Cứu sống 2 trường hợp ngộ độc paracetamol
Theo lời kể của người nhà, trước lúc vào viện 7 giờ, bệnh nhi đã uống cùng lúc 30 viên thuốc Paracetamol 500mg (loại thuốc được dùng để điều trị giảm đau, hạ sốt).
Ngày 9/4, khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp bệnh nhi tử tự bằng thuốc Paracetamol.
Cụ thể, bệnh nhi L.T.M.P. (13 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.
Qua lời kể của người nhà, trước lúc vào viện 7 giờ, bệnh nhi đã uống cùng lúc 30 viên thuốc Paracetamol 500mg (loại thuốc được dùng để điều trị giảm đau, hạ sốt). May mắn, người nhà kịp thời phát hiện và đưa bệnh nhi này vào bệnh viện cấp cứu.

Ảnh minh họa.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã dùng thuốc N-acetyl Cystein để giải độc và truyển dịch tăng thải độc chất cho bệnh nhi.
Tương tự, một bệnh nhi 13 tuổi ở Tp.Vinh mới đây cũng đã uống cùng lúc 24 viên thuốc Paracetamol 500mg để tự tử do mâu thuẫn với gia đình.
Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe cả 2 bệnh nhi này đều đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Các bác sĩ cho biết, Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nên không cần kê đơn. Hơn nữa, hầu như gia đình nào cũng tích trữ ít nhiều trong nhà. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải tuân thủ về liều lượng được khuyến cáo để tránh xảy ra ngộ độc do quá liều.
Việc tự ý sử dụng thuốc Paracetamol quá liều và không có sự kiểm soát của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm. Hành động này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực Chống độc lưu ý, bên cạnh việc học tập văn hóa, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên.
Nhà trường cần phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ khi gặp các vấn đề tâm lý.
Minh Hoa (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Phụ nữ Tp.HCM)