Cơ hội kết nối và định hình chiến lược hợp tác công nghệ Việt Nam và Mỹ
Chiều 9/5, tọa đàm khoa học với chủ đề 'Vượt qua biên giới: Trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, giáo dục và hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai' đã quy tụ nhiều chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư và học giả từ cả hai quốc gia đến tham dự.

PGS.TS. Trịnh Thùy Anh, Phó hiệu trưởng, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH phát biểu khai mạc.
Theo ban tổ chức, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai sâu rộng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tọa đàm là cơ hội để người tham dự, đặc biệt là các nhà sáng lập startup, giảng viên và sinh viên mở rộng mạng lưới kết nối với chuyên gia đầu ngành, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thực tập và gọi vốn. Những chia sẻ thực tiễn từ các diễn giả giúp người tham dự định hình rõ hơn con đường phát triển sự nghiệp, từ đó chủ động tiếp cận các xu hướng công nghệ toàn cầu và khai thác tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn mới.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ góc nhìn từ chính trải nghiệm thực tiễn của mình trong việc ứng dụng AI để giải quyết các bài toán lớn của doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm điều hành các dự án AI trị giá hàng tỷ đô tại Meta, Amazon và các công ty toàn cầu, ông Anthony Tuan Phan đã trình bày về vai trò của nền tảng dữ liệu, đạo đức trong phát triển AI và tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ kỹ sư AI ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, ông Huy Do với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý công nghệ, phân tích cách các startup công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn và mạng lưới toàn cầu từ Hoa Kỳ để gia tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời nêu bật những yếu tố cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái AI có đạo đức, toàn diện và bền vững.
Ngoài ra, ông Huy Do, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý công nghệ đã phân tích cách các startup công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn và mạng lưới toàn cầu từ Hoa Kỳ để tăng cường năng lực cạnh tranh. Ông Huy Do cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một hệ sinh thái AI có đạo đức, toàn diện và bền vững, trong đó, kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở chuyển giao công nghệ mà còn là chuyển giao tri thức và tư duy quản trị.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Ông Kenneth Katz, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TAU Investment Management cũng đã phân tích cách các công ty đầu tư toàn cầu đang điều chỉnh danh mục đầu tư thông qua công nghệ AI và tiềm năng hợp tác với startup Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, chuỗi cung ứng thông minh và tự động hóa trong sản xuất.
Trong phiên thảo luận mở, các diễn giả đã cùng trao đổi về ba chủ đề chính: Cách thức phối hợp giữa trường đại học và doanh nghiệp công nghệ trong đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, mô hình gọi vốn thành công và chiến lược mở rộng thị trường quốc tế cho startup công nghệ Việt Nam, các biện pháp đảm bảo AI phát triển có trách nhiệm, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Tọa đàm này là một phần trong chuỗi hoạt động CTD Learning & Sharing, sáng kiến học thuật của Trường Công nghệ và Thiết kế UEH nhằm thúc đẩy việc chia sẻ tri thức, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu và tạo ra các giá trị thiết thực cho sự phát triển bền vững. Chương trình không chỉ chia sẻ tri thức đa ngành mà còn lan tỏa giá trị giáo dục gắn liền với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, trở thành nền tảng bền vững kết nối học thuật,
Tọa đàm do Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD), Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo (ISC) và Viện Đổi mới sáng tạo UEH (UII) đồng tổ chức.