Nửa vầng trăng

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Lệ đi một buổi đường trong rừng rậm rồi đến chân đồi trọc.

Về đêm, rừng im ắng lạ. Lệ đứng ngắm trời mây. Nửa vầng trăng đã nhô lên cao, ánh sáng dịu dàng tỏa sáng qua làn mây trắng bồng bềnh. Đây là điểm giao trực của giao liên M30 và M18. Lệ hất chiếc mũ tai bèo ra sau lưng, trán lấm tấm mồ hôi, óng ánh. Tay Lệ nắm chắc khẩu súng AK, đứng chờ bắt liên lạc với đồng đội.

Lệ nhớ lại lời anh trưởng trạm dặn dò: “Chuyến đi trực này chẳng những có công văn còn phải dẫn đoàn cán bộ quân đội từ Lâm Đồng vào Trung ương Cục miền Nam. Tôi cử đồng chí Lệ, người đã từng trải, quen đường thuộc lối và đồng chí Đoán - sĩ quan quân đội mới về nhận công tác cùng đi bảo vệ đoàn”. Sao anh ấy lại bảo thế nhỉ! Đã biết bao nhiêu đoàn vào ra trên con đường Nam Tây Nguyên này vẫn an toàn?

Lệ nhớ ngày mới vào làm giao liên được làm quen với những ám tín hiệu để bắt liên lạc, nhận chuyển hàng theo ký hiệu bí mật: Hàng khô là súng ống, tiền vàng là hàng đặc biệt, hàng tươi là cán bộ... Chuyến trực nào chả quan trọng?

Bảo vệ phía sau, Đoán mới ra khỏi rừng, nhẹ nhàng lại gần Lệ, thì thầm:

- Họ chưa đến hả, cô Lệ?

Lệ lắc đầu, Đoán tiến lên phía trước, mấy con heo rừng đi ăn đêm thấy động chạy tản vào rừng rậm đạp trên lá vàng khô xào xạc.

Bốn bề trở lại yên lặng. Tiếng những con dế lửa gọi mái “réc réc” nghe càng rõ.

Bỗng Lệ nghe ba tiếng cú kêu từ xa vọng lại, Lệ đáp bằng hai tiếng cú rúc. Giao liên M18 đã đến.

Đoán nhận “bồng” công văn, Lệ nhận khách. Nửa vầng trăng đã ra khỏi đám mây, ánh sáng vàng nhạt dọi xuống vành mũ tai bèo và áo quần. Lệ không nhìn rõ mặt, đếm ngược mười sáu người.

Họ vây quanh Lệ. Hành quân đã hơn hai tháng, mọi người đều mệt mỏi nên có người ngồi bệt xuống đất. Lệ dõng dạc nói:

- Thưa các chú, đoạn đường từ trạm M30 đến buôn Dang R’Mít rất nguy hiểm có địch phục kích, qua đồn có mìn địch cài dày đặc. Cháu đi lối nào, các chú phải đi đúng lối ấy.

- Xin lỗi cô em, chúng tôi đi giữa bãi bom B52 mà không sợ, sợ gì mìn? - Một người trẻ tuổi dựa gốc cây nói.

- Chú Thủy đừng nói ẩu!

Lệ đoán người vừa nói là trưởng đoàn. Ông ta lại gần Lệ an ủi:

- Cô thông cảm, anh ta đang lên cơn sốt rét, cháo không, thuốc hết!

- Chúng tôi xin phục tùng mệnh lệnh cô giao liên - Người chống chiếc gậy “Trường Sơn” thọc thọc xuống đất nói.

- Dạ! Vậy chúng ta đi nhưng…

- Lại nhưng cái gì nữa? - Vài người xì xào, tỏ vẻ sốt ruột.

- Chúng ta đi không được bẻ lá cây và tuyệt đối im lặng!

- Dạ em xin tuân lệnh ạ! - Giọng nói trêu chọc của Thủy.

Lệ không trả lời, đi trước, Đoán đi ở giữa đoàn. Đội ngũ tiến vào rừng thẳm. Cây cối rậm tối như bưng. Người đi sau chỉ biết nhìn vào người đi trước. Cành và lá cây như muốn níu kéo những chiếc ba lô nặng trở lại.

Đoàn đi đến con đường mòn, cây thưa hơn, ánh trăng non xuyên qua kẽ lá lấp lánh. Sương đọng trên kẽ lá kết thành giọt rơi đì đụp trên áo, mũ.

- Sắp vượt Quốc lộ 20 - Lệnh từ trên truyền khẩu xuống. Đoàn người đi chậm rồi dừng lại.

Lệ bò rà mìn rồi lôi cuộn ni lông trong “bồng” ra rải lên mặt đường.

