Nữ thủ lĩnh đoàn tiên phong (Bài 1)

Là một xã vùng thấp của huyện Yên Bình, Đại Minh có 6 thôn với 994 hộ và 3.734 nhân khẩu, xã có 9 dân tộc cùng chung sống, trong đó tỷ lệ người dân tộc kinh chiếm 97%. Hiện nay toàn xã có 425ha với 720 hộ gia đình trồng bưởi, năm 2023 mang lại tổng thu nhập 50 tỷ đồng cho người dân, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã đã thoát nghèo từ cây có múi.

Bài 1: Gương mẫu đi đầu tạo dựng niềm tin

Được thừa hưởng truyền thống từ người bố, từ nhỏ Hoàng Thị Hồng Thương đã được nghe kể về những cuộc đấu tranh vào sinh ra tử để bảo vệ biên giới phía Bắc chống giặc ngoại sâm của người bố, Thương đã luôn ấp ủ với mong muốn được trở thành một nữ chiến sĩ “sao vuông” đem sức mình đóng góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương Đại Minh ngày một phát triển.

Thương nhận thấy, hiện nay phần lớn các bạn trẻ và nhất là phụ nữ rất e dè trong công tác quốc phòng – an ninh, đơn giản vì họ nghĩ công việc này chỉ dành cho nam giới. Bằng những việc làm cụ thể, sôi nổi trong các hoạt động của xã, của thôn và nhất là công tác quốc phòng, Thương đã tích cực cùng với lực lượng dân quân xã đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hàng năm, tham gia huấn luyện tập trung, phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, tham gia phong trào dân vận khéo tại cơ sở... Đến năm 2015, Thương vinh dự được kết nạp trở thành một chiến sĩ dân quân thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh – Yên Bình.

Đại Minh là một xã thuần nông, thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, ngoài thời gian mùa vụ người dân thường đi làm thuê... nên thu nhập bình quân đầu người rất thấp (khoảng 800.000 đồng/người/tháng), với thu nhập như vậy để trang trải nhu cầu sinh hoạt của gia đình thực sự là một khó khăn, vất vả.

Thương thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, tỉa bỏ những quả bưởi kém chất lượng

Thương thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, tỉa bỏ những quả bưởi kém chất lượng

Cùng với cây Bưởi và các cây trồng có múi khác là cây trồng mũi nhọn của Đại Minh. Tuy nhiên, ban đầu chưa có nhiều giải pháp phát huy hết tiềm lực kinh tế của quả Bưởi, chưa có nhiều mô hình thực sự đa dạng, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Từ chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng vùng hàng hóa cây ăn quả có múi, trong đó Bưởi là cây chủ lực.

Là một đảng viên, Bí thư đoàn xã, Thương luôn trăn trở tìm hướng đi mới đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Sau nhiều trăn trở suy nghĩ, với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, Thương đã mạnh dạn đi đầu bằng cách tiếp cận đến tài liệu, kiến thức kĩ thuật sản xuất chăn nuôi, đồng thời tham gia học hỏi từ các mô hình kinh tế điển hình trong xã. Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình Thương tập trung đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo mô hình kết hợp phát triển cây bưởi Đại Minh gắn với nuôi ong dưới tán Bưởi và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp.

Bắt đầu thực hiện mô hình với 20 gốc bưởi già của ông bà để lại, bản thân và gia đình đã gặp không ít khó khăn, thử thách do cây già cỗi, kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm về canh tác chưa nhiều, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá cả thị trường nên thu nhập từ trái Bưởi không ổn định.

Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, tưới tiêu tự động, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ 140 gốc bưởi của gia đình sai trĩu quả

Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, tưới tiêu tự động, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ 140 gốc bưởi của gia đình sai trĩu quả

Năm 2016, Thương đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện Yên Bình để phát triển kinh tế gia đình. Từ 20 gốc Bưởi ban đầu cho thu nhập thấp, gia đình đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, tưới tiêu tự động, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ... Đồng thời, nhân rộng mô hình trồng thêm 120 gốc Bưởi mới, cùng với việc tái đầu tư vào chăn nuôi cá, lợn, gà và nuôi ong.

Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình Thương đã cho thu nhập ổn định, trừ chi phí thu nhập bình quân của hộ gia đình đạt từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm và Bưởi của gia đình Thương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đời sống của gia đình từng bước được cải thiện và nâng lên. Số tiền gốc 100 triệu và lãi hàng tháng đã được Thương trả đầy đủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Hoàng Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nu-thu-linh-doan-tien-phong-bai-1-158903.html