Nữ doanh nhân kiếm chục tỷ đồng từ rác
Vỏ dứa vốn là thứ bỏ đi, nhưng đã được nghiên cứu và chế biến thành hàng chục loại nước tẩy rửa, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho một doanh nghiệp non trẻ.
Quyết định táo bạo
Mấy giọt gel trắng trong vừa được nhỏ ra từ chai nước rửa chén Fuwa 500ml (sản xuất bởi Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech - Fuwa3e, không gian đã lan tỏa một mùi hương dứa tự nhiên.
Mùi hương dễ chịu này đã giúp chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên phục vụ tại quán cà phê Fun Quán (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy thoải mái hơn trong công việc của mình.
Thương hiệu nước tẩy rửa sản xuất từ vỏ dứa ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Chị Nhung chia sẻ, mỗi ngày chị phải rửa rất nhiều cốc chén. Trước đây chị thường bị khô da tay, nhưng từ ngày chuyển sang dùng nước rửa chén của Fuwa3e, cảm giác đó không còn nữa.
"Ngay khi mở nắp chai, tôi đã cảm nhận ngay hương thơm ngọt ngào của dứa tươi. Mùi hương này mang lại một cảm giác tươi mát và dễ chịu", chị Nhung chia sẻ.
Cũng là khách hàng quen thuộc của thương hiệu này, chị Đinh Thị Phương, (132, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hài lòng với sản phẩm nước giặt Fuwa 3e, các vết bẩn được đánh bay nhanh chóng, không những vậy hương thơm tự nhiên còn lưu trên áo quần rất lâu. Sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nên không gây kích ứng cho da".
Trò chuyện với PV Báo Giao thông, chị Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc Fuwa3e chia sẻ, ý tưởng nghiên cứu, kinh doanh nước tẩy rửa an toàn từ tự nhiên xuất phát từ nhu cầu cá nhân.
"Tôi bị viêm da cơ địa, do đó phải tìm những sản phẩm an toàn để sử dụng. Khoảng năm 2018, khi có em bé, nhu cầu đó cấp thiết hơn mức bình thường.
Khi đó tôi phải bỏ 600 nghìn đồng để mua 3 sản phẩm của một thương hiệu nước ngoài về sử dụng", chị Ngọc nhớ lại.
Từ đó, chị luôn tự đặt câu hỏi: tại sao trong nước không có những sản phẩm như vậy?
Một lần tình cờ biết đến nghiên cứu của một tiến sĩ người Thái về phương pháp ngâm ủ và lên men các phế phẩm nông sản để tạo ra Enzyme sinh học (công nghệ sinh học Eco Ezyme), chị đã bén duyên với công nghệ này.
"Sau khi tìm hiểu tôi thấy ở ngay chính quê mình có rất nhiều vùng trồng dứa xuất khẩu. Hơn nữa, công nghệ này vừa tạo ra sản phẩm hữu ích lại bảo vệ môi trường mà không quá tốn kém về chi phí mua nguyên liệu. Từ đó tôi nảy ra ý định thử học cách làm này", chị Ngọc nhớ lại.
Vậy là, chị tìm tòi các tài liệu về Eco Enzyme rồi miệt mài nghiên cứu các quy trình sản xuất. Sau hai năm, cuối cùng chị cũng đã lên men vỏ dứa thành nước rửa tay thân thiện với môi trường.
Đến năm 2019, chị quyết định từ bỏ công việc ở công ty bảo hiểm rồi về quê ở Thanh Hóa, bàn với chồng mở xưởng, thành lập công ty sản xuất nước rửa tay, nước giặt, nước rửa chén bằng công nghệ Eco Enzyme.
Khởi nghiệp từ 60 triệu đồng
Nước tẩy rửa của Fuwa3e được sản xuất từ vỏ dứa.
Chị Ngọc kể, khi khởi nghiệp, cả nhà cũng chỉ có 60 triệu đồng tiền vốn sau nhiều năm tích góp. Vì đây là sản phẩm được làm ra từ những thứ bỏ đi (vỏ dứa) nên chi phí không tốn kém.
"Tôi dùng 60 triệu đồng đó để mua thiết bị máy móc rồi đến các xưởng sản xuất dứa để thu mua vỏ về ủ men. Và những ngày đầu, tôi còn cùng các cộng sự chia nhau đi nhặt vỏ trái cây ở các quán café giải khát hay chợ đầu mối, mỗi lần nhìn thấy đống rác họ bỏ đi mà như nhìn thấy vàng!", chị Ngọc nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.
Nhưng sau đó, chị Ngọc và cộng sự đã thay đổi tư duy. Bởi để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo ổn định sản lượng cung cấp thị trường, doanh nghiệp chuyển hướng sang nhập từ doanh nghiệp sản xuất dứa. Điều này vừa tăng số lượng, vừa tăng chất lượng nguyên liệu đầu vào, mang lại giá trị và hiệu quả cho sản phẩm như ngày hôm nay.
