Nữ nghệ nhân hơn hai thập kỷ giữ lửa nghề rối nước

Là nữ Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) duy nhất của phường rối nước hơn 300 năm tuổi, bà Nguyễn Thị Thỏa (sinh năm 1965 ở thôn Đào Thục, xã Thục Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê với nghề và nỗ lực để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc của quê hương.

Cái duyên với rối nước từ giọng hát chèo “trời phú”

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, không có ai theo đuổi nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, Nguyễn Thị Thỏa đã say mê những làn điệu chèo sâu lắng của các nghệ nhân trong làng. 14 tuổi, cô bé mạnh dạn tham gia đội chèo và lập tức chinh phục các cô, bác trong đội bằng giọng hát trong trẻo của mình ngay lần trả bài đầu tiên. Tình yêu với chèo lớn dần theo từng vở diễn, trở thành nền tảng để sau này Nguyễn Thị Thỏa bén duyên với nghệ thuật rối nước.

Cơ duyên ấy đến vào năm 1984, khi đó, bố chồng của bà, là nghệ nhân Đặng Minh Hải – Phó phường rối nước thời bấy giờ – cùng các cụ trong làng đang khôi phục lại phường rối truyền thống. Nhận thấy tài năng hát chèo của con dâu, ông Hải nhiều lần động viên Nguyễn Thị Thỏa tham gia biểu diễn cho phường. Dù đam mê nhưng trách nhiệm gia đình và những định kiến xã hội lúc đó khiến cô gái trẻ phải tạm gác lại cơ hội.

Bà Nguyễn Thị Thỏa, sinh năm 1965, tại thôn Đào Thục, xã Thục Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Ly

Bà Nguyễn Thị Thỏa, sinh năm 1965, tại thôn Đào Thục, xã Thục Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Ly

Năm 2000, khi cuộc sống gia đình ổn định hơn, Nguyễn Thị Thỏa xin gia nhập phường rối. Thời gian đầu, bà chỉ được làm việc trong tổ cạn, ở trên bờ trực tiếp nói, hát kết hợp với gõ phách, thanh la, não bạt. “Trước đây, ở đội chèo, tôi đã quen với những làn điệu khó, nên khi tham gia vị trí đàn hát ở phường rối, với các làn điệu nhẹ nhàng hơn, tôi hòa nhịp với mọi người nhanh lắm”, bà Thỏa tự hào kể lại.

Tuy nhiên, không dừng lại ở việc đàn hát trên bờ, với mong muốn được gắn bó sâu hơn với những con rối, bà luôn tìm cơ hội để được thử sức ở vị trí điều khiển rối dưới nước – công việc xưa nay vốn chỉ dành cho nam giới.

Nữ nghệ nhân đầu tiên của phường được “xuống nước”

Do không muốn lọt bí quyết điều khiển quân rối ra ngoài, người làng Ðào Thục không dạy múa rối nước cho phụ nữ. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với phường rối, nắm vững các vở diễn và thành thạo vai trò đàn hát trên bờ, bà Thỏa quyết tâm phá lệ, xin trưởng phường Nguyễn Văn Nghị được “xuống nước”. Năm 2005, bà là người phụ nữ đầu tiên của làng Ðào Thục được múa rối nước, điều này đã tạo động lực, mở đường cho nhiều chị em khác theo đuổi nghề truyền thống.

 Bà Nguyễn Thị Thỏa (ngoài cùng bên phải) cùng các nghệ nhân hướng dẫn du khách múa rối nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Nguyễn Thị Thỏa (ngoài cùng bên phải) cùng các nghệ nhân hướng dẫn du khách múa rối nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Lúc mới xuống nước, tôi cũng hơi sợ. Ở tuổi 40, đôi tay không còn linh hoạt như trước, nhưng vì đam mê, tôi luôn cố gắng học hỏi và say sưa luyện tập”, bà bộc bạch. Ban đầu, bà chỉ được giao điều khiển những quân rối đơn giản như con cá. Sau khi thành thạo, thì mới được phép chuyển sang điều khiển những quân rối phức tạp hơn. Dần dần, nữ nghệ nhân ấy làm chủ việc điều khiển các con rối, gồm rối tay (điều khiển trực tiếp bằng đôi tay) và "rối máy" (dùng dụng cụ để điều khiển những quân rối ở xa, với những cử động phức tạp).

Múa rối nước là công việc nặng nhọc, vất vả, nhất là khi thời tiết trở lạnh, vì vậy công việc này thường do đàn ông gánh vác. “Mùa đông xuống nước thì ngại lắm, nhưng chỉ cần vào vở diễn là quên hết, vì đam mê nghề quá”, bà Thỏa nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Thỏa (thứ ba từ phải sang) và các nghệ nhân phường rối nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Nguyễn Thị Thỏa (thứ ba từ phải sang) và các nghệ nhân phường rối nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ NNƯT khẳng định: “Đam mê là yếu tố then chốt để giữ được lửa với nghề này. Nếu có đam mê, tự khắc sẽ có sự chăm chỉ, kiên trì và mong muốn học hỏi để nâng cao kỹ năng. Nếu ai bước vào nghề chỉ vì tiền bạc, chắc chắn sẽ không thể duy trì lâu dài”.

