Nóng trong tuần: Hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với 3 tỉnh miền Tây; hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT… là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023
Tuần vừa qua là thời gian học sinh lớp 12 trên cả nước tập trung đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Công việc này đã hoàn thành vào 17h ngày 13/5.
Ngay trong ngày kết thúc thời gian đăng ký dự thi, Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã thông tin con số 1.025.166 thí sinh hoàn thành đăng ký dự thi; trong đó đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%, đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.
Trong tổng số thí sinh, thí sinh tự do chiếm 4,71% (48.309 thí sinh); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 7,14% (73.232 thí sinh); thí sinh chỉ xét tuyển sinh chiếm 3,34% (34.203 thí sinh); thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh chiếm 89,52% (917.731 thí sinh).
Trong các ngày đăng ký dự thi trực tuyến, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi cơ bản thuận lợi đối với tất cả các đối tượng thí sinh.
Bộ GD&ĐT đã bố trí nhân lực trực hỗ trợ liên tục 24/24h trong các ngày đăng ký dự thi của thí sinh, thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin với 63 tỉnh thành và phía đơn vị hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin.
Bộ GD&ĐT đồng thời đã trao đổi, nhắc nhở và tiếp tục hướng dẫn bộ phận quản lý thi và kỹ thuật trực các sở nơi thí sinh đăng ký của 63 tỉnh thành về những lưu ý trong quá trình đăng ký.
Ngay sau khi kết thúc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT và các trường nơi thí sinh đăng ký dự thi: rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh cho chính xác (nếu có) và được triển khai từ ngày 14-19/5.
Sau đó, in danh sách thí sinh đã đăng ký trực tuyến, kiểm tra lần cuối và cho thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi trên phiếu và danh sách, hoàn thành chậm nhất ngày 22/5; tiếp tục kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh và kết thúc chậm nhất 25/5.
Đối với thí sinh đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT: cùng với trường nơi đăng ký dự thi kiểm tra lại thông tin trước khi ký xác nhận vào phiếu và danh sách để kết thúc việc đăng ký. Tập trung vào ôn thi để đạt kết quả cao nhất cho kỳ thi diễn ra từ 27 - 29/6.
Bộ trưởng làm việc với 3 tỉnh miền Tây
Tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và đại diện một số Bộ, ngành đã có cuộc làm việc với 3 địa phương: Trà Vinh, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Đây là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 435/QĐ-TTg về phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng làm việc nắm bắt tình hình giáo dục tại 3 địa phương và đưa ra những lưu ý trong phát triển giáo dục - đào tạo với địa phương trong thời gian tới. Trong đó, một số lưu ý chung liên quan đến tập trung cao độ cho triển khai Chương trình GDPT 2018; chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và năm học mới 2023-2023; chuẩn bị cho tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trao đổi sâu về nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông đang được triển khai trong cả nước, trong đó làm rõ vai trò “tác giả triển khai” “người thi công chính” của địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới lần này cần sự thấu hiểu của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện sâu và trúng. Do đó, mong rằng cấp tỉnh thấu hiểu cho ngành Giáo dục, bởi công cuộc này riêng ngành Giáo dục không thực hiện được.
Với tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng mong muốn thời gian tới, các địa phương cần quan tâm, ưu tiên nguồn ngân sách cho Giáo dục; đặc biệt là thời điểm đổi mới giáo dục phổ thông đang vào giai đoạn nước rút, những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên càng đòi hỏi gay gắt. Đồng thời, quan tâm làm tốt khối giáo dục dân tộc, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt, nâng cao dân trí cho đồng bào.
Với Bạc Liêu, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề chuyên môn như: đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục và giáo viên; thực hiện tốt vai trò của giáo viên, nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa; chuẩn bị điều kiện cho dạy học hoạt động trải nghiệm; sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp triển khai dạy học các môn tích hợp; làm tốt công tác “phụ huynh vận”, tạo sự đồng thuận, đồng hành của phụ huynh với quá trình đổi mới… Theo thống kê, hiện Bạc Liêu còn một số lượng khá lớn giáo viên chưa tuyển dụng từ nhiều năm trước, Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm tuyển dụng theo chỉ tiêu được giao, từng bước giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải đáp một số nội dung ngành Giáo dục địa phương quan tâm như: tuyển dụng, sử dụng giáo viên; Nghị định 116 về hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm; in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc…
Đổi mới để nâng cao chất lượng thi chọn học sinh giỏi quốc gia
Sáng 13/5, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục thuộc Bộ; hơn 300 đại biểu từ 63 sở GD&ĐT và các ĐH, trường ĐH có trường THPT chuyên; các chuyên gia, nhà khoa học…
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã thực hiện nghiêm túc Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hiện hành, tổ chức công bằng, đảm bảo chính xác, khách quan, chọn đúng học sinh giỏi. Kết quả thi phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc và góp phần nâng chất lượng của các đội tuyển quốc gia tham dự Olympic khu vực và quốc tế.
Kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam luôn có chuyển biến tiến bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Các đoàn học sinh của Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Kết quả tổ chức Kỳ thi chọn học sinh quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế hằng năm đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng còn một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc tổ chức thi thí nghiệm, thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, gặp nhiều khó khăn trong ra đề thi, vận chuyển đề thi.
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hằng năm, các địa phương điều kiện dạy và học khó khăn thành tích học sinh giỏi thấp so với khi phân bảng A và B. Kinh phí để chi cho các chuyên gia tham gia công tác chuyên môn còn hạn chế do đó, việc huy động các chuyên gia tham gia công tác ra đề, chấm thi còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có cơ chế tạo ra sự gắn kết trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học…
Tại hội nghị, các ý kiến trao đổi xung quanh đề xuất về định hướng thi chọn học sinh giỏi trong thời gian tới. Trong đó có việc chỉnh sửa để thống nhất cách hiểu và đảm bảo tính thực tế, khả thi của một số nội dung quy định của Quy chế thi; tăng tỷ lệ giải; tiếp tục tổ chức thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; không tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; tăng cường huy động giáo viên trường THPT chuyên ra đề thi đề xuất và tham gia soạn thảo, phản biện, thẩm định đề thi tại Hội đồng ra đề thi hằng năm; áp dụng thi trực tuyến môn Tin học trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hằng năm.
Trong tuần qua cũng diễn ra một số sự kiện giáo dục đáng chú ý: Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 họp phiên đầu tiên; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gặp mặt đội tuyển tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) 2023; Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018; Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thể thao học sinh Việt Nam nhiệm kỳ IV (2023-2028)… Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.