Nông sản thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Halal nhờ nâng cấp hiệp định ATIGA

Trong thời gian tới, xuất nhập khẩu nông sản giữa các nước ASEAN sẽ tiếp tới áp dụng công nghệ số trong kiểm dịch và chứng nhận điện tử để tạo thuận lợi cho giao thương giữa các nước. Thay đổi này là cơ hội để nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường khu vực tốt hơn, đặc biệt là thị trường Halal.

ASEAN có các nước Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia. Đây là một thị trường lớn với hơn 300 triệu dân, chiếm khoảng gần 45% dân số của ASEAN. Vì thế, đây là cơ hội cho Việt Nam xuất cho sản phẩm đạt chuẩn Halal trong thời gian tới. Ảnh: TL.

ASEAN có các nước Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia. Đây là một thị trường lớn với hơn 300 triệu dân, chiếm khoảng gần 45% dân số của ASEAN. Vì thế, đây là cơ hội cho Việt Nam xuất cho sản phẩm đạt chuẩn Halal trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Đây là thông tin được TTXVN dẫn từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam). Cụ thể, theo SPS Việt Nam, đây là một phần thống nhất trong Phiên họp nâng cấp chương Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) diễn ra tại trụ sở ASEAN, Indonesia vừa qua.

Theo SPS Việt Nam, chương SPS trong Hiệp định ATIGA được nâng cấp tạo cơ hội cho việc xuất khẩu nông sản trong khối sẽ diễn ra thuận lợi, minh bạch và giảm thiểu các rủi ro không đáng có. Riêng đối với Việt Nam, đó là điểm thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nghiên cứu và mở rộng thị trường trong khối hơn nữa, đặc biệt đối với thị trường Halal của khối ASEAN.

Đây là kết quả diễn ra trong 2 năm với 11 cuộc họp đàm phán trực tiếp và trực tuyến giữa các nước. Kết thúc đàm phán, chương SPS của Hiệp định ATIGA có nhiều nội dung được thay đổi, nâng cấp. Trong đó, ở mục xuất nhập khẩu nông sản sẽ cho áp dụng công nghệ số trong kiểm dịch cũng như các bên thống nhất cam kết áp dụng chứng nhận điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.

Đánh giá từ phía Việt Nam, chương SPS - Hiệp định ATIGA đã được nâng cấp tương đương hoặc gần tương đương với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...Theo dự kiến, các bên sẽ tiến tới ký hiệp định nâng cấp ATIGA vào tháng 9-2025.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), hiện thành phố có trên 300 loại sản phẩm đạt chuẩn Halal như trái cây và thực phẩm chế biến, các loại thức ăn nhanh, hàng tiêu dùng, thời trang và quà lưu niệm. Trong khu vực ASEAN, có nhiều nước Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia. Chỉ tính riêng Indonesia, nước này đã có hơn 280 triệu người, lớn nhất trong khu vực ASEAN. Vì thế, đây là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp vào thị trường Halal này.

Tuy nhiên, theo số liệu tính đến năm 2023, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp. Hiện có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal, hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.

Nam Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nong-san-them-co-hoi-xuat-khau-sang-thi-truong-halal-nho-nang-cap-hiep-dinh-atiga/