- Sao lại phải làm vậy? - Họ thì thầm hỏi Đoán.

- Chúng ta đi trên vải hay ni lông thì không lộ dấu chân. Tụi biệt kích tinh lắm, phát hiện nó sẽ truy kích.

Lệ vượt đường đi một quãng, trở lại đón khách, dặn dò:

- Cách đây một cây số có đồn bốt địch, im lặng nhé!

Đoàn người vượt qua, đi vào rừng. Im lặng, tiếng lá xào xạc càng rõ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Lệ bồn chồn lo sợ vì quân địch đã phát hiện được đường hành lang chiến lược từ Đắk Lắk xuống Lâm Đồng về T6 (Khu ủy 6) và chỉ có con đường này bộ đội, cán bộ và vũ khí mới vào đến R (Trung ương cục miền Nam).

Bọn biệt kích như con vắt bắt hơi người, nó chặn, phục kích khắp nơi…

Lệ lội qua suối, người thứ hai lần ra được mười bước, giày chạm rêu trơn, trượt ngã. Cà mèn, bị đông chạm vào đá loảng xoảng.

Phía trước những chiếc đèn pin lóe lên những tia sáng ngang dọc chọc thủng màn đêm và những tiếng súng chát chúa, vang động khu rừng.

- Đúng rồi, địch phục kích! - Lệ nói.

Lệ ra hiệu cho mọi người quay trở lại. Đoán chạy lên giao bồng công văn cho Lệ, nói:

- Tôi cản địch!

Lần theo tiếng động, quân địch rần rật chạy tới phía trước mặt Lệ, súng thi nhau nhả đạn

Lệ cắt đường dẫn họ chạy. Súng tiểu liên trong tay, Đoán quét một loạt, chặn địch lùi lại. Nhanh như sóc, Đoán nhảy sang gốc cây to lẩn tránh. Ngắm điểm sáng, súng quân địch lại nhả đạn.

Trên đồn, pháo sáng bay vút lên, bầu trời tỏa sáng một vùng.

Chạy được một quãng xa, Lệ dừng lại điểm quân. Không ai lạc đường, Lệ mừng quá! Thủy lại gần Lệ hỏi:

- Chúng ta có súng, sao cô không bố trí đánh địch?

- Cuộc chiến không cân sức, đảm bảo khách đi an toàn là nhiệm vụ của chúng tôi.

- Đúng rồi, vả lại ta bị động, đánh không thắng đâu! - Một người khác nói xen vào.

Sắp xếp đội ngũ, họ im lặng lên đường. Lệ cảm thấy trống vắng vì thiếu Đoán. Lệ buồn. Lệ cầu mong sao Đoán lánh tránh được để trở về cùng đồng đội.

Ra đến Bàu Cạn (Bảo Lâm), Lệ nhìn lên thấy nửa vầng trăng đã luồn vào đám mây đen. Bầu trời sẫm lại như muốn bưng mắt địch, chở che cho mọi người về tới đích.

Tiếng súng giao tranh vẫn đì đùng nổ xa xa…

***

Đoàn khách về đến trạm, trời vừa rạng sáng. Chim trên cành ríu rít gọi nhau đi tìm mồi. Đứng dưới tán cây mát rượi, họ tạm bằng lòng với cái cảnh “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, ở không nhà”, họ lôi tăng võng ra cột vào gốc cây nằm. Giấc ngủ đến liền với họ. Riêng Thủy, cơn sốt rét lại kéo đến hành hạ, Thủy co người cho ấm nhưng vẫn rét, rên hừ hừ. Võng run lên bần bật. Hết rét lại chuyển sang nóng, nóng đốt tâm can. Thủy cởi hết hàng cúc áo trước ngực mà vẫn nóng, mồ hôi tháo ra như tắm, khát nước rên hừ hừ. Sau đó Thủy thiếp đi mê man.

Đêm hôm ấy, đoàn cán bộ lại hành quân. Thủy phải ở lại trạm để điều trị…

Sau Hiệp định Paris, quân địch tăng cường lùng sục, đánh phá hành lang vào Nam, quân số bổ sung đến trạm ngày một vơi đi nhưng giao liên vẫn còn tăng thêm lần chuyển công văn hỏa tốc. Trực trạm chỉ còn hai người trong đó có Lệ. Lệ được phân công chăm sóc bệnh nhân.

Thủy nằm trong lán tranh mới dựng dưới tán cây bên bờ suối. Dứt cơn sốt, Thủy ngủ tiếp đi. Tỉnh giấc, Thủy thấy Lệ ngồi tựa gốc cây nhìn dòng nước chảy. Thủy muốn gọi nhưng lại thôi để ngắm Lệ.

