Nuôi chó thả rông - Nguy hiểm khó lường

Thực tế hiện nay khi đi đến bất cứ khu dân cư nào, từ thành thị đến nông thôn đều không khó bắt gặp hình ảnh những con chó thả rông, không đeo rọ mõm vô tư chạy khắp đường, ngõ hay công viên. Điều này đang trở thành nỗi bất an đối với nhiều người dân, bởi nguy cơ bị chó tấn công hoặc người điều khiển phương tiện giao thông bị tai nạn do va phải chó thả rông.

Chó thả rông trên Quốc lộ 3B, đoạn xã Tri Phương, huyện Tràng Định

Chó thả rông trên Quốc lộ 3B, đoạn xã Tri Phương, huyện Tràng Định

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp những câu chuyện chó thả rông gây thương tích cho người dân được chia sẻ rộng rãi, khiến nhiều người không khỏi bức xúc và lo sợ. Đối với tỉnh Lạng Sơn, trường hợp bị chó thả rông cắn cũng khá phổ biến.

Đơn cử như tháng 1/2024, con của anh Hoàng Sơn Hiếu, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn trên đường đưa bạn đi học về, bất ngờ bị một con chó dữ chạy từ ngõ ra cắn. Anh Hoàng Sơn Hiếu bức xúc: Con tôi đang học lớp 8, hằng ngày tự đạp xe đi học. Tuy nhiên, trên đường đến trường qua nhiều ngõ ngách và thường xuyên gặp rất nhiều chó thả rông, không đeo rọ mõm. Đầu năm 2024, con tôi bị chó cắn và phải đưa cháu đi tiêm phòng dại. Qua đây, tôi rất mong muốn các gia đình nuôi chó cần phải tiêm phòng vắc xin phòng dại thường xuyên, nuôi nhốt lồng hoặc đeo rọ mõm khi thả chó.

Hay như chị Lành Thị Hạnh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, vào cuối tháng 3 vừa qua, chị đang đi trên đường thì bị chó lạ tấn công, cắn nhiều vết vào tay và chân nên chị ngay lập tức đến Trung tâm Y tế huyện xử lý vết thương. Kết quả chị phải khâu 4 mũi ở chân, tay và tiêm huyết thanh ngừa dại.

Trên đây chỉ là 2 trong số gần 1.000 trường hợp bị chó cắn phải đến trung tâm y tế, bệnh viện trong tỉnh tiêm phòng dại trong trong 3 tháng đầu năm 2024. Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn lâu nay, cứ mỗi khi ra đường hay vào các công viên không khó để bắt gặp những con chó thả rông, không rọ mõm, không xích cũng không người trông giữ. Nhiều con chó hễ thấy người đi bộ, hay tham gia giao thông trên đường là đuổi theo, có ý muốn tấn công.

Với việc nhiều người thực sự chưa có ý thức, nuôi chó thả rông phổ biến như hiện nay thật sự là hiểm họa khôn lường. Theo số liệu thống kê, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, phần nhiều hộ dân chủ yếu nuôi chó cỏ, chó cảnh thân nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có không ít con chó cỏ có biểu hiện bất thường, hung dữ. Riêng một số giống chó Phú Quốc, Beagle… rất hung dữ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao tấn công người, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo số liệu thống kê của Chi Cục Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh ước tính có hơn 129.000 con chó, mèo. Các loại động vật này chủ yếu được nuôi thả rông, công tác quản lý còn lỏng lẻo. Trong khi đó, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng dại cho trên 1.000 con, đạt 2,2% so với kế hoạch và đạt khoảng 35% tổng đàn, tỷ lệ rất thấp.

Ông Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước thực trạng người dân bị chó thả rông cắn hoặc tấn công người gây thương tích để lại hậu quả nghiêm trọng cần có chế tài xử lý đối với chủ nuôi chó và bồi thường thỏa đáng cho người bị hại. Đồng thời xử phạt hành chính đối với các chủ nuôi chó thả rông, chó không đeo rọ mõm khi thả ra ngoài đường hoặc không buộc dây xích. Những năm gần đây, chúng tôi đã tham mưu cho Sở Y tế và các ngành liên quan ban kế hoạch tiêm phòng vắc xin ngừa dại cho chó, mèo. Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để hiểu rõ tính nguy hiểm của bệnh dại, nuôi chó cần tuân theo Luật Thú y, nuôi nhốt, tiêm vacxin theo quy định, chó ra đường cần rọ mõm. Để hạn chế tình trạng chó thả rông, cần thiết phải áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Để đảm bảo an toàn cho người dân không bị chó thả thả rông tấn công, thiết nghĩ, giải pháp trước mắt, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần tập trung triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại chó, mèo đến tận thôn, tổ dân phố, chủ nuôi chó. Đồng thời, kết hợp thống kê chính xác tổng đàn, buộc các chủ nuôi cam kết nuôi nhốt, xích, có rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng, giám sát, phát hiện, ứng phó kịp thời các ca bệnh dại trên động vật. Thường xuyên tuyên truyền tác hại, sự nguy hiểm của bệnh dại nhằm nâng cao nhận thức cho chủ nuôi và người dân thông qua các buổi hội họp, phát tờ rơi, các phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy, mới từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nuôi chó đối với sự an toàn của người dân và cộng đồng.

ĐĂNG THÙY - LƯƠNG THẢO

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nuoi-cho-tha-rong-nguy-hiem-kho-luong-5008621.html