Nữ đại biểu Quốc hội người Phù Lá đầu tiên qua đời ở tuổi 89

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà Hoàng Thị Thá, đại biểu Quốc hội khóa 4 (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu), nữ đại biểu Quốc hội người Phù Lá đầu tiên qua đời ở tuổi 89. Nhiều người dân Phù Lá nói riêng và người Điện Biên, Lai Châu nói chung vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người nữ cán bộ năng nổ, nhiệt huyết, hết lòng vì đồng bào Tây Bắc.

Bà Hoàng Thị Thá và người cháu ngoại - Nguyễn Huyền Anh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Hoàng Thị Thá và người cháu ngoại - Nguyễn Huyền Anh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Hoàng Thị Thá sinh năm 1935, tại bản Khua Chá, xã Phình Sáng (nay thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bà tham gia công tác từ rất sớm, ngay từ năm 1955, khi ấy mới 20 tuổi, bà đã là cán bộ xã Mường Đun (nay thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Rồi bà lần lượt qua các vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu, nay thuộc tỉnh Điện Biên), Phó Ban Thanh tra Đảng - Tỉnh ủy Lai Châu (nay là Phó chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu), Phó trưởng Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu (nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu). Khi tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu (khóa 4), bà được luân chuyển về huyện Tuần Giáo giữ các cương vị Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc (nay là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tuần Giáo), Trưởng hội Phụ nữ (nay là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tuần Giáo).

Bà Hoàng Thị Thá có 4 người con đặt tên theo 4 mùa Thu, Đông, Xuân, Hạ và điều đáng mừng là các con của bà đều thành đạt, trong đó 2 người con trai đều từng là thủ khoa đại học. Cụ thể, người con trai Nguyễn Ngọc Xuân từng là thủ khoa Trường Đại học Dược Hà Nội, sau về công tác tại Sở Y tế Lai Châu. Còn người con trai Nguyễn Ngọc Đông từng là thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, hiện công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên.

Với dáng người nhỏ bé, nước da trắng, đôi mắt sáng, to, tròn, bà Hoàng Thị Thá luôn thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn. Những năm tháng còn làm công tác dân vận, bà đã một mình “băng rừng vượt suối” đi qua biết bao bản làng của núi rừng Tây Bắc để vận động người dân vùng sâu, vùng xa thay đổi lề lối, sinh hoạt theo hướng văn minh, loại bỏ hủ tục lạc hậu, một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Bà kể có nhiều khi đi đường rừng một mình về đêm rất sợ, nhưng sợ nhất là khi phải cõng cả con nhỏ theo để làm nhiệm vụ.

Theo lời kể của chị Nguyễn Huyền Anh là cháu ngoại bà Hoàng Thị Thá, trong quá trình công tác, bà đã 2 lần được điều động về Hà Nội, được cấp nhà trong khu cán bộ cấp cao để nhận các nhiệm vụ ở Trung ương, nhưng khi ấy bà chỉ nghĩ đơn giản là ở lại Tây Bắc vì có quá nhiều người còn khổ, quá nhiều người cần bà. "Bà mong muốn ở lại vì còn nặng lòng với nơi mình sinh ra và dù khổ thế nào bà cũng phải tiếp tục để góp công sức nhỏ bé của mình cho vùng Tây Bắc. Nhưng sau này bà mới hiểu được và cảm thấy ân hận vì quyết định đó của mình, bởi bà nghĩ nếu lúc đó về Trung ương thì bà sẽ còn làm được nhiều hơn cho Tây Bắc. Sau này, mỗi lần bà kể cho con cháu nghe câu chuyện đó, lòng bà lại nặng trĩu và đầy ưu tư bởi vì dường như những gì bà làm vẫn chưa cảm thấy đủ”- chị Huyền Anh xúc động kể.

Không chỉ cống hiến cho Tây Bắc khi còn công tác mà đến tận những năm về nghỉ hưu, bà Hoàng Thị Thá vẫn không ngừng trăn trở về sự thiếu thốn, đói nghèo của người dân đồng bào vùng sâu, vùng xa. Hằng năm, bà vẫn tự dùng kinh phí của bản thân tổ chức các chuyến thiện nguyện về các vùng núi xa xôi để phát quần áo, quà bánh và tiền mặt cho những hộ nghèo.

“Tôi còn nhớ có lần mùa đông, trời lạnh căm căm, bà vẫn tự tay giặt những bộ quần áo đã gom từ những người hàng xóm và những người thân quen để đem đi từ thiện. Tôi xót bà nên khuyên nhủ: “Bà đừng có giặt nữa, trời lạnh như thế giặt làm gì?”. Tính bà vốn đã vậy, bà không nghe và còn nói lại: “Nếu ai cũng nghĩ như cháu thì người dân nghèo khổ ai sẽ chăm lo đây!” - chị Huyền Anh chia sẻ.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu khóa 4 (bà Hoàng Thị Thá đứng thứ 3 từ trái sang). Ảnh: Gia đình cung cấp

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu khóa 4 (bà Hoàng Thị Thá đứng thứ 3 từ trái sang). Ảnh: Gia đình cung cấp

Cũng theo chị Huyền Anh, dù bận việc xã hội nhưng bà luôn quan tâm, lo lắng không chỉ cho con mà còn cho các cháu. Bà nuôi 2 người cháu ngoại khôn lớn nên người và dạy bảo những gì tốt nhất. “Mỗi lần bà đi họp ở tỉnh về, có những thứ ngon nhiều khi bà không ăn, nghĩ đến các cháu ở nhà chưa được ăn món này bao giờ, bà lại gói mang về. Bà luôn dạy dỗ chúng tôi sống phải làm người nhân hậu, bao dung, thương những người đói khổ hơn mình”, chị Huyền Anh nhớ lại.

Những ngày này, trời Tây Bắc mưa rét, nhiệt độ xuống sâu nhưng ở đâu đó trên địa bàn phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên - nơi bà sinh sống cuối đời, người dân vẫn gặp gỡ để nói về bà Hoàng Thị Thá trong trực trào nước mắt. Hiện nay người Phù Lá có số lượng không nhiều (theo điều tra dân số năm 2019, người Phù Lá có trên 12 nghìn người) và có lẽ trong suốt 15 khóa, số đại biểu Quốc hội là người Phù Lá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Hoàng Thị Thá chính là “cánh chim đầu đàn”, là người đặt nền móng cho việc đóng góp tiếng nói của người dân tộc Phù Lá trên Nghị trường Quốc hội.

Bà Hoàng Thị Thá ra đi khi hoa đào đang khoe sắc thắm, khi hoa ban đang sắp sửa phủ trắng núi rừng Tây Bắc… để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đất và người nơi đây.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nu-dai-bieu-quoc-hoi-nguoi-phu-la-dau-tien-qua-doi-o-tuoi-89-post472459.html