Miệt mài giữ lửa nghề rối nước

Chứng kiến nghệ thuật truyền thống của quê hương từ thời kỳ hưng thịnh khi được biểu diễn ở nước ngoài như: Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc cho đến giai đoạn năm 2016, không mấy ai còn mặn mà với nghề, nữ NNƯT vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Bà khẳng định: “Đây là di sản mà các cụ đi trước dày công xây dựng và để lại, tôi luôn tự nhủ phải gìn giữ bằng mọi giá”.

Ngày ngày, bên cạnh công việc đồng áng, ở tuổi gần 60, NNƯT Nguyễn Thị Thỏa vẫn miệt mài trong công tác tuyên truyền, vận động các nghệ nhân trong làng; động viên bà con phường rối Đào Thục tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của nghề mà các bậc tiền bối đã gìn giữ bao đời nay.

Lớp bồi dưỡng, truyền dạy, thực hành nghệ thuật múa rối nước năm 2024 do NNƯT Nguyễn Thị Thỏa (thứ hai từ phải sang) và NNƯT Đinh Hữu Tự giảng dạy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lớp bồi dưỡng, truyền dạy, thực hành nghệ thuật múa rối nước năm 2024 do NNƯT Nguyễn Thị Thỏa (thứ hai từ phải sang) và NNƯT Đinh Hữu Tự giảng dạy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của phường như: Tập luyện, biểu diễn, tu sửa con rối; khai thác những tích trò mới, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn; hướng dẫn du lịch, truyền thông nhằm đưa nghệ thuật múa rối nước đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; tăng cường công tác vận động, truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp nối nghiệp”, bà Thỏa chia sẻ.

Hằng năm, bà cùng NNƯT Đinh Hữu Tự đều mở các lớp dạy nghề múa rối nước miễn phí cho các bạn từ 14 tuổi, nhằm khơi dậy “máu” nghề từ sớm cho thế hệ tương lai.

Năm 2019, bà Nguyễn Thị Thỏa vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú bởi thành tích cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc qua loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống; năm 2020, nhận kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, thể thao và du lịch.

Ông Đặng Minh Hưng - Trưởng phường rối nước Đào Thục tự hào: “Bà Nguyễn Thị Thỏa là một tấm gương sáng của phường rối nước Đào Thục, không chỉ giỏi nghề mà còn rất tích cực trong công tác đào tạo, truyền dạy cho thế hệ kế cận. Bên cạnh công tác đào tạo, chúng tôi cũng sẽ tập trung kêu gọi sự hỗ trợ về kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân và đẩy mạnh công tác truyền thông, để phát triển hơn nữa loại hình nghệ thuật truyền thống này”.

Bà Thỏa (thứ ba từ trái sang) cùng gia đình truyền thống 3 thế hệ theo nghề múa rối nước của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Thỏa (thứ ba từ trái sang) cùng gia đình truyền thống 3 thế hệ theo nghề múa rối nước của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến nay, gia đình NNƯT Nguyễn Thị Thỏa đã có 3 thế hệ theo nghề múa rối nước truyền thống. Họ cùng với những nghệ nhân nơi đây vẫn đang miệt mài viết tiếp truyền thống văn hóa đặc sắc của loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia này.

Múa rối nước là nghệ thuật độc đáo chỉ có tại Việt Nam, với đặc trưng là sân khấu nước và hình tượng chú Tễu, phản ánh chân thực chất đời, chất dân dã và văn hóa của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng, đồng thời là “cuốn lịch sử sống” về dân tộc Việt Nam.

Cách trung tâm Hà Nội 30km, thôn Đào Thục, xã Thục Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội là cái nôi của nghề múa rối nước truyền thống. Theo NNƯT Nguyễn Thị Thỏa, làng nghề rối nước Đào Thục có từ thời Hậu Lê, do tổ nghề là cụ Đào Đăng Khiêm truyền dạy cho nhân dân địa phương.

Trong quá trình phát triển nghề múa rối nước, bên cạnh những tích trò cổ đã được lưu giữ từ ngàn đời, để đáp ứng nhu cầu của thị trường các nghệ nhân ở phường múa rối nước Đào Thục đã sáng tác thêm nhiều tích trò mới như: “Rước ảnh Bác Hồ”, “Truyền thuyết Cổ Loa thành”,...

Mỗi tiết mục biểu diễn múa rối nước sẽ có ít nhất 12 tích trò, cần từ 8-9 nghệ sĩ tham gia điều khiển con rối. Có tiết mục phải đến 20 nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn. Ngày 12-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục trên địa bàn huyện Đông Anh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài, ảnh: HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nu-nghe-nhan-hon-hai-thap-ky-giu-lua-nghe-roi-nuoc-804892