Ô cửa
Sức nóng của lửa vây lấy Minh như một cái hàm đầy răng nhọn cố ngoạm lấy con mồi. Lửa càng trở nên hung hãn hơn, nó bắt đầu gầm thét khi con mồi tránh được sự tấn công trực diện và giáng ngay một đòn chí mạng. Tiếng gào thét của con quái vật dữ dội và điên loạn hơn. Minh bất chấp nguy hiểm đi sâu vào trong lòng của quái vật lửa, đưa đứa bé ra bên ngoài an toàn trước sự biết ơn của những người trong gia đình và sự thán phục của người dân xung quanh.
Tiếng chuông báo động reo khi mọi người đang ngủ say giấc, ai nấy đều bật dậy theo phản xạ tự nhiên, thoăn thoắt mặc quần áo, xỏ giày và chạy về xe của đội mình, tất cả các thao tác thực hiện thuần thục, nhanh chóng. Tiếng còi hú xé tan không gian yên tĩnh của đêm gần về sáng. Tiếng người hoảng loạn, tiếng khóc, tiếng hô hoán, và lửa rực đỏ một góc phố. Sau hơn một tiếng đồng hồ cố gắng hết mình của đội, ngọn lửa đã được khống chế thành công, và may mắn nhất là không có thiệt hại về người.
Sau trận chiến với lửa, cả người Minh ướt sũng nước và mồ hôi, phờ phạc đứng nhìn ngôi nhà cháy nham nhở, đen sì, nhớp nhúa, đồ đạc bị biến dạng bởi sức nóng và sự tàn phá của lửa. Dù đã chứng kiến rất nhiều vụ hỏa hoạn nhưng sau mỗi vụ, Minh đều thấy lòng mình trống rỗng, mất mát.
- Anh Minh! Mình về đội thôi - Trung sĩ Hà gọi anh, rồi chợt thốt lên - Tay anh bị thương nặng quá, về xử lý mau anh ạ!
Minh lúc này mới nhìn xuống cánh tay mình, đỏ au, bỏng rộp và rát. Lúc cứu người còn bị kẹt lại trong nhà, Minh đã lấy tay đỡ cột gỗ đang cháy. Kỳ lạ là anh chẳng thấy đau đớn gì, cứ thế xé lửa mà chạy ra ngoài. Những vết thương trên người anh ngày càng nhiều hơn, lâu dần anh cũng trở nên quen với việc có thêm những vết sẹo mới trên cơ thể mình, mỗi vết sẹo là một câu chuyện mà có lẽ đến cuối cuộc đời anh cũng chẳng thể nào quên được.
*
Đôi mắt của mẹ rưng rưng nhìn Minh khi biết anh đăng ký thi Đại học Phòng cháy chữa cháy. Mẹ nhìn Minh rồi nhìn di ảnh trên bàn thờ, nước mắt của mẹ lăn dài.
- Con không thể chọn một công việc nào ít nguy hiểm hơn được sao? Mẹ không muốn con đi theo cái nghề nguy hiểm đó. Mẹ mất ba là đủ rồi.
- Con biết mẹ rất lo lắng, nhưng từ nhỏ con đã ngưỡng mộ những lần cứu người của ba và đồng đội, giờ con muốn thực hiện tiếp ước mơ dang dở của ba và của con.
Minh nắm lấy bàn tay gầy guộc của mẹ, đôi mắt khẩn nài. Đây có lẽ là một lựa chọn khó khăn của mẹ khi biết rõ sự nguy hiểm của nghề nhưng không muốn dập tắt ước mơ của con. Mẹ nhìn Minh, chàng trai mười tám tuổi với đôi mắt đầy quyết tâm, nước mắt mẹ lặng lẽ chảy.
Mẹ nhớ như in một đêm mùa đông rét mướt cách đây mười năm, ngay khi có điều động của đội, ba Minh đã tức tốc lên đường. Vụ hỏa hoạn xảy ra trong ngôi nhà hai tầng với cửa sắt kiên cố, lửa bùng cháy dữ dội, sức nóng táp ra ngoài, cửa sắt nóng kèm theo khói đen nghi ngút và mùi khét của những kiện hàng bên trong càng làm cho việc phá cửa trở nên khó khăn hơn. Khi cửa được phá, lửa đã cháy lan qua hầu hết các kiện hàng chủ yếu là vải và quần áo. Ba Minh nhanh chóng lao vào bên trong, tiếp cận sâu hơn để chữa cháy thì phát hiện có một cụ già bị ngất và kẹt trong biển lửa. Mặc cho lửa lớn đang vây quanh, ba đưa bình dưỡng khí cho ông cụ đang có dấu hiệu bị ngạt khói. Dìu ông cụ ra được nửa đường, bức tường trên lầu một bất ngờ đổ ập xuống, ba đã lấy thân mình che chắn cho cụ già và ba ra đi mãi mãi.
