Nữ kỹ sư kể chuyện làm quản lý

'Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba' là cuốn sách của nữ kỹ sư Julie Zhuo. Sách mới được phát hành tiếng Việt qua bản dịch của Hoàng Anh.

Julie Zhuo, tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Mỹ. Ở tuổi 25, cô được bổ nhiệm làm nhà quản lý mảng phát triển sản phẩm của Facebook và giữ chức Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm và thiết kế tại công ty này trong nhiều năm.

Cô đã quản lý đội nhóm kỹ sư và nhà thiết kế từ quy mô dưới 10 người cho đến hàng trăm người. Cô cùng đội ngũ đã tạo ra sản phẩm ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng trên thế giới.

Những trải nghiệm và bài học của Julie trong vai trò từ một thực tập sinh, lập trình viên, đến một nhà quản lý, được cô chia sẻ trong cuốn sách Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba.

 Tác giả Julie Zhuo. Ảnh: diversityinsteam.

Tác giả Julie Zhuo. Ảnh: diversityinsteam.

Thế nào là nhà quản lý tốt?

Julie đã phân tích một cách toàn diện về mục tiêu, vai trò và cách để trở thành một nhà quản lý xuất sắc. Trong đó, cô nhấn mạnh nhà quản lý cần hiểu mục tiêu cốt lõi của mình là “tạo ra những thành quả tốt nhất từ một nhóm người phối hợp làm việc”. Nói ngắn gọn chính là hiệu quả công việc.

“Người quản lý tầm thường sẽ dẫn dắt cả nhóm hoàn thành công việc là đủ. Còn nhóm của người quản lý tốt sẽ liên tục đưa ra đề xuất mới và làm cộng sự nghĩ rằng còn nhiều thứ khác đáng làm, có thể tốt hơn nữa”, Julie chia sẻ.

Bên cạnh đó, Julie cho hay không phải tất cả kỹ sư công nghệ đều nên hướng mục tiêu nghề nghiệp của mình là trở thành quản lý. Thực tế, họ có thể trở thành nhà quản lý hoặc chuyên gia với sự nể trọng tương đương.

“Cả hai con đường đều có cơ hội như nhau về sức ảnh hưởng, phát triển và phần thưởng” - cô viết - “Điều đó có nghĩa trở thành nhà quản lý không phải thăng tiến mà là sự chuyển đổi”.

Julie cho rằng một người chỉ nên xác định rằng mình sẽ trở thành nhà quản lý trong tương lai nếu như họ thích trò chuyện với mọi người, có thể ổn định được cảm xúc và có nhiều động lực để đạt được kết quả chung. Bởi, quản lý là vai trò phải thúc đẩy đội ngũ làm việc, quản lý rủi ro và đưa ra những nhận xét khách quan, cũng như quyết định sa thải ai đó.

Mục tiêu, con người và quy trình là những điều mà các nhà quản lý phải quan tâm hàng ngày. Những câu hỏi cốt yếu mà họ nên đặt ra, theo Julie, bao gồm: Tại sao phải làm điều này chứ không phải hàng nghìn điều khác? Đâu là điều tạo ra sự khác biệt? Tất cả thành viên trong nhóm có được chuẩn bị để thành công không? Họ có những kỹ năng phù hợp không? Họ có động lực để làm những điều tuyệt vời? Ai nên làm điều gì và vào lúc nào? Những nguyên tắc nào sẽ chi phối các quyết định?...

 Sách Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba. Ảnh: Thanh Huyền.

Sách Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba. Ảnh: Thanh Huyền.

Cuốn sách bàn về công việc quản lý

Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba có thể xem là tập hợp của những cách làm việc - còn gọi là “best-practise” - mà tác giả đã chắt lọc qua nhiều năm ở vai trò quản lý. Rất nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức cuộc họp, phân quyền, tuyển dụng… được chia sẻ một cách cô đọng, súc tích.

Nhưng điều làm cuốn sách trở nên đặc biệt, thu hút là những trải nghiệm cùng sự chia sẻ, có đôi lúc hài hước của Julie xen lẫn những đúc kết về kỹ năng quản lý.

Cô mô tả sự bối rối của mình khi lần đầu tiên giữ vai trò quản lý, trải nghiệm bị đồng nghiệp xa lánh khi lên chức, hay sự hối tiếc về quyết định bổ nhiệm sai lầm một nhà thiết kế tài năng trở thành một quản lý - điều khiến người này nghỉ việc chỉ sau một năm…

Trong Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba, một số khái niệm về quản lý và lãnh đạo được viết dưới góc nhìn chủ quan của Julie. Vài quy trình như cuộc họp 1:1, thu thập phản hồi 360 độ, tuyển dụng hàng loạt… vốn là đặc trưng của giới công nghệ, có thể xa lạ với nhiều người làm việc trong các ngành khác. Tuy vậy, những bài học và chia sẻ của Julie vẫn hữu dụng, dù bạn làm việc trong bất cứ ngành nghề nào.

Nhận xét về cuốn sách, Mike Kieger - đồng sáng lập Instagram - nói: “Tôi ước mình đã có trong tay cuốn sách này ngay từ những ngày đầu làm quản lý cho nhóm Instagram”.

Còn CEO và đồng sáng lập của Lyft - Logan Green - thì viết: “Cô ấy kéo độc giả vào tất cả tình huống rắc rối, hài hước và khó khăn khi lần đầu tiên trở thành người quản lý, và rồi hút họ vào một hành trình hấp dẫn”.

Thanh Huyền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-ky-su-ke-chuyen-lam-quan-ly-post1175106.html