời gian tới, Phú Thọ cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể về tái cơ cấu nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong quy hoạch, cần xác định rõ tiềm năng lợi thế, chú trọng tái cơ cấu trên các lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi khép kín và có tầm nhìn chiến lược.Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đối với lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản, đảm bảo phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; qua đó, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.Đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tiến bộ khoa học, các mô hình sản xuất có hiệu quả... tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản…Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế, sản phẩm OCOP; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.