Mẹ đến nhận xác ba. Khi đồng đội ba lật tấm vải trắng lên, mẹ nghẹn ngào, người ba đen lại vì khói, chiếc áo chữa cháy rách loang lổ, khắp người xây xát, không nguyên vẹn. Mẹ ôm lấy ba khóc nấc. Nỗi đau quá lớn bao trùm lấy bà, sự mất mát không gì có thể lấp đầy được. Ba đi rồi, mẹ mất thời gian khá lâu mới lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống và làm quen với việc không có ba ở bên cạnh. Mẹ ở vậy nuôi hai chị em Minh, dù nhiều lần nhà nội, nhà ngoại mai mối cho mẹ nhưng mẹ cương quyết từ chối. Tình yêu của mẹ dành cho ba quá lớn, mà không một người đàn ông nào có thể thay thế được.
Ba từng nói với Minh: "Là một người lính cứu hỏa, trách nhiệm của mình là bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, nên không được làm hời hợt cho qua việc". Minh luôn nhớ lời ba và muốn được là một người chiến sĩ sống, cống hiến hết mình cho Tổ quốc như ba.
- Mẹ à, hãy cho phép con mẹ nhé!
Mẹ ngước nhìn Minh, dù không nói gì nhưng Minh biết mẹ đã đồng ý. Anh ôm lấy mẹ và nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt ấm nóng đang trực trào ra từ khóe mắt.
*
Nghi nhìn đôi bàn tay rộp lên vì bỏng của Minh lặng lẽ bôi thuốc và băng bó cho anh. Minh nhìn vợ nhẹ nhàng, cẩn thận, sợ làm anh đau, biết vợ rất lo lắng cho mình: "Anh quen rồi không sao đâu, vài bữa là hết thôi, em nhìn đây này". Minh đưa cánh tay lên chỉ vào những vết sẹo: "Lính cứu hỏa bọn anh thấy lửa là sáp vào để chiến đấu, đánh nhau thì phải có vết tích để chứng minh mình đã chiến thắng chứ! Phải không con?" - Minh nói rồi cụng đầu mình vào đầu cu Tôm. Cu Tôm ôm lấy cổ ba mà đu. "Ba con là siêu nhân đánh quái vật lửa. Con cũng muốn làm siêu nhân cứu người giống ba". Minh xoa đầu con: "Tôm của ba sẽ là người lính dũng cảm nhất phải không?". Nghe ba nói, cu Tôm liền làm động tác giả như đang cầm vòi xịt nước về phía Nghi. Nhìn hai cha con đang cười rộn rã, Nghi thấy mình cũng rộn rã theo dù những lo lắng chưa bao giờ dứt trong lòng.
Cu Tôm đến với gia đình Nghi như một cái duyên nhưng đầy nỗi buồn. Cu Tôm là thành viên duy nhất còn sống sót trong vụ cháy khu nhà trọ ổ chuột cách đây năm năm. Ngọn lửa đã thiêu rụi gần như toàn bộ khu vực sống của những con người xa quê hương, lên thành phố mưu sinh để cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng tất cả hy vọng ấy đã bị lửa thiêu rụi. Minh là người trực tiếp chữa cháy trong vụ hỏa hoạn năm đó, Tôm nằm lả đi bên cạnh xác của người mẹ, trên người đầy vết bỏng, một đứa trẻ mới chín tháng tuổi đã sống sót một cách kỳ lạ. Những xác người được tìm thấy được đưa dần ra, rồi đến những thi thể bị cháy đen, co quắp được tìm thấy sau cùng. Đám cháy để lại thiệt hại quá lớn, nguyên dãy trọ năm phòng bị thiêu rụi. Ba, mẹ và chị gái của Tôm mới ba tuổi cũng không qua khỏi. Ông bà ở dưới quê đã mất, cô dì chú bác đùn đẩy nhau trách nhiệm, không ai chịu nhận nuôi đứa trẻ đầy bất hạnh. Cuối cùng họ quyết định đưa Tôm vào trại trẻ mồ côi.
