Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc

Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai và nguồn lao động, huyện Thuận Châu đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của phương.

Nông dân xã Bon Phặng kiểm tra cây ăn quả.

Nông dân xã Bon Phặng kiểm tra cây ăn quả.

Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, huyện tập trung đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với chế biến và xuất khẩu. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại; tăng cường quản lý chất lượng nông - lâm thủy sản. Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; xúc tiến, quảng bá thương hiệu các sản phẩm an toàn trên địa bàn huyện ra thị trường trong nước, nước ngoài.

Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư chuyển giao khoa học, xây dựng mô hình điểm, như: Mít ruột đỏ, dứa; các chuỗi liên kết giá trị gồm xoài, thanh long, chè, cà phê, cam, bo, bưởi. Xây dựng 200 ha áp dụng bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh; trồng 12 ha cây mắc ca; phục tráng giống nếp chiến, nếp tan lanh; canh tác cà phê bền vững trên đất dốc; thực hiện mô hình nuôi gà sinh sản theo hướng VietGAP. Phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 21.300 hộ vay, tổng dư nợ 1.859 tỷ đồng.

Nông dân xã Chiềng Pha thu hái chè.

Nông dân xã Chiềng Pha thu hái chè.

Đến nay, huyện có 1.398 ha cây chè; 5.981 ha cà phê; 4.289 ha cây ăn quả. Duy trì 8 chuỗi liên kết phát triển sản phẩm; 26 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 10 mã số vùng trồng, với 182 ha, nâng diện tích được cấp giấy chứng theo quy trình VietGAP lên hơn 600 ha. Duy trì 8 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên; 11 doanh nghiệp và HTX có sản phẩm nông nghiệp đưa lên sàn OCOP; 27 chuỗi cung ứng thực phẩm, thủy sản an toàn… Năm 2023, huyện tiêu thụ trên 7.100 tấn quả các loại, trong đó, xuất khẩu 50 tấn thanh long sang thị trường châu Âu và 120 tấn chuối, 160 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc; tiêu thụ, xuất khẩu 1.390 tấn chè, 3.519 tấn cà phê.

Lĩnh vực chăn nuôi, phát triển cả về quy mô và cơ cấu đàn, trong đó tập trung khai thác lợi thế vùng để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình dự án và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, nông dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã khai thác tốt mặt nước để phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản. Đến nay, huyện có trên 61.000 con đại gia súc; 734.800 con gia cầm. 78% số hộ chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại kiên cố, bán kiên cố; 125 hộ nuôi gia trại, trang trại từ 20-40 con đại gia súc; gần 1.500 hộ nuôi từ 5-12 con trâu, bò. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.000 tấn/năm.

Nông dân xã Tông Lệnh phát triển chăn nuôi gia súc.

Nông dân xã Tông Lệnh phát triển chăn nuôi gia súc.

Tạo sự liên kết trong sản xuất theo hướng bền vững, huyện đã hỗ trợ nhân dân thành lập HTX, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, huyện có 58 HTX sản xuất, kinh doanh rau quả, chăn nuôi, dịch vụ vật tư nông nghiệp. HTX Nuôi trồng thủy sản Liệp Tè được thành lập vào cuối năm 2016, với 47 hộ, nuôi 200 lồng cá. Quá trình hoạt động các thành viên HTX ký kết hợp đồng lấy con giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; tuân thủ đúng quy trình nuôi, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ hiệu quả mô hình hoạt động của HTX, đến nay, HTX mở rộng liên kết và tăng số lượng lồng cá lên 320 lồng.

Anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, chia sẻ: Sản phẩm cá của HTX xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Trung bình mỗi năm, HTX nuôi trồng, đánh bắt 59 tấn cá các loại; thu nhập đạt 4,5 triệu đồng/thành viên/tháng.

Nông dân xã Liệp Tè phát triển nghề nuôi cá lồng.

Nông dân xã Liệp Tè phát triển nghề nuôi cá lồng.

Trao đổi về lĩnh vực phát triển nông nghiệp của xã trong năm 2024, ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, thông tin: Ngoài chăm sóc 89 ha cây ăn quả các loại; xã còn chỉ đạo nhân dân thâm canh các loại cây lương thực, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.900 tấn/năm. Đồng thời, duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa… Phấn đấu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 7,5%.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai hiệu quả. Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình, dự án và sự đóng góp của nhân dân, huyện đã tu sửa, xây dựng 24 trường học; xây dựng mới 7 trụ sở trạm y tế xã; xóa 303 nhà tạm; nâng cấp, làm mới 28 công trình đường giao thông nông thôn, 24 công trình nhà văn hóa. Năm qua, công nhận thêm xã Chiềng La và Chiềng Pha đạt chuẩn NTM. Các bản: Hình, xã Tông Cọ; Thôn 1, 2, xã Tông Lạnh; bản Đông Quan, xã Phổng Lái; bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha đạt chuẩn NTM. Hiện nay, huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí/xã tăng 0,64% so với kế hoạch.

Lễ công bố xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, đạt chuẩn NTM.

Lễ công bố xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, đạt chuẩn NTM.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, huyện Thuận Châu đã đạt được những kết quả đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Trần Hiền - Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-khoi-sac-mpwXsjcSg.html