NTK Thủy Lê tri ân Tổ nghề may

Hằng năm, vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch, NTK Thủy Lê cùng với người làm thời trang lại thành kính tổ chức lễ giỗ Tổ nhằm tri ân, ngưỡng vọng công đức bà Tổ nghề may.

Các bậc cao niên truyền lại rằng vị Tổ nghề may là bà Nguyễn Thị Sen. Theo thần tích, bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng được Quý Minh Đại Vương là thần tướng dưới thời Hùng Vương lập lên). Đương thời, bà được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Tứ phi Hoàng hậu. Tại cung vua, bà được giao quản bộ May trang phục Hoàng Triều. Đặc biệt đã đào tạo được đội ngũ người may, người thêu thùa đông đảo. Bà dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

Vào năm Kỷ Mão (979) Vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, buồn chán trước cảnh triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị, bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê hương. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng và từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay đã được hơn ngàn năm. Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp.

Để con cháu muôn đời biết về công đức của tiền nhân, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may và tổ chức lễ hội giỗ Tổ vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

NTK Thủy Lê cùng các thành viên CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam về làng Trạch Xá để thành kính dâng hương Tổ nghề may.

NTK Thủy Lê cùng các thành viên CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam về làng Trạch Xá để thành kính dâng hương Tổ nghề may.

Để tri ân đức Tổ nghề, NTK Thủy Lê đã cùng với CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam về làng Trạch Xá để thành kính dâng hương. Ngày giỗ Tổ không chỉ là tưởng nhớ, tri ân công đức người sáng lập nghề may mà còn là nét văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt; là dịp để người làm thời trang thể hiện tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.

"Đây là một dịp đặc biệt để những người trong ngành may mặc và thời trang tri ân Tổ nghề, tưởng nhớ và tôn vinh những người đã tạo dựng nên ngành nghề may truyền thống", NTK Thủy Lê nói.

NTK Thủy Lê tham dự ngày giỗ Tổ nghề cùng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (thứ 2 hàng bên trái).

NTK Thủy Lê tham dự ngày giỗ Tổ nghề cùng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (thứ 2 hàng bên trái).

Nhân dịp này, NTK Thủy Lê cũng không quên bày tỏ lòng biết ơn với người thầy của mình là NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. "Tôi có gần 40 năm gắn bó trong ngành thời trang nhưng với áo dài thì cơ duyên bắt đầu từ khi gặp NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Nhờ đó, tôi tham gia khóa đào tạo áo dài của thầy mở ra cho mình nhiều cơ hội mới, tư duy mới về nghề.

Ngoài kiến thức chuyên môn về cắt may, thiết kế áo dài, tôi được học rất nhiều ở thầy Nam về tư duy quản lý, điều hành kinh doanh. Vì thế, trong mỗi dấu ấn đạt được, tôi đều dành sự trân trọng, biết ơn đến NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam", chị nói.

NTK Thủy Lê cùng các thành viên CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam tại làng Trạch Xá.

NTK Thủy Lê cùng các thành viên CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam tại làng Trạch Xá.

Nối tiếp truyền thống, NTK Thủy Lê đã có hành trình gần 40 năm bền bỉ tìm tòi và sáng tạo với thời trang và với áo dài. Chị lưu dấu ấn đậm nét qua nhiều chương trình, giải thưởng và các bộ sưu tập được trình diễn trên sân khấu.

NTK Thủy Lê (áo dài xanh) với bộ sưu tập Họa tiết Hoàng thành Thăng Long được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải Nhất.

NTK Thủy Lê (áo dài xanh) với bộ sưu tập Họa tiết Hoàng thành Thăng Long được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải Nhất.

