NSƯT Nam Hùng - Cậu bé nghèo đất Hà Nam trở thành 'Đệ nhất kép độc' cải lương như thế nào?
Sinh ra ở Hà Nam, theo cha rong ruổi đi theo các đoàn hát để buôn bán và phụ việc. Rồi từ chuyến đi định mệnh vào phía Nam và không về quê được, cậu bé Xúy đã cố gắng rất nhiều để trở thành nghệ sỹ cải lương nổi tiếng ở phía Nam, được người yêu cải lương gọi với cái tên 'Đệ nhất kép độc'. Đó chính là NSƯT Nam Hùng.
Không thể về quê vì ngăn cách 2 miền, cậu bé Xúy cùng với cha đành lang thang đi theo các đoàn hát. Rồi một lần tình cờ Xúy gặp nghệ sỹ Phùng Há, thương cậu bé nhỏ tuổi, dễ thương mà phải sống xa mẹ, Phùng Há đã nhận Xúy làm con nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Khi thấy cậu bé Xúy yêu thích sân khấu, Phùng Há đã dày công truyền nghề. Nam Hùng đã từng kể để trở thành kép hát, ông phải đi lên từ con số không. Từ việc phải tập nói giọng miền Nam cho tới làm các công việc giản đơn của sân khấu như chạy cờ, làm việc hậu đài cho tới đóng các vai phụ, vai kép con...
Nhờ được sống trong môi trường sân khấu của đoàn hát Phụng Hảo, được mẹ nuôi truyền nghề và lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những nghệ sỹ trong đoàn nên cậu bé Xúy đã nhanh chóng trưởng thành. Năm 16 tuổi, Xúy đã xin phép mẹ nuôi đi hát cho đoàn hát Hương Hoa và lấy nghệ danh là Nam Hùng.
Trên sân khấu, Nam Hùng thường chọn các vai kép độc - vai diễn đối nghịch với kép chính mà theo ông, nhằm “nâng tầm” hơn cho kép chính. “Mục đích của tôi là nỗ lực không ngừng để mạnh dạn thâm nhập các vai kép độc. Nếu không có các nhân vật thủ vai kép độc, đào lẳng tạo thêm áp lực mạnh mẽ, khiến các vai đóng kép chính, đào chính có cơ hội tỏa sáng, được khán giả tán thưởng rầm rộ”- Nam Hùng từng nói như thế.
Để vào sâu với vai diễn, Nam Hùng phải thường xuyên thay đổi lối diễn, nghiên cứu kỹ từng vai từ tính cách của nhân vật, những câu nói lối hay những bài ca để diễn. Theo Nam Hùng, diễn vai kép độc không phải lúc nào cũng tỏ ra gian ác, thô bạo mà phải tùy từng nhân vật, từng hoàn cảnh mới có thể đạt hiệu quả. Vì thế, dù là kép độc nhưng trên sân khấu, Nam Hùng vẫn có những câu ca cổ cực mùi nhưng vẫn hợp với vai diễn.
Trên các sân khấu Sài Gòn trước đây, Nam Hùng thường đóng chung với nghệ sỹ Thành Được. Người kép chính, kẻ kép độc cùng nhau tung hứng trong các vai diễn để trở thành cặp bạn diễn ăn khách. Nghệ sỹ Quốc Nhĩ đã từng cho rằng Nam Hùng là người đã khai phá ra trào lưu diễn kép độc mùi và tạo nên huyền thoại qua nhiều vai diễn để đời.
Với tài năng của mình, Nam Hùng đã được khán giả bình chọn với danh xưng “Đệ nhất kép độc Nam Hùng”, cùng với những danh xưng cho các nghệ sỹ khác như: "Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn", "Đệ nhất đào thương Thanh Hương", "Đệ nhất kép lẳng độc Hoàng Giang".... Đây là điều hạnh phúc với Nam Hùng bởi khi đó ông còn rất trẻ trong cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nếu so với các bậc cao nhân được khán giả xưng danh.
Gần 70 năm theo nghiệm diễn, Nam Hùng vẫn luôn duy trì được phong độ diễn với nhiều vai diễn được khán giả nhớ tới như Mễ Kha Đan (vở Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (vở Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (vở Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (vở Lôi vũ), Đổng Trác (vở Phụng Nghi Đình), Thầy Đề (Nghêu- Sò- Ốc Hến) ...và được giới chuyên môn xếp vào danh sách những nghệ sỹ thuộc thế hệ Vàng của cải lương cùng với nhưng nghệ sỹ như: Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Thanh Hải, Diệp Lang, Thanh Nga, Hùng Minh... Gần 70 năm trong nghề, ông diễn cho các đoàn hát lớn như Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, 284...
Trong một lần chia sẻ về thành công của mình, Nam Hùng đã từng nói người có công lớn nhất giúp ông đến và thành công với cải lương là mẹ nuôi Phùng Há. “Mẹ nuôi của tôi thường dạy nghề hát là một đặc ân, không phải lúc nào cuộc đời cũng suôn sẻ nhưng xét cho cùng được sống, được làm nghệ sĩ là một hạnh phúc lớn. Tài năng và những lời dạy từ người mẹ nuôi cao quý đã là những trợ thủ đắc lực trong những thời điểm khó khăn thử thách cuộc đời tôi".
Nhờ những cống hiến suốt bao năm cho nghệ thuật cải lương, Nam Hùng đã được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1997.
Tang lễ của NSUT Nam Hùng được tổ chức tại nhà riêng (28 đường số 3, phường Bình Trị Đông B - quận Bình Tân - TPHCM). Lễ tẩm liệm sẽ diễn ra lúc 15 giờ ngày 21/10, lễ viếng vào lúc 17 giờ cùng ngày. Lễ động quan 8 giờ ngày 24/10 và sau đó thi hài sẽ được gia đình an táng tại nghĩa trang Bình Dương.