Minh bàn với Nghi sẽ nhận nuôi Tôm. Nghi nhìn đứa trẻ mới chín tháng tuổi, cơ thể đầy những vết bỏng mà không khỏi xót xa. Khao khát làm mẹ của chị trở nên mãnh liệt hơn. Hai vợ chồng làm đơn và xin nhận Tôm về làm con, từ ngày có Tôm về nhà, ngôi nhà như được tưới một luồng sinh khí mới, tất cả đều trở nên tràn đầy năng lượng và rực rỡ hơn. Thấm thoát Tôm đã đến với gia đình được năm năm, mọi phiền não về bệnh hiếm muộn của Nghi dường như cũng vơi bớt phần nào trước sự dễ thương, năng động của đứa con trai nhỏ. Cuộc đời Tôm bất hạnh, cuộc đời Nghi cũng chẳng tròn đầy, những mất mát ghép lại với nhau, dường như bù đắp cho nhau nhiều hơn, yêu thương nhau hơn.
*
Có lẽ đối với mọi người phụ nữ thiên chức làm mẹ là một điều gì đó rất tự nhiên, có chồng rồi sẽ có con. Nhưng Nghi không được ưu ái thiên chức ấy. Những người bạn học cùng khóa với Nghi, có người con đã đi đại học, ai muộn lắm thì con cũng vào cấp một rồi, vậy mà chị đã gần bốn mươi tuổi vẫn chưa có được mụn con. Nhiều lúc đi bên cạnh chồng nhìn những gia đình khác con cái sum vầy, chị bỗng chạnh lòng, thèm tiếng cười của trẻ, thèm những tiếng nô đùa, đôi lúc chị sẽ la mắng chúng, yêu thương chúng, vỗ về chúng… Những giấc mơ với nỗi khao khát có một đứa con đã ám ảnh chị. Nghi sợ nhất những ngày giỗ, ngày lễ tết, khi tập trung đông bà con trong gia đình, ai cũng khuyên chị nên có con, phụ nữ muốn đẹp mà kế hoạch là ích kỷ…Từng lời nói như những nhát dao khứa sâu vào tim, nhói buốt lắm nhưng chị không thể mở miệng ra phản bác lại được. Nhiều lần Nghi muốn từ chối các cuộc tập trung gia đình, nhưng Minh là con trưởng lại là đích tôn, chị là dâu trưởng vắng mặt một lần hai lần thì được, vắng nhiều càng điều tiếng hơn. Mẹ chồng biết chuyện của hai vợ chồng nên cũng nói giúp cho anh chị bao nhiêu lần. Bà đưa ra tư tưởng mới nhưng không ai đồng tình, đa phần bà đều bị nói là chiều con dâu quá sinh hư. Áp lực sinh con nối dõi tông đường như một sợi dây vô hình thít chặt, khiến Nghi nghẹt thở.
Ba năm sau khi lấy chồng, Nghi không có thai nên cứ nghĩ do sức khỏe yếu. Mẹ đẻ, mẹ chồng tìm và cắt rất nhiều loại thuốc bắc, bổ khác nhau cho chị uống, nhưng tình hình chẳng khá hơn, hợp thuốc da chị trắng hồng, người có da có thịt hẳn ra nhưng cũng không thấy hiện tượng gì mới. Qua năm thứ tư, vận động mãi, anh Minh mới chịu vào bệnh viện khám. Khi bác sĩ báo kết quả, Nghi cảm thấy sốc thực sự, việc không có con là do chị, chị càng cảm thấy có lỗi với chồng hơn. Hành trình đi tìm kiếm con của chị cũng bắt đầu từ đấy. Nghi làm giáo viên nên công việc trong năm không thể đi vào thành phố thường xuyên được, nghỉ hè hơn hai tháng, Nghi hầu như dành hết thời gian của mình ở bệnh viện. Để được làm mẹ, hơn tám năm Nghi ra vào liên tục các bệnh viện. Chị vui mừng khi bác sĩ báo thụ tinh thành công được năm phôi. Nhưng niềm vui của chị tắt dần khi việc đưa phôi vào tử cung đều không thành công. Có phôi bám được vài ngày, có phôi được hơn ba tháng nhưng vẫn không giữ được. Công cuộc kiếm con của chị vừa tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng kết quả đều không thành công. Khi gần bước qua tuổi bốn mươi, chị nản lòng, muốn buông xuôi tất cả. Đôi lần, chị bảo anh hãy chấm dứt cuộc hôn nhân này để tìm người mới, nhưng Minh đều gạt hết, bảo chị là hâm, dở người, rồi anh lại động viên chị rất nhiều. Từ khi nhận nuôi cu Tôm, Nghi cảm thấy những tổn thương trong lòng mình được bù đắp rất nhiều. Việc đi tìm con cho mình, chị thấy không cần thiết nữa, ông trời cho vợ chồng chị cu Tôm là một niềm hạnh phúc lớn lao, chị không đòi hỏi gì thêm nữa.
