Thị trường sản phẩm dầu khí và chiến lược ngành lọc dầu Việt Nam trong xu thế chuyển dịch năng lượng

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội thảo chuyên đề 'Petroleum market and Refinery strategy in energy transition' (Thị trường sản phẩm dầu khí và chiến lược ngành lọc dầu trong xu thế chuyển dịch năng lượng) với sự tham gia của các diễn giả từ công ty Wood Mackenzie (WM) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Ông Phạm Đăng An - Phó Trưởng Ban Thương mại Dịch vụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Phạm Đăng An - Phó Trưởng Ban Thương mại Dịch vụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo cung cấp một bức tranh toàn diện tình hình kinh tế vĩ mô thế giới, những đoán định tác động của chính sách thuế dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đắc cử đến nền kinh tế toàn cầu; dự báo về thị trường dầu thô, sản phẩm lọc dầu, hóa dầu thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Sushant Gupta - Giám đốc Nghiên cứu, lọc hóa dầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương WM phân tích tổng quan thị trường dầu khí tại khu vực.

Ông Sushant Gupta - Giám đốc Nghiên cứu, lọc hóa dầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương WM phân tích tổng quan thị trường dầu khí tại khu vực.

Theo diễn giả của WM - Ông Sushant, trong giai đoạn 2025 - 2026, giá dầu Brent được dự báo sẽ giảm nhẹ do sự gia tăng nguồn cung ngoài OPEC, đặc biệt từ Mỹ, Nga và Brazil, làm giảm áp lực lên nguồn cung. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, đặc biệt khi ông Donald Trump tái đắc cử và tiếp tục chính sách thuế nhập khẩu cao. Tuy nhiên, giá dầu có thể tăng lên 90 -100 USD/thùng nếu căng thẳng Trung Đông leo thang kết hợp với OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Năm 2024, ngành lọc dầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gặp khó khăn do nhu cầu yếu, lợi nhuận lọc giảm mạnh so với hai năm trước đó. Dự báo tình hình kém khả quan này của ngành lọc dầu vẫn sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2025.

Đối với lĩnh vực hóa dầu, trong tương lai, nguồn cung ethylene và propylene tại khu vực Đông Bắc Á được dự báo sẽ dư thừa, khiến nhiều nhà máy sản xuất không hiệu quả đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Các nhà máy hóa dầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lẫn nhau do Trung Quốc giảm nhập khẩu.

Ông Darryl Xu - Chuyên gia phân tích, Hóa chất APAC WM phân tích và dự báo ngắn hạn thị trường dầu khí trong tương lai.

Ông Darryl Xu - Chuyên gia phân tích, Hóa chất APAC WM phân tích và dự báo ngắn hạn thị trường dầu khí trong tương lai.

Theo các diễn giả của WM, chuyển dịch năng lượng đang là một xu hướng nổi bật trên toàn cầu, đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án CCUS (thu hồi và lưu trữ carbon). Đây là những dự án quan trọng trong việc thực hiện giảm phát thải CO2 từ các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong ngành lọc dầu. Đồng thời, các công nghệ năng lượng tái tạo như hydro xanh và các nguồn năng lượng tái tạo khác đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ, nhằm giảm thiểu tác động môi trường từ các nhà máy lọc dầu. Chính sách đánh thuế carbon dự kiến sẽ tạo áp lực buộc các nhà máy lọc dầu phải đầu tư vào công nghệ sạch hơn. Hiện nay, HVO (dầu thực vật hydro hóa) và SAF (nhiên liệu hàng không bền vững) đang trên đà dần thay thế nhiên liệu hóa thạch, đang có mức biên lợi nhuận cao và trở thành cơ hội tiềm năng cho các nhà máy lọc dầu tại khu vực Đông Nam Á, giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất và đáp ứng nhu cầu về năng lượng tái tạo trong tương lai.

Đặc biệt, tại hội thảo, các diễn giả WM đã đánh giá về lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam khi so sánh với các nhà máy lọc dầu trên thế giới và khu vực, từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Với tầm nhìn dài hạn, đầu tư vào tích hợp hóa dầu, phát triển nhiên liệu sinh học, và giảm phát thải carbon là những yếu tố then chốt để các nhà máy lọc dầu của Petrovietnam gia tăng hiệu quả, khẳng định ưu thế trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh nội dung chủ điểm về thị trường sản phẩm dầu khí thế giới của các diễn giả từ WM, hội thảo cũng được nghe chia sẻ của ông Đoàn Tiến Quyết – chuyên gia phân tích dữ liệu VPI về việc ứng dụng của AI trong dự báo giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, một công cụ hữu ích đối với công tác quản trị dữ liệu và dự báo giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường Việt Nam.

Ông Đoàn Tiến Quyết - chuyên gia phân tích dữ liệu VPI phát biểu tại Hội thảo

Ông Đoàn Tiến Quyết - chuyên gia phân tích dữ liệu VPI phát biểu tại Hội thảo

Ông Đoàn Tiến Quyết cho biết: “Xăng dầu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, là yếu tố then chốt đối với hoạt động giao thông vận tải và các ngành công nghiệp khác. Chi phí xăng dầu chiếm một tỷ trọng lớn, từ 40 - 70%, trong cơ cấu chi phí của nhiều ngành. Chính vì vậy, sự biến động giá xăng dầu có tác động lớn đến tổng chi phí sản xuất, đến giá thành sản phẩm và dịch vụ, cũng như đời sống của người dân”.

Ông nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã mở ra những cách tiếp cận mới trong việc dự báo và quản lý giá xăng dầu. Công nghệ AI cũng giúp con người giảm bớt thời gian và công sức trong việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu, từ đó tạo ra các quyết định hợp lý hơn trong quản lý, dự báo giá cả.

Hội thảo không chỉ cung cấp những cái nhìn sâu sắc về thị trường năng lượng toàn cầu mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược, giúp các nhà máy lọc dầu của Petrovietnam cải thiện hiệu quả sản xuất và tham gia vào các xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Diễm Hằng

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/thi-truong-san-pham-dau-khi-va-chien-luoc-nganh-loc-dau-viet-nam-trong-xu-the-chuyen-dich-nang-luong-721344.html