Trong đó đáng kể nhất là năm 2020, NTK Thủy Lê đã giành giải Nhất tại cuộc vận động thiết kế "Tự hào áo dài Việt" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với BST áo dài "Họa tiết Hoàng thành Thăng Long". Tiếp nối thành công đó, một lần nữa ý tưởng về những cổ vật Hoàng thành Thăng Long được NTK Thủy Lê đưa lên tà áo dài trong BST mang tên "Lưu dấu ngàn năm". Từ quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, từ những di vật lưu giữ tại đây với giá trị văn hóa vô giá, kiến trúc đồ sộ gắn liền với các triều đại phát triển rực rỡ của Việt Nam đã được NTK đưa lên áo dài với các hoa văn họa tiết ở thềm điện Kính Thiên và các hình rồng phượng, mang biểu tượng hưng thịnh của các triều đại kinh đô Thăng Long.

BST mang tên "Lưu dấu ngàn năm" của NTK Thủy Lê.

BST mang tên "Lưu dấu ngàn năm" của NTK Thủy Lê.

BST Sen thu trình diễn ở Hang Múa, Ninh Bình vào tháng 8/2022 cũng là dấu ấn được chị tâm đắc. Khai thác chủ đề quen thuộc là hoa sen nhưng NTK đã có tìm tòi, nghiên cứu để mang đến sự khác biệt, vừa tinh tế vừa mang tính ứng dụng cao cho người sử dụng.

NTK Thủy Lê trình diễn BST Sen thu tại Hang Múa, Ninh Bình.

NTK Thủy Lê trình diễn BST Sen thu tại Hang Múa, Ninh Bình.

Năm 2023 tại Festival Thu Hà Nội do UBND TP.Hà Nội tổ chức, diễn ra tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, NTK Thủy Lê tiếp tục tôn vinh chủ đề văn hóa truyền thống. Mỗi thiết kế trong bộ sưu tập đều mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thiết kế. Từ những đường nét hoa văn tinh xảo cho đến những họa tiết cách điệu hiện đại, tất cả đều được thể hiện một cách tinh tế và hài hòa.

BST áo dài của NTK Thủy Lê trình diễn tại Festival Thu Hà Nội 2023.

BST áo dài của NTK Thủy Lê trình diễn tại Festival Thu Hà Nội 2023.

NTK Thủy Lê quan niệm, tà áo dài đã quá quen thuộc nhưng sự khác biệt để thể hiện phong cách riêng, thẩm mỹ riêng của NTK chính là ở kỹ thuật cắt, thêu, cách sử dụng màu sắc, bố cục, trang trí,… "Áo dài được rất nhiều người thiết kế và mỗi người lại có một kỹ thuật và sự sáng tạo khác nhau. Đối với tôi, mỗi khi thiết kế, tôi luôn tâm niệm rằng chiếc áo dài của người Việt không chỉ dừng lại ở tầm mức của một trang phục truyền thống mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa, mang trọn văn minh vật chất cũng như tinh thần của người Việt. Khi mặc áo dài, không chỉ đơn thuần là mặc một trang phục đẹp, trang trọng, mà áo dài còn là lời nhắc nhở mỗi người mặc rằng chúng ta là con dân đất Việt, mang trên người nét đẹp của văn hóa Việt", chị nói.

NTK Thủy Lê cũng cho rằng, thời kỳ cách mạng 4.0, áo dài đang đối diện với nhiều thách thức về cách tân cho phù hợp với không gian hiện đại. Nếu không làm mới trang phục và tư duy thiết kế mỗi ngày, trang phục truyền thống sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, dù sáng tạo, cách tân thế nào cũng cần phải tuân thủ giá trị văn hóa truyền thống. Dù ở thời đại nào thì áo dài cũng phải mang đến vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo cho người phụ nữ. Người mặc và áo dài đều được tôn vinh, bổ trợ cho nhau. Vì vậy, mỗi bộ trang phục đều là tình yêu, tâm huyết của tôi gửi gắm vào đó.

NTK Thủy Lê và NTK Kim Hạnh.

NTK Thủy Lê và NTK Kim Hạnh.

Hiện tại, ngoài thiết kế, hiện chị còn giữ trọng trách Phó chủ tịch CLB Văn hóa áo dài VN, nơi kết nối và tạo sân chơi cho người yêu áo dài thể hiện niềm đam mê, qua đó quảng bá văn hóa, du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế.

M.N

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ntk-thuy-le-tri-an-to-nghe-may-17225011306164032.htm