*
Mỗi lần Minh đi làm là một lần Nghi lo lắng, chị biết nghề của chồng mình nguy hiểm đến nhường nào. Nhưng một khi đã chọn người đàn ông làm công việc này thì sẽ phải chấp nhận những hiểm nguy và cả sự mất mát có thể xảy ra. Minh hay nói với chị: Đằng sau một người lính dũng cảm là một người vợ can trường và giỏi giang. Chị nhéo yêu, bảo anh chỉ khéo nịnh thôi.
Minh đi nhiều, có những chuyến công tác kéo dài nhiều ngày, có những vụ hỏa hoạn với những cái chết thương tâm, không thể nào cầm được nước mắt. Như vụ cháy lúc một giờ sáng khiến cho cả gia đình tám người chết dù đã điều động hơn mười xe chữa cháy nhanh chóng có mặt tại hiện trường, khống chế được đám cháy, đến khi mở được cửa, lực lượng tiến vào thì thấy cảnh tượng hết sức đau lòng, khi cả nhà ôm chặt lấy nhau, trên tay còn đứa trẻ ẵm ngửa. Những vụ cháy xảy ra hầu như vào nửa đêm, lúc con người đang say giấc nhất, không một chút đề phòng, nên số lượng thương vong nhiều…
Cuộc sống ngày càng khó khăn, người đông đảo, xô bồ, chẳng biết ai tốt ai xấu, chính vì vậy những ngôi nhà càng được xây dựng kiên cố hơn, cửa sắt nhiều lớp hơn để phòng chống trộm nhưng khi xảy ra hỏa hoạn lại cực kỳ khó khăn trong việc giải cứu cũng như chạy thoát thân. Và những cuộc mất tích trên sông khi Minh lặn tìm xác người mất tích, dưới làn nước lạnh căm căm của mùa đông, những ánh mắt hy vọng của gia đình. Minh dường như quên hết nỗi sợ hãi, cái lạnh thấu da thấu thịt mà đầm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ để tìm người. Đến khi tìm thấy xác, cơ thể ở dưới nước đã bị trương phình, cá rỉa đến xương, chỉ cần đụng vào là da thịt rời ra, những trường hợp này rất khó để đưa lên bờ một cách bình thường.
Rồi những vụ đuối nước thương tâm, khi cả ba chị em cùng bị chết đuối. Bố mẹ biết tin chỉ biết gào khóc tuyệt vọng bên xác những đứa con. Có nỗi đau nào lớn hơn thế, khi những đứa con yêu thương của mình, mới sáng nay chúng vẫn còn chào ba mẹ đi làm mà chỉ sau mấy tiếng đồng hồ thôi, chúng đã nằm yên không động đậy, với khuôn mặt như những thiên thần đang nằm ngủ. Minh đã chứng kiến những cái chết bi thương vì nhiều lý do trong cuộc sống, nên anh càng hiểu được giá trị của sự sống, cái chết, hiểu được giá trị về tình người, về gia đình những khi hoạn nạn. Minh luôn nhắc nhở bản thân mình có trách nhiệm với công việc, với gia đình, bởi mỗi khi nghe tiếng còi xe chữa cháy gia đình sẽ luôn lo lắng cho sự an toàn của anh.
*
Mấy ngày nay Nghi thấy cơ thể dường như mỏi mệt hơn. Chị nghĩ chắc mình quá căng thẳng trong đợt thi giáo viên giỏi sắp tới cho nên dẫn đến trễ kinh. Nghi mua vài viên thuốc bổ về uống, rồi nghỉ ngơi. Nhưng lạ là Nghi không chịu được mùi dầu chiên, nấu ăn cho gia đình mà ngửi mùi là ói. Mẹ chồng nhìn Nghi, rồi nói "Hay là con có thai rồi". "Chắc con bị ngộ độc thức ăn thôi mẹ!". "Chiều nay đi làm về cứ đi khám thử đi! Giờ sức khỏe là vàng con à!".
