Nước mắt chảy xuôi…
'Con xin lỗi ba. Con đang trong giai đoạn tập trung công việc. Con biết là đang phải đánh đổi nhưng con xin ba thêm một năm nữa. Nếu không thành công, con sẽ từ bỏ!' - Ba cho con suốt đời! - lời đáp của người cha hơn 60 tuổi khiến cậu con trai đã là cha của hai đứa con nghẹn ngào, ôm lấy cha thật chặt.
Dưới hội trường, nhiều người ngồi nghe cha anh, cùng hai người mẹ khác, nói chuyện với chủ đề: “Điều mẹ cha chưa nói” cũng rớt nước mắt.
Nhưng, cũng chính người đàn ông đầy bao dung với đứa con trai duy nhất ấy, trước đó, khi không có mặt con, đã tâm sự với mọi người rằng, đã có lúc, khi chạy xe trên đường giữa trời mưa gió đến nhà châm cứu cho bệnh nhân, ông cũng chạnh buồn nghĩ về đứa con trai hẳn đang ở nhà ấm áp cơm chiều cùng vợ, con.
Thân ông già cả nhưng vẫn làm việc mỗi ngày từ mười hai đến mười bốn tiếng, tự chăm lo cuộc sống hai vợ chồng, lúc đau bệnh thì tự đưa nhau vô viện, đắn đo, cân nhắc kỹ lắm trước khi bấm điện thoại gọi con. Không phải con ông tệ gì mà vì ông thương con, không muốn con lo lắng. Ông thấy con đang chịu nhiều áp lực công việc.
“Nó còn trách nhiệm với vợ con. Đau bệnh xíu mà gọi thì gia đình nó xào xáo. Con hạnh phúc là tôi vui rồi. Vì hạnh phúc của con quan trọng hơn sức khỏe của mình. Nếu chưa bệnh nặng thì tự lo, mình cố gắng lướt để con yên lòng. Mình phải như cái trạm sạc cho nó. Giờ mình mà hết năng lượng nữa thì nó biết sạc ở đâu?”, ông quan niệm.
Cha mẹ là vậy, sẵn sàng vì con, cho con tất cả dù mình như thế nào. Ngay cả khi bước sang phía kia của con dốc cuộc đời, sức khỏe đi xuống, họ cũng ngại thổ lộ cùng con. Điều này là phổ biến, như kết quả khảo sát của Công ty Abbott với 100 bậc cha mẹ và 100 người con. Cứ mười người lớn tuổi là có bốn người ngại thổ lộ với con cái mình và chủ đề khó nói nhất là những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Cha mẹ thường giữ kín vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho con. Và, đáng tiếc rằng, có đến 7 trong 10 người con được khảo sát lại không biết đến những biểu hiện ban đầu của việc suy giảm sức khỏe ở cha mẹ họ cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dẫu rằng “nước mắt chảy xuôi” như nguyên lý bao đời, nhưng đôi khi, một chút mưu cầu nhận lại, một chút mạnh mẽ yêu cầu của cha mẹ sẽ khiến con cái hiểu hơn, khôn hơn. Đấy cũng là cách để dạy con, giúp con thành công trong cuộc đời.
Thực tế này, như nhìn nhận của ông Douglas Kuo, Tổng giám đốc Abbott Việt Nam, người đã có 20 năm sống tại Việt Nam, là bởi lối sống phương Tây đang ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trong khi nhiều người ở Mỹ lại đang theo đuổi những giá trị về xã hội, văn hóa của phương Đông. Những giá trị tốt đẹp trong văn hóa và cư xử của người Việt cần được tiếp tục duy trì.
Nhận xét của ông Douglas Kuo đúng đến đau lòng. Tôi đã từng chứng kiến bác tôi, người đã chấp nhận nghỉ việc để ở nhà nội trợ, chăm lo ba người con trai và giữ cho họ qua được cái thời “mua ma túy còn dễ hơn mua kẹo cao su”, nước mắt ngắn dài tâm sự về những ngày bệnh đau chơ vơ một mình giữa căn nhà thênh thang.
Bác phải tự mua thuốc, tự gượng dậy nấu ăn. Các con trai, đứa lấy vợ ở riêng, đứa ở chung thì miệt mài công việc, về đến nhà là khép chặt cửa phòng. Cần gì, bác phải bấm điện thoại gọi lên tầng trên vì căn bệnh thấp khớp khó đi lại. Chỉ khi nào bệnh nặng thì mới kêu con đưa đi bệnh viện. Sự bận rộn đến vô tâm của con đã khiến bác buồn lòng nhưng rồi lại tự nhủ “à thì con trai nó vậy”, và bỏ qua, chấp nhận.
Có lẽ, với nhiều người con đang còn được cài bông hồng đỏ trên áo mỗi mùa vu lan, việc còn cha mẹ ở bên và được lo lắng, chăm sóc là điều hiển nhiên. Hoặc, đơn giản chỉ là, họ đang quá bận rộn với cuộc sống riêng, với sự nghiệp. Nhiều người lấy sự thành đạt của mình như một sự đền đáp cũng như tạo cơ sở, điều kiện để trả hiếu với đấng sinh thành.
Nhưng, có một điều mà họ quên mất, rằng thời gian bên cha mẹ là hữu hạn vì mỗi người đang già đi từng ngày, yếu đi từng ngày sau bao mưa nắng cuộc đời. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 74 và phần còn lại của mỗi người như những cây nến với độ dài khác nhau. Đó là chưa kể những tai ương bất chợt, những biến cố khôn lường.
Vì vậy, xin được gửi một lời chân thành đến những ai may mắn đang còn cha mẹ, xin trân quý những giây phút đang có. Vì thời gian không ngừng lại, cũng chẳng chờ đợi ai. Một ngày vui bên cha mẹ, một phút quan tâm hôm nay sẽ đáng giá và ý nghĩa ngàn lần, không chỉ với mỗi người mà còn với chính những gì bạn được hưởng từ con cái mình ngày sau. Nhân và quả, hạt giống và chồi cây... là đây.
Bùi Tâm An
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292472/nuoc-mat-chay-xuoi%E2%80%A6-.html