Nữ kỹ sư... khoai tây

Cuối tháng 11/2021, kỹ sư, ThS Đinh Thị Hồng Nhung - Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa vinh dự nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với thành tích nghiên cứu giải pháp giống khoai tây mới TK15.80 đoạt giải A. Thành quả nghiên cứu của cô đã được nhân rộng các mô hình cho người nông dân tỉnh Lâm Đồng.

KS, ThS Đinh Thị Hồng Nhung

KS, ThS Đinh Thị Hồng Nhung

Đinh Thị Hồng Nhung sinh năm 1986, tốt nghiệp Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Đà Lạt năm 2008 và bảo vệ thành công bằng Thạc sĩ tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016. Công tác tại Phòng Nghiên cứu và Chuyển giao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa ở Đà Lạt (PVFC) - Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam từ năm 2010, Hồng Nhung miệt mài theo đuổi các đề tài nghiên cứu/ứng dụng nông nghiệp để đồng hành với nhà nông.

TÍNH MỚI VÀ SÁNG TẠO

Giải pháp giống khoai tây TK15.80 của Đinh Thị Hồng Nhung đạt được mang tính sáng tạo ở chỗ: Đây là giống khoai tây do PVFC lai tạo và chọn lọc từ 2 giống bố mẹ là CIP10 () × () Utatlan (07); là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh mốc sương và có thể canh tác quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận”. Giống có tiềm năng, năng suất cao, ổn định, trung bình khảo nghiệm cơ bản trong 3 vụ tại Lâm Đồng đạt 27,51 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng (giống 07) 17,1%. Trung bình khảo nghiệm sản xuất trong 2 vụ đạt 25,42 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 19,6%. Doanh thu đạt 254,2 triệu đồng, lợi nhuận đạt 146,2 triệu đồng, cao hơn giống đối chứng 39,8%. Mặt khác, giống TK15.80 có khả năng kháng bệnh mốc sương tốt, có thể được sản xuất quanh năm tại các vùng sản xuất khoai tây chính của Lâm Đồng như Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Trong khi giống đối chứng (giống 07 đang được sản xuất phổ biến tại Lâm Đồng) chỉ sản xuất được trong điều kiện mùa khô.

ThS Đinh Thị Hồng Nhung còn cho biết: “Giống khoa tây TK15.80 được nông dân và thị trường ưa chuộng, với đặc điểm vỏ củ màu hồng, thịt củ màu vàng, mắt nông, hình dạng củ đẹp nên có giá bán trung bình cao hơn so với giống khoai tây có vỏ củ màu vàng tại Lâm Đồng từ 2 - 3 giá”. Với thành quả nghiên cứu và kiểm chứng bằng thực tiễn, giống khoai tây TK15.80 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 454/QĐ-TT-CLT ngày 30/12/2019.

KHẢ NĂNG ÁP DỤNG

Với thời tiết ở Lâm Đồng, khoai tây giống mới TK15.80 trồng được quanh năm kể cả mùa mưa. ThS Nhung khẳng định, giống TK15.80 hoàn toàn có thể thay thế được giống Utatlan (07) trong sản xuất trên địa bàn canh tác tại tỉnh Lâm Đồng. Những hiệu quả của giải pháp mà cô đưa ra là TK15.80 mang lại lợi ích kinh tế - kỹ thuật, lợi ích xã hội và môi trường cao hơn giống cũ 07. Cụ thể, giống có năng suất cao hơn giống cũ từ 10 - 20%, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu bệnh mốc sương tốt, được các nông hộ và thị trường ưa chuộng. Nhờ đó, giống có ý nghĩa quan trọng việc thúc đẩy sản xuất khoai tây trên địa bàn Lâm Đồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây, tăng vụ sản xuất trong mùa mưa, giảm chi phí sản xuất (giảm chi phí đầu tư để quản lý bệnh hại), giá bán cao hơn giống cũ và tăng thu nhập cho nông dân. Đó còn là, giống mới trẻ hóa, chống chịu với các loại sâu bệnh hại, giúp giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Giống khoai tây mới có thể tổ chức sản xuất quanh năm, nhất là trong điều kiện mùa mưa, góp phần cung cấp mặt hàng khoai tây thương phẩm ổn định trong năm, hạn chế được việc nhập khẩu lượng lớn khoai tây kém chất lượng từ Trung Quốc. Đây cũng có nghĩa góp phần giải quyết vấn nạn khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt, giữ vững thương hiệu khoai tây Đà Lạt...

Đề tài nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh mốc sương và có thể canh tác quanh năm được ThS Đinh Thị Hồng Nhung nghiên cứu trong 6 năm (2014 - 2019). Kết quả áp dụng khảo nghiệm trong 2 vụ đông - xuân và hè - thu tại 3 điểm: xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt), xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) và xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương). Quy mô diện tích 1.000 m2/giống và được so sánh cùng với giống khoai tây đang sản xuất phổ biến tại các vùng sản xuất với diện tích mỗi điểm 500 m2. Mô hình thực hiện bởi nông dân tham gia, diện tích từ 2.000 m2 trở lên; trong đó, trồng cả giống khoai tây mới TK15.80 và giống đối chứng 07. Các chỉ tiêu theo dõi được áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống khoai tây (QCVN 01-59: 2011/BNNPTNT); Hướng dẫn đánh giá các chỉ tiêu theo dõi trên khoai tây của Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP).

Kết quả thực tế đã khẳng định, giống khoai tây TK15.80 có thời gian sinh trưởng khoảng 95 - 100 ngày, dạng cây nửa đứng, kháng tốt với bệnh mốc sương (Phythopthora infestan). Dạng củ hình oval ngắn, mắt nông, vỏ củ hồng đậm, ruột củ màu vàng đậm, số lượng củ/cây trung bình từ 6 - 8 củ, phù hợp với nhu cầu ăn tươi trong nước, giống được người dân và thị trường ưa chuộng. Cùng đó, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế như đã nêu ở phần đầu bài này. Vì vậy, PVFC mong muốn phối hợp các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng tuyên truyền, giới thiệu đến các nông hộ trên địa bàn nhằm mở rộng diện tích sản xuất khoai tây giống TK15.80 thời gian tới. PVFC cam kết tổ chức sản xuất củ giống khoai tây TK15.80 sạch bệnh, cung cấp cho người dân, tập huấn giới thiệu giống và quy trình sản xuất giống mới này.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202202/nu-ky-su-khoai-tay-3104591/