Nóng trong tuần: Kết quả khảo sát PISA Việt Nam; thông tin mới về tuyển sinh ĐH
Công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam 2022; thông tin liên quan đến tuyển sinh ĐH… là vấn đề giáo dục nổi bật tuần qua.
Việt Nam là điển hình về kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục khiêm tốn
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam năm 2022. Kết quả này được OECD công bố công khai từ bài khảo sát về Toán, Đọc hoặc Khoa học của 6068 học sinh ở 178 trường, đại diện cho khoảng 939.500 học sinh 15 tuổi ở Việt Nam.
Cụ thể, điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore. Thứ tự các nước ASEAN như sau: Singapore: 1/81; Brunei: 42/81; Malaysia: 47/81; Thailand: 63/81; Indonesia: 69/81; Philippines: 77/81; Campuchia: 81/81.
Đối với môn Toán: Việt Nam xếp thứ 31/81 quốc gia (thứ tự các nước ASEAN như sau: Singapore: 1/81; Brunei: 40/81, Malaysia; 40/81; Thailand: 58/81; Indonesia: 69/81; Philippines: 75/81; Campuchia: 81/81). Môn Khoa học: Việt Nam xếp thứ 35/81 quốc gia. Môn đọc: học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia.
Học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất chỉ sau Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội.
Chỉ số PISA về tình trạng kinh tế - xã hội và văn hóa được tính toán sao cho tất cả học sinh tham gia kỳ thi PISA, bất kể họ sống ở quốc gia nào, đều có thể được xếp vào cùng một thang đo kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là có thể sử dụng chỉ số này để so sánh kết quả học tập của học sinh có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương tự ở các quốc gia khác nhau.
Kết quả chung cho thấy, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn.
Chi tiêu cho mỗi học sinh của Việt Nam từ 6 đến 15 tuổi chỉ khoảng 13.800 USD trong khi các quốc gia/nền kinh tế OECD có chi tiêu ở mức 75.000 USD, nhưng điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt là 438 điểm - một trong những mức cao nhất dành cho học sinh có nền tảng kinh tế - xã hội tương tự.
Có khoảng 13% học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam đạt điểm cao trong môn Toán (trung bình OECD: 10%).
Khảo sát PISA 2022 tập trung vào Toán học bên cạnh Đọc và Khoa học; tư duy sáng tạo là lĩnh vực đánh giá mới được áp dụng và học sinh Việt Nam không tham gia đánh giá nội dung này. Kết quả, học sinh Việt Nam đạt điểm gần với mức trung bình của OECD ở cả môn Toán, môn Đọc và Khoa học.
Theo OECD, tại Việt Nam, 72% học sinh đạt trình độ Toán ít nhất ở cấp độ 2 (trung bình OECD: 69%). Khoảng 5% học sinh ở Việt Nam có thành tích đứng đầu môn Toán, nghĩa là các em đạt được cấp độ 5 hoặc 6 trong kỳ thi toán PISA (trung bình OECD: 9%).
Khoảng 77% học sinh ở Việt Nam đạt trình độ Đọc 2 trở lên (trung bình OECD: 74%). 1% học sinh đạt thành tích cao, điểm 5 trở lên ở môn đọc (trung bình OECD: 7%).
Khoảng 79% học sinh ở Việt Nam đạt trình độ 2 trở lên ở môn Khoa học (trung bình OECD: 76%). 2% học sinh đạt thành tích cao trong môn khoa học, nghĩa là các em thành thạo ở Cấp độ 5 hoặc 6 (trung bình OECD: 7%).
Nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh, ngành mới
Tuần qua, nhiều thông tin đáng quan tâm liên quan đến tuyển sinh ĐH năm 2024. Theo đó, nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh, ngành tuyển sinh mới.
Ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ký quyết định về việc cho phép Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên trình độ đại học.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).
Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 cũng dự kiến tuyển sinh một số ngành mới: Khoa học máy tính, Chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, Kinh doanh; đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với ĐH Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Tổng chỉ tiêu dự kiến cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TP HCM, Quảng Ninh là 4.130, cao hơn năm ngoái 30. Sáu phương thức tuyển sinh của trường này tương tự như năm 2023. Điểm mới là với các phương thức sử dụng điểm học bạ, thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp THPT trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.
ĐH Bách khoa Hà Nộidự kiến tuyển 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo, tăng 1.275 chỉ tiêu so với năm 2023; ngành mới được mở thêm là Chương trình quản lý giáo dục. Về phương thức tuyển sinh, ĐH Bách khoa giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như năm trước.
Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội năm 2024 sẽ tuyển sinh ngành mới là cử nhân Thiết kế công nghiệp và đồ họa, dự kiến 160 chỉ tiêu. Chương trình đào tạo sẽ có 3 chuyên ngành: Thiết kế công nghiệp và kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật và đồ họa, thiết kế mỹ thuật và nội thất.
Cũng liên quan đến tuyển sinh, thông tin về việc đề nghị đưa ngoại ngữ vào đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội cũng được chú ý.
Cụ thể,ngày 28/2, Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã có buổi làm việc với Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội về hoạt động của Trung tâm giai đoạn 2016-2024 và định hướng phát triển 2025-2030, tầm nhìn đến 2045.
Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân yêu cầu, năm 2025 sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển. Trung tâm Khảo thí phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội để xây dựng phương án tổ chức tốt nhất cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT lên tiếng về dùng chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh vào 10
Tuần qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ về việc một số địa phương tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Quy chế không có quy định tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học sinh giỏi cấp tỉnh và Bộ GD&ĐT cũng chưa bao giờ cho phép việc này.
Do đó, dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế là yêu cầu phải thực hiện, đúng theo quy định của Quy chế đã được ban hành.
Việc học ngoại ngữ, theo ông Nguyễn Xuân Thành, là nhu cầu tự thân của học sinh. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc; không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ, được tuyển thẳng, hay ưu tiên trong tuyển sinh. Nếu thế, việc học đó không phải nhu cầu tự thân mà do động lực bên ngoài.
Các bậc cha mẹ hãy nghĩ rằng, lợi ích lâu dài trong học ngoại ngữ là trang bị cho con phương tiện, công cụ học tập, để làm việc tốt hơn; không nên chạy đua nhằm trang bị chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm: Khuyến khích học ngoại ngữ đã được thực hiện trong những năm qua và đến thời điểm này có thể thấy, năng lực ngoại ngữ của học sinh lứa tuổi THPT có những thay đổi rõ rệt so với trước đây.
Việc các em có thể đọc trên mạng, vào website quốc tế tìm kiếm tài liệu để học đã tốt hơn so với trước đây rất nhiều. Đó mới chính là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh. Trong chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng đẩy mạnh việc này để học sinh có được động lực tự thân trong quá trình học ngoại ngữ.
Trong quá trình học tập, ngoài nội dung môn Ngoại ngữ, còn có một số môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Việc này cũng có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tất cả chế độ khuyến khích nhằm quán triệt đến địa phương, nhà trường có thể triển khai tổ chức, học tập môn Ngoại ngữ theo đúng quy định một cách hiệu quả nhất. Và như thế, các em học chứng chỉ ngoại ngữ để dùng chứ không phải học ngoại ngữ chỉ là để học ngoại ngữ.