Nâng chất lượng và vị thế người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Sáng 18/12, chia sẻ tại Tọa đàm Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do Báo Người Lao Động tổ chức, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: 'Đào tạo người Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài, bên cạnh ngoại ngữ thì cần đào tạo vị thế của người lao động. Trong chuyến công tác vừa rồi, chúng tôi thực tế tại công trường ở Nhật Bản, các em có tiếng Nhật N1, N2 được doanh nghiệp đánh giá cao...'.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Tọa đàm

Với vai trò doanh nghiệp, vai trò cơ quan nhà nước… Bộ mong muốn các doanh nghiệp phải cung cấp đủ thông tin về đối tác, môi trường làm việc, thu nhập cho người lao động như vậy mới nâng cao chất lượng, vị thế của người lao động và trên hết là hiệu quả của công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Theo ông Hoan, bên cạnh những thị trường truyền thống ổn định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu như: Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Nga, Phần Lan... Hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, sắp tới có thể lên 500 doanh nghiệp vì thị trường đang rộng mở.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, hiện hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Có khoảng 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép cho hoạt động xuất khẩu lao động.

Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi.

Trao đổi tại tọa đàm, các cơ quan chức năng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng vì nguồn lao động bắt đầu khan hiếm. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có những thay đổi trong chính sách thu hút lao động nước ngoài. Trong các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí, số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn rất ít. Điều này khiến cho lao động Việt Nam chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến.

Là một đơn vị chuyên đào tạo và đưa lao động ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group cho biết: Ngay từ khi thành lập, công ty đã thành lập trường đào tạo năng lực ngoại ngữ cho người lao động để họ thông qua đó nhanh chóng thích nghi, làm tốt công việc, tiếp nhận kỹ năng, phương pháp quản lý mới.

Không dừng lại ở việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Esuhai Group còn xây dựng hệ sinh thái tiếp nhận họ trở về, tạo việc làm cho người lao động sau thời gian học tập, làm việc tại nước ngoài.

Chia sẻ về thị trường xuất khẩu lao động châu Âu, ông Nguyễn Khánh Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 thông tin: Nhà trường hiện đào tạo 7 nghề theo tiêu chuẩn của Đức và 3 nghề theo tiêu chuẩn của Pháp. Ngoài đào tạo trường còn cung cấp các dịch vụ liên kết đào tạo với các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài. “Để phát huy hiệu quả khi đưa người lao động đi nước ngoài làm việc cần nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao động học tập và đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao thì chi phí cao, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Cường đề xuất.

Ông Nguyễn Bá Hoan cũng chia sẻ thực trạng nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, nhận tiền rồi bỏ rơi người lao động. Đây là một trong những gánh nặng đè nặng lên vai người lao động. Do đó, thông qua báo chí, Bộ mong muốn báo chí phản ánh những tiêu cực về công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những doanh nghiệp hoạt động sai phạm, không trong sáng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang cùng chính quyền địa phương vào cuộc, từng bước hạn chế những tồn tại này.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng, được cụ thể hóa trong Chỉ thị 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; và được quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ năm 2020.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-chat-luong-va-vi-the-nguoi-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post851156.html