Lệ mặc bộ đồ bà ba đen tôn màu da trắng càng trắng. Khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng. Lệ đang nhìn lá vàng rơi, trôi là là trên mặt nước.

Thủy đang học năm thứ tư Đại học Kiến trúc. Lệnh tổng động viên, Thủy nhập ngũ, lớp Thủy cũng có nhiều nữ sinh. Thủy so sánh sắc đẹp, Lệ vẫn trội hơn họ. Lệ lo bát cháo, viên thuốc cho Thủy. Tiếng nói dịu dàng của Lệ, Thủy thấy phấn chấn, mà sao cũng lạ khác hẳn với đêm hành quân, giọng nói của Lệ nghiêm nghị khó gần. Những ngày sống bên Lệ, lòng Thủy rạo rực, thương thương.

Kìa, chiếc kẹp tóc trắng bóng của Thủy tặng Lệ vẫn cài trên mái tóc đen huyền. Muốn được gần Lệ hơn, Thủy, ú ớ:

- Khát quá, khát!

Lệ chạy lại ngồi bên cạnh Thủy, Lệ đặt tay lê trán Thủy, âu yếm:

- Khát nước hả anh?

Thủy gật đầu. Một tay Lệ đưa miệng bi đông đựng nước vào môi Thủy. Thủy với tay giữ bi đông, tay Thủy úp lên tay Lệ. Một bàn tay nóng hổi và một bàn tay man mát chồng lên nhau, Lệ và Thủy cảm thấy rạo rực, một cảm xúc khó tả. Hai cặp mắt đăm đắm nhìn nhau để đôi tim cùng rung động theo từng ngụm nước vào lòng.

Lệ cất bi đông, vờ hỏi:

- Em cảm thấy anh đã khỏe, anh uống thuốc nhé!

Thủy lưỡng lự nói:

- Lại uống ký ninh vàng, còn có loại thuốc nào hơn không?

- Ở đây đâu có, giao liên nội thị mua được loại ấy chuyển vào là tốt nhất, em để dành riêng cho anh.

Lệ cười, nụ cười hiền hậu trông Lệ càng xinh. Cuộc sống đầy gian khổ, Thủy càng thương Lệ. Thủy tự trách mình đòi hỏi cao xa quá! Thủy lảng sang chuyện khác:

- Sao anh không thấy anh Đoán?

Nét mặt Lệ đượm buồn kể: Không thấy anh Đoán trở về, đơn vị cử người đi tìm kiếm nhiều lần, không biết anh ấy đã hy sinh hay bị bắt mà vẫn chưa biết tin.

Căm giận, Thủy nói to:

- Thật vậy sao?

Lệ rơm rớm nước mắt, im lặng không đáp. Thủy lại gần Lệ an ủi:

- Thôi! Em đừng buồn! Anh ấy cũng như chúng ta đều vì nhiệm vụ. Tý là khóc nhè! Thôi chúng ta xuống suối ngồi chơi đi em?

Thủy nắm tay Lệ đi theo con đường mòn đến một tảng đá bằng, hai người ngồi gần nhau. Lệ kéo ống quần lên cao, ngâm đôi chân dưới nước. Nước bị cản dòng, sóng lăn tăn ôm lấy đôi cổ chân trắng như ngà. Mắt họ nhìn dòng nước chảy nhưng cõi lòng đều rộn rực niềm vui, khát vọng và hạnh phúc đan xen nhau.

Bên kia bờ, trên cành cây, đôi chim bạch mi đang hát bài ca ân ái.

Ngồi đã lâu nhưng chưa ai mở đầu được câu chuyện, Thủy gợi:

- Anh mơ ước được về quê gặp mẹ em?

Lệ quay lại nhìn Thủy, nét mặt buồn rười rượi:

- Anh nhắc đến, em càng đau khổ. Mẹ em chồng chết, nuôi hai đứa con nhỏ. Mẹ em là cán bộ địch hậu, hoạt động bị lộ, tổ chức bố trí vào căn cứ công tác.

Một hôm, địch càn bắt mẹ em lên máy bay trực thăng. Em và anh em ở ngoài rẫy chạy thoát. Hai người bị lạc đường, đi cả ngày trong rừng rậm không biết lối ra. Em đói quá, anh em trèo lên cây sung hái quả cho em ăn, chẳng may cành cây bị gãy, anh bị ngã xuống trúng đá chết. Em ôm người anh khóc một ngày, đợi chờ anh tỉnh dậy. Em ngất xỉu trên xác anh đầy kiến đỏ…

Thủy ôm đôi vai Lệ, dồn dập hỏi:

- Thật vậy sao? - Và sau đó sao hả em?

