Nước sông Mê Kông dâng cao bất thường giữa mùa khô
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR), lượng trữ nước trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (Campuchia) là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước và tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Theo SIWRR, hai yếu tố thượng lưu có ảnh hưởng quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.
Cuối tuần qua, mực nước tại Kratie ở mức 8,10m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm 1,82m; cao hơn mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 0,78m, 0,4m, 1,01m và 0,6m.
Cập nhật dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông ngày 14/4 cho thấy mực nước tại trạm Kratie là 8,1 m, cao hơn trung bình nhiều năm 1,82 m. Dung tích Biển Hồ ngày 14-4 còn lại khoảng 2,21 tỉ m3, cao hơn trung bình nhiều năm 0,32 tỉ m3.. Tại trạm Chiang Saen (Thái Lan), mực nước đạt 2,74m, cao hơn trung bình nhiều năm 1,21m…
Tại Việt Nam, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) đạt 1,16m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,06m và cao hơn những năm gần đây cùng thời điểm. Tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mực nước đạt 1,36m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,12m và cao hơn mấy năm gần đây cùng thời điểm. Dự báo xu thế mực nước đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng trong thời gian tới.
Dòng chảy về châu thổ sông Mê Kông phụ thuộc vào điều tiết thủy điện. Trong tuần thứ 2 của tháng 4/2022, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 1.123 m3/s đến 1.916 m3/s. Mực nước tại thủy điện Cảnh Hồng ở mức 536,46m, tương ứng với lưu lượng khoảng 1.332 m3/s.
Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 43,8%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 28,7 tỷ m3.
SIWRR dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm bởi ảnh hưởng của việc xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu Mê Kông. Điều này có tác động tích cực khi giúp giảm xâm nhập mặn vào tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành xả nước ở các thủy điện.
Trước đó, trong mùa lũ từ tháng 8 đến 12/2021, các đập thủy điện ở Trung Quốc tích nước rất lớn. Đến mùa khô năm 2022, lượng nước này được các đập xả ra để phát điện, làm cho dòng chảy mùa khô năm nay cao hơn bình thường.
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL: "Việc tích nước, xả nước vì lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải phục vụ cho người dân vùng hạ lưu. Việc xả nước này có tác động tích cực trong mùa khô là làm giảm hạn, mặn cho vùng ven biển ĐBSCL nhưng tác động tiêu cực thì rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài và khó thấy hơn".
Cụ thể, dự báo lưu lượng dòng chảy từ Kratie về Đồng bằng sông Cửu Long tháng 4/2022 đạt 4.730 m3/giây, cao hơn 2.739 m3/giây so với trung bình nhiều năm và cao hơn 5/6 mùa khô gần đây (từ mùa khô 2015-2016 đến nay), chỉ thấp hơn năm 2018-2019 nhưng không đáng kể.
Đến tháng 5/2022, dự báo dòng chảy từ Kratie về Đồng bằng sông Cửu Long đạt 5.000 m3/giây, cao hơn 1.708 m3/giây so với trung bình nhiều năm và cao hơn các mùa khô 2015-2016, 2018-2019, 2019-2020; tương đương mùa khô 2020-2021.
Trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long với lượng bình quân khoảng 20-40mm, có nơi trên 100mm như ở Bạc Liêu, Cà Mau. Dự báo tuần tới, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng vào khoảng 30-50mm.
Từ tháng 3/2022 đến nay, mặc dù chưa hết mùa khô nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn. Tại thành phố Cần Thơ, từ giữa tháng 3 đến nay đã xuất hiện nhiều trận mưa to đến rất to.
Nước sông Mê Kông dâng cao bất thường giữa mùa khô. Ảnh minh họa
SIWRR dự báo, xâm nhập mặn lớn nhất trong tháng 4 với ranh mặn 1g/l trên sông Tiền 40-50 km, sông Hàm Luông 50-60 km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 65-75 km, các cửa sông khác 40-50 km. Riêng khu vực ven biển Tây, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động nên đã chủ động kiểm soát được xâm nhập mặn.
Một loạt các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau được dự báo sẽ có thể xảy ra xâm nhập mặn bất thường ở các vùng chưa có kiểm soát triệt để. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay hiện ở mức thuận lợi hơn với năm 2020-2021. Xâm nhập mặn ở tháng 4 có xu thế giảm dần. Tuy vậy, các khu vực ven biển, cửa sông vẫn còn ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là vào những ngày triều cao. Để phòng tránh các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Đối với các vùng cách biển 30-35 km nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu tiếp theo.