Dần dà, chị cùng 3 người bạn góp vốn gần 1 tỷ đồng để mở rộng dần sản xuất. Đến nay, trung bình mỗi năm, Fuwa3e xử lý hàng chục tấn phế phẩm từ dứa bằng công nghệ enzyme.
Chia sẻ về quá trình sản xuất sản phẩm, chị Ngọc cho biết, cơ bản là vỏ dứa ngâm với đường vàng tinh luyện và nước sạch. Sau khi ngâm ủ tự nhiên 100% trong 3 tháng sẽ chiết xuất được enzyme. Sau đó, enzyme này sẽ được mix (pha trộn) với các công thức khác nhau, phù hợp cho từng loại sản phẩm.
"Khâu nào cũng quan trọng, nhưng mix mùi là quan trọng nhất. Bởi, hoa quả sau khi ngâm ủ, lên men có mùi giống dưa, cà muối", chị Ngọc kể và cho biết, thời gian đầu, những sản phẩm lên men bị quá thời gian, mùi chua, chưa có hương thơm, màu sắc.
"Khi mình dùng thì rất tốt. Nhưng bán ra thị trường là một câu chuyện khác. Mùi của những nguyên liệu này không phải ai cũng phù hợp, thậm chí còn sốc vì rất khó chịu. Đợt đầu, có những lần phải thu hồi 100%", chị Ngọc kể và cho hay, lúc đó mọi người đều nản, tưởng như số vốn gần 1 tỷ đồng sẽ trôi sông đổ bể.
Tất cả mọi người khi ấy đã phải cùng nhau vực lại tinh thần, giải quyết đồng thời 2 bài toán: xử lý mùi chua của enzyme và xây dựng lại niềm tin của khách hàng. Sau hơn 2.000 mẫu thử, công thức mix enzyme với tinh dầu đã được tìm ra.
Hướng tới xuất khẩu
Bộ sản phẩm nước tẩy rửa sinh học của Fuwa3e.
Theo chị Ngọc, việc dùng tinh dầu tạo mùi vừa giảm mùi chua, vừa tạo ra mùi hương tự nhiên, đồng thời tăng tác dụng của sản phẩm. Ví dụ tinh dầu xả, chanh, quế rất phù hợp sản phẩm lau sàn, tăng tác dụng đuổi muỗi. Tinh dầu khuynh diệp phù hợp với diệt vi khuẩn mạnh như rửa bồn cầu...
Nếu thời gian đầu Fuwa chỉ có 3 sản phẩm thì đến nay, đã cung cấp đủ bộ sản phẩm tẩy rửa cho một gia đình, từ nước giặt, nước lau đa năng, nước lau sàn, nước ngâm rửa thực phẩm, nước rửa chén, nước rửa bồn cầu...
Sản phẩm có giá bán từ dưới 100 - 500 nghìn đồng tùy loại. Mức giá này cao hơn các sản phẩm phổ biến trên thị trường dùng hương liệu công nghiệp.
Hiện nay, sản phẩm của Fuwa được bán 51 tỉnh trên toàn quốc, có mặt ở hầu khắp các siêu thị. Hệ thống bán hàng online của công ty cũng rất phát triển, nhằm tận dụng tối đa sự tiện lợi của thương mại điện tử.
"Ngoài việc bán trong nước, đến nay công ty đã có đơn hàng từ Mỹ, Malaysia. Dù số lượng chưa phải quá lớn, song đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục vươn lên", chị Ngọc chia sẻ và tiết lộ, mục tiêu doanh thu trong năm 2023 khoảng 40 tỷ đồng.
Hiện công ty đang tạo công ăn việc làm cho 21 công nhân với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng.
Đại diện Hội Nông dân TP Thanh Hóa cho biết, mô hình khởi nghiệp của chị Ngọc khá mới mẻ ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế tương đối tốt, không những tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn góp phần giảm lượng lớn rác thải hữu cơ cho địa phương.
Chị Nguyễn Minh Hạnh, chủ cửa hàng Green Nature - Tinh hoa thiên nhiên Việt (302 phố Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Green Nature là cơ sở phân phối của Fuwa tại Hà Nội.
"Ngoài phân phối sản phẩm Fuwa, Green Nature còn phân phối 8 nhãn hàng tẩy rửa sinh học hữu cơ khác. Nhưng Fuwa có doanh số tốt nhất, chiếm khoảng 50% tổng doanh số của cửa hàng. Nhiều khách hàng bị viêm da cơ địa giờ chỉ dùng nước rửa tay, rửa bát, rửa chén của Fuwa, không dùng sản phẩm khác như của Pháp, Đức. Chúng tôi phân phối Fuwa từ năm 2021, nhưng đến nay rất nhiều khách vẫn trung thành với sản phẩm Fuwa", chị Hạnh chia sẻ.