Lệ khóc nức nở, nước mắt long lanh chảy xuống áo. Tiếng khóc của Lệ như xé nát ruột gan Thủy - Thủy van lớn!

- Em tha lỗi cho anh, em kể tiếp đi!

- Bộ đội đi công tác thấy em, họ dẫn em về đơn vị. Chú Sáu đưa em về hậu phương cho em ăn học. Mười tám tuổi, chú Sáu đưa em vào căn cứ làm giao liên.

Kể xong, Lệ gục đầu vào vai Thủy khóc. Thủy an ủi:

- Nín đi em, khóc làm gì, chuyện đã lùi vào dĩ vãng!

Lệ lau nước mắt. Thủy hỏi:

- Lệ à?

- Sao anh?

- Từ ngày gặp em, anh thấy…

- Thấy em dữ lắm phải không? - Lệ cười.

Thủy lắc đầu chậm rãi nói:

- Anh đã yêu em. Anh định sau này sẽ đến nhà chú Sáu xin cưới em.

Nghe Thủy nói, nét mặt Lệ đượm buồn:

- Em cũng như người chèo đò ngang đưa khách qua sông, ít người nhớ đến bến đò xưa?

- Trời ơi! Em không tin anh sao?

- Em cũng nghĩ như vậy.

- Biết làm sao em tin, anh xin thề!...

Lệ âu yếm vội để ngón tay trỏ ngang đôi môi Thủy:

- Đừng nên làm thế anh? Bước đường chúng ta đi còn nhiều trắc trở, phũ phàng và tiền bạc cám dỗ. Em sẽ đợi chờ nhưng anh phải có nghị lực và lòng tin.

Thủy ôm vai Lệ, Lệ thầm thì:

- Em không muốn Lệ là nước mắt chảy theo dòng nước.

- Anh hiểu, có ngày em sẽ tin anh.

Dòng suối vẫn chảy róc rách và in hình bóng hai người đang hôn nhau rất rõ…

***

Lệ đi công tác mới về trạm. Trong lán có ánh đèn búp măng tỏa sáng lờ mờ. Vào trong lán không thấy Thủy, Lệ ngồi phịch xuống phên nứa. Lệ cảm thấy trống trải cô đơn.

Anh Long trực ban đến gần Lệ, an ủi:

- Đừng buồn, Lệ có thư của cậu Thủy gửi lại đây.

Lệ đã biết sẽ có ngày chia ly nhưng bóc lá thư, tay Lệ vẫn run run. Lệ buồn man mác theo những dòng chữ hiện ra trước mắt:

Em Lệ của anh!

Em đi công tác, anh lại lên đường vào Nam.

Em cho anh là người trốn chạy phải không? Đúng vậy, anh không can đảm nhìn thấy nước mắt em rơi vào vai áo anh.

Em ơi! Gần một tháng trời sống gần em, anh càng khâm phục em hay nói rộng ra cả những người trong trạm. Chính những người ấy đã ăn sắn, ngô, lá bép thay cơm, giành từng hạt gạo nuôi anh và lữ khách qua đường.

Em là người đã cứu sống anh, em đã nhen vào lòng anh một ngọn lửa tình yêu trong sáng. Kỷ niệm êm đềm trong tim anh là lán tranh, dòng suối và tảng đá chúng ta ngồi.

Đất nước còn khói lửa, anh là chiến sĩ không có lễ vật đính hôn. Anh đi đem theo quả sung khô để mãi mãi nhớ lời em đã kể về bước ngoặt cuộc đời em.

Còn em, anh đã thấy em cài kẹp tóc anh tặng trên mái tóc thề, nó sẽ thay anh an ủi em.

Anh nghĩ khác với em, Lệ là nước mắt, Thủy là nước, nước và nước sẽ hòa vào nhau thành một mối tình đầu bất diệt.

Em sẽ đợi chờ anh, em nhé! Ngày hai trái tim cùng chung nhịp đập sẽ đến với chúng ta.

Nhờ chữ ký của anh hôn em.

Anh của em

Lệ Thủy

Nước mắt Lệ tuôn trào, nhỏ giọt trên lá thư. Lệ ngẩn ngơ giây lát, chạy ra bờ suối ngồi trên tảng đá đầy kỷ niệm. Ánh trăng soi tỏ. Lệ ấp lá thư vào trái tim rồi gỡ chiếc kẹp tóc ra ngắm, nửa vầng trăng chiếu xuống chiếc kẹp óng ánh lan tỏa thành vầng trăng tròn.

NGUYỄN THÁI HUYỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202204/nua-vang-trang-3111500/