Nốt sần dưới cánh mũi 4 năm không khỏi là dấu hiệu chỉ điểm ung thư

Bốn năm trước, bệnh nhân quê Hải Dương phát hiện có tổn thương sần dưới cánh mũi, chỉ nghĩ viêm da thông thường, tự điều trị mãi không khỏi.

Suốt 4 năm, nữ bệnh nhân 51 tuổi nhiều lần mua thuốc về bôi, uống, thậm chí tiêm kháng sinh cả tháng. Có khi bà cũng tới phòng khám, nhưng lại có giai đoạn bỏ quên “vật thể lạ”.

Nốt sần không lành mà càng ngày càng to ra, lan rộng. Lúc này, bà mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư da.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết mỗi năm, không kể thời gian bị tác động bởi dịch Covid-19, bệnh viện phẫu thuật khoảng 300 - 400 ca ung thư da, đa số từ tuổi 40 trở lên.

Hình ảnh những tổn thương trên lưng và bụng của bệnh nhân K bị ung thư da.

Hầu hết bệnh nhân đến viện khám đều không nghĩ tình trạng ở da cảnh báo bệnh lý ung thư mà chỉ cho là viêm da hay nốt mụn, nốt ruồi thông thường.

Một bệnh nhân khác cũng nhận chẩn đoán ung thư da là bà T.T.K, 52 tuổi, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa. Bà đến khám với các tổn thương sần nâu đen ở vùng da kín như lưng, bụng, đùi.

Nữ bệnh nhân cho biết, các tổn thương này tăng dần kích thước trong 5 năm. Ngoài ra, bà không có triệu chứng nào bất thường. Trong gia đình cũng chưa có ai có biểu hiện như bà, vì thế, 5 năm qua bà chưa từng khám sức khỏe.

Tiến hành thăm khám da, bác sĩ phát hiện tuýp da Fitzpatrick IV và các dát tăng sắc tố không đều, bờ hơi nổi cao, có chút vảy mỏng, kích thước thay đổi. Với 7 vùng tổn thương tại lưng, bụng, đùi, bác sĩ kết luận bà bị đa ung thư biểu mô tế bào đáy chưa rõ nguyên nhân.

Theo các bác sĩ, ung thư da rất dễ bị bỏ qua vì lầm tưởng các bệnh lý thông thường.

Các dấu hiệu trên da cần đi khám sớm nhất có thể

Hiện ở nước ta, có ba loại ung thư da phổ biến, gồm: Ung thư tế bào đáy (thường chiếm tới 70-75%), ung thư tế bào gai (khoảng 20%) và ung thư hắc tố. Mỗi loại ung thư lại có những biểu hiện khác nhau.

Các bác sĩ da liễu khuyến cáo, khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, người dân cần cẩn trọng và đi khám sớm nhất có thể:

- Tổn thương dạng u sần, cục, thường xuất phát trên nền tổn thương da lành, sau đó xuất hiện tổn thương nhỏ ở đường bờ viền, tạo thành hình con trạch.

- Sần dạng hạt ngọc ung thư (hơi gồ, bóng).

- Các dấu hiệu xung quanh: giãn mạch, tăng sinh mạch xung quanh, thể hiện có mạch máu nuôi tổ chức u, có loét, đóng vẩy tiết của da. Vùng đó có thể khô, tạo vẩy, ướt.

Người châu Á, hay gặp vị trí liên quan các vùng cục đầu ngón tay, ngón chân, tổn thương ở gót chân chiếm 60% ung thư sắc tố.

- Thay đổi màu sắc da: Khi xuất hiện các tổn thương thay đổi theo hướng thay đổi màu sắc, gây loét cũng cảnh báo nguy cơ ung thư.

- Nốt ruồi phát triển to lên trong thời gian ngắn, mất cân xứng.

- Tổn thương sẹo cũ, vết loét điều trị lâu ngày không đỡ…

Nhận biết ung thư qua nốt ruồi

Nốt ruồi nào có khả năng tiến triển thành ung thư cao nhất?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cảnh báo nguy cơ ung thư hóa từ nốt ruồi.

Theo đó, bản chất của nốt ruồi là tổn thương tế bào sắc tố da, có nguy cơ nhất định về khả năng gây ung thư.

Trong đó, nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ tiến triển ung thư cao nhất, tỷ lệ 13%. Bên cạnh đó, nốt ruồi xuất hiện ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu,… cũng được xem là có nguy cơ tiến triển thành ung thư, cần loại bỏ càng sớm càng tốt.

Ngoài những thay đổi về kích thước, độ cân xứng, khi nốt ruồi thay đổi về màu sắc (đang đậm chuyển nhạt hoặc ngược lại, loang lổ), thay đổi về bề mặt (đang nhẵn nhụi lại nhô hẳn lên) hoặc thay đổi về ranh giới cũng cần nghĩ đến ung thư da.

Một số triệu chứng khác như viêm, chảy máu, loét ngứa,... từ nốt ruồi, cũng cần lưu ý đến nguy cơ ung thư. Để điều trị ung thư từ nốt ruồi, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ nốt ruồi.

Thanh Hiền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/not-san-duoi-canh-mui-4-nam-khong-khoi-la-dau-hieu-chi-diem-ung-thu-2039067.html