NSƯT, phát thanh viên huyền thoại Mạnh Tường qua đời
NSƯT Mạnh Tường qua đời vào ngày 9/11. Ông hưởng thọ 77 tuổi.
NSƯT Mạnh Tường là một trong 4 phát thanh viên huyền thoại của VTV.
Mạnh Tường là một trong 4 phát thanh viên huyền thoại, cùng với Kim Tiến, Thanh Hùng, Minh Trí được phong NSƯT của VTV.
NSƯT Mạnh Tường sinh năm 1946, trong gia đình có 11 anh chị em. Ông yêu thích ca hát, rồi theo đoàn văn công đi phục vụ các chiến sĩ trên mọi mặt trận.
Nhờ chất giọng ưu tú, ông thi và trúng tuyển phát thanh viên Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc không ngờ đến nhất: Bị trả về địa phương ở tuổi 25 do không đủ sức khỏe phục vụ chiến sĩ.
Do điều kiện vật chất thiếu thốn nên công việc phát thanh thời đó gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người so sánh môi trường làm việc khi đó của phát thanh viên với thợ lò vì không có máy điều hòa, công nghệ như bây giờ.
Mỗi bản tin đều được NSƯT Mạnh Tường dành nhiều thời gian, tâm huyết. Ông phải lên kịch bản sao cho ngắn gọn nhưng đầy đủ thông điệp để gửi tới người nghe.
Sau 2 năm công tác tại đài, ông được ghi nhận về khả năng chuyên môn. NSƯT Mạnh Tường trở thành phát thanh viên "đinh" năm 1975.
Sau này, ông còn trở thành Trưởng phòng Phát thanh viên, là lãnh đạo của nhiều lớp đàn em sau này như Phương Hoa, Nhật Lệ, Ngọc Trâm, Minh Khuê...
Đã có khoảng 200 phát thanh viên của các đài địa phương được Phòng Phát thanh viên của Đài truyền hình Việt Nam nơi ông làm việc đào tạo.
Điều mà NSƯT Mạnh Tường tự hào nhất có lẽ là ông đã truyền được lửa và nghề cho nhiều thế hệ phát thanh viên sau này
Dù là phát thanh viên "đinh", nhưng vì lý do sức khỏe (bệnh dạ dày), NSƯT Mạnh Tường mất đi cơ hội lên sóng vào giờ vàng ở bản tin Thời sự. Ông chuyển sang đọc thuyết minh phim truyện và một số chương trình khác như Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi.
NSƯT Mạnh Tường được khán giả yêu mến qua những bộ phim để đời mà ông thuyết minh như: 17 khoảnh khắc mùa xuân, Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại...
Để đọc thuyết minh ấn tượng trong các bộ phim trên, NSƯT Mạnh Tường lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc. Vì ông từng là một người lính ra trận, được chứng kiến và cảm nhận những mất mát đau thương khi chiến tranh.
(Theo Lao Động)