Nuôi biển kết hợp du lịch: Hướng đi mới cho kinh tế xanh
Kết hợp nuôi biển với du lịch đang mở ra hướng phát triển kép: vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự bền vững, cần quy hoạch bài bản, chính sách phù hợp và sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước.
Hướng đi tiềm năng cho kinh tế xanh
Trong xu thế toàn cầu chuyển mình theo hướng phát triển bền vững, Việt Nam đang nổi lên những mô hình kinh tế kết hợp yếu tố bảo vệ môi trường. Một trong số đó là mô hình “nuôi biển kết hợp du lịch” - giải pháp được kỳ vọng mang lại lợi ích kép cho cả ngành thủy sản lẫn ngành du lịch.

Nuôi biển kết hợp với du lịch mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành thủy sản và ngành du lịch. Ảnh: Phước Hoài
Tại nhiều địa phương ven biển, mô hình này đang dần phát huy hiệu quả. Tại đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Công ty Nhựa Super Trường Phát triển khai trang trại trồng rong kết hợp nuôi hàu Thái Bình Dương trên diện tích hơn 5ha tại đảo Phất Cờ. Không chỉ áp dụng vật liệu HDPE thân thiện môi trường, mô hình còn ứng dụng công nghệ hiện đại theo hướng nuôi đa tầng, nuôi xen canh, tích hợp giữa sản xuất - điều hành - trải nghiệm du lịch.
Tại đặc khu Phú Quý (Lâm Đồng), người nuôi hải sản kết hợp phục vụ du khách với các dịch vụ như ăn uống hải sản tươi sống trên bè, lặn ngắm san hô… Mỗi năm, Phú Quý đón khoảng 150.000 - 300.000 lượt khách, trong đó có hàng chục nghìn du khách quốc tế, tạo ra nguồn thu đáng kể cho cộng đồng dân cư ven biển.
Còn tại Long Sơn (TP. Hồ Chí Minh), du khách có thể tham quan các làng bè nuôi thủy sản, kết hợp thưởng thức hải sản tại chỗ - mô hình đang dần trở thành nét đặc trưng du lịch địa phương.
Tại An Giang, đặc biệt là Phú Quốc, các mô hình nhà bè kết hợp nuôi cá mú và phục vụ du khách tại Rạch Vẹm cũng đang phát triển nhanh. Các khu vực như Nam Du, An Sơn, Hòn Tre… đều ghi nhận sự xuất hiện của các mô hình nuôi trồng - du lịch kết hợp.
Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), mô hình này không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường sống - điều kiện bắt buộc để phát triển bền vững. Khi cả du lịch và nuôi biển cùng đặt tiêu chí “sạch - đẹp - thân thiện” lên hàng đầu, môi trường tự nhiên sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu rác thải và tác động tiêu cực tới hệ sinh thái biển.
Nút thắt quy hoạch và chính sách
Tuy nhiên, hiện nhiều mô hình đang phát triển theo hướng tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ và quy hoạch bài bản từ cơ quan quản lý nhà nước. Phần lớn địa phương chưa có quy hoạch không gian biển phù hợp cho mô hình kết hợp nuôi trồng và du lịch. Việc “giao biển” vẫn vướng mắc do thủ tục hành chính rườm rà, thiếu cơ chế giao biển lâu dài khiến người dân khó yên tâm đầu tư.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, từ quy hoạch không gian biển theo hướng tích hợp đa ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đến việc ban hành “sổ xanh” - giấy chứng nhận quyền sử dụng biển lâu dài (50 năm) cho tổ chức kinh tế có năng lực.
Hiện nay cũng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về cơ sở nuôi biển kết hợp du lịch, khiến công tác quản lý khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn thiếu chính sách hỗ trợ đặc thù, thiếu các chuỗi giá trị liên kết giữa nuôi trồng, du lịch, tiêu thụ, đầu tư và bảo vệ môi trường.
Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, nhằm bổ sung cơ chế hỗ trợ riêng cho mô hình kết hợp nuôi biển - du lịch. Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí cụ thể cho các cơ sở nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch, từ thiết kế hạ tầng đến công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích sử dụng vật liệu bền vững, kiểm soát mật độ nuôi - mật độ du khách, xử lý nghiêm rác thải là những yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, cần kêu gọi doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp nuôi biển ra xa bờ, kết nối chuỗi tiêu thụ - dịch vụ - kỹ thuật - vốn, tạo “xương sống” cho ngành.
Sự kết hợp giữa nuôi biển và du lịch không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là một cam kết xanh cho tương lai. Khi được định hướng đúng, hỗ trợ đủ và tổ chức tốt, mô hình này sẽ trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế biển bền vững, vừa sinh lời, vừa sinh thái.