Nghe mẹ nói có thai, tia hy vọng le lói, chị mua que về thử thật. Nghi không dám tin vào mắt mình, que thử thai đã hiện lên hai vạch đỏ rõ, chị nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn lại lần nữa có phải mình đang mơ hay không. Để chắc chắn hơn chị đi siêu âm, bác sĩ xác nhận thai đã được năm tuần tuổi, phát triển rất tốt và đã có tim thai. Nghi nghe bác sĩ nói mà tai như ù đi vì không tin là sự thật. Không, đây không phải là mơ, chị đã có thai. Giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt của chị. Nghi cầm giấy siêu âm trong tay với một niềm hạnh phúc không cách nào tả xiết. Nghi sẽ làm cho Minh và gia đình bất ngờ. Với tuổi gần bốn mươi mang thai tự nhiên sau bao nhiêu năm hiếm muộn là một điều mà Nghi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nghi trở về nhà, cơ thể như đang bay lên bởi niềm vui sướng và hạnh phúc.
*
Khuôn mặt mẹ chồng trắng bệch, đôi mắt hốt hoảng nhìn Nghi.
- Con ơi! Thằng Minh nó... - Nói chưa hết câu, bà ngã bịch xuống đất. Nghi đỡ lấy mẹ chồng, chị chưa hiểu chuyện gì, nhưng linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành.
Nghi vội vàng gọi điện lại, rồi chết lặng khi nghe thông báo. Chị đến bệnh viện thì đã quá trưa. Ruột gan như thiêu, như đốt khi đứng trước phòng phẫu thuật, nhưng khi bước vào phòng và thấy Minh đang nằm ngủ, Nghi chợt thở phào nhẹ nhõm.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào lúc 11 giờ 30 phút tại nhà số 6 xã Nghĩa Hưng, nhận được tin báo, Minh cùng đồng đội với năm xe chữa cháy lên đường. Thật không may, thời điểm xảy ra hỏa hoạn có gió mạnh, căn nhà làm bằng gỗ nên lửa bén rất nhanh, lại nằm trong hẻm sâu, xung quanh đông dân cư khiến cho việc tiếp cận trở nên khó khăn hơn. Minh và Quang khi vào nhà để giải cứu người bị mắc kẹt, khi chuẩn bị ra ngoài đã bị nguyên giàn la phông gỗ đang cháy xém đổ sập xuống. Cả hai chiến sĩ ngất tại chỗ. May mắn, các chiến sĩ hỗ trợ bên ngoài đã khống chế và dập tắt được ngọn lửa, nhanh chóng đưa Minh và Quang đi cấp cứu nên không nguy hiểm tính mạng. Bác sĩ kết luận, cơ thể của Minh bị bỏng 30%, tay bị gãy, dập lá lách, gãy một xương sườn, còn Quang bị gãy chân, bỏng hai cánh tay, đầu bị chấn thương nhẹ, toàn thân xây xát.
Nghi ngồi bên cạnh Minh, lâu lâu sờ vào người anh xem hơi thở có đều đặn không. Đến chiều thì Minh tỉnh, thấy ba mở mắt, cu Tôm lao vào đòi ôm ba. Nghi nhẹ nhàng giải thích con làm vậy ba sẽ bị đau, thằng bé ngoan ngoãn đứng bên cạnh bà nội.
- Anh không sao mà! - Nụ cười méo xệch vì đau xuất hiện trên miệng Minh. Nghi nắm lấy bàn tay của Minh, chai sạm, đầy vết sẹo, nước mắt chảy dài: "Cảm ơn anh đã trở về."
- Anh phải ở bên mẹ con em chứ. Tôm lại ôm ba nào - Tôm chỉ đợi có vậy là chạy ào tới ba. Cả nhà đang cười nói vui vẻ.
- Em có điều bất ngờ dành cho anh.
Nghi đưa tờ giấy siêu âm cho Minh. Anh ngỡ ngàng.
- Thật hả em? - Nghi gật đầu hạnh phúc.
Khuôn mặt ít khi thể hiện cảm xúc của Minh, nay không giấu được niềm vui trong đôi mắt lấp lánh.
- Tôm ơi! Con sắp có em rồi đấy.
- Thích quá, con sắp có em rồi! - Tôm nhảy cẫng lên sung sướng.
Minh nắm chặt tay vợ, niềm hạnh phúc như vỡ òa với tất cả mọi người trong gia đình lan sang cả những đồng đội đang lo lắng cho anh.
Trong cuộc đời làm lính cứu hỏa, Minh đã chứng kiến không biết bao nhiêu số phận bên kia ô cửa, có ô cửa đau đớn, ô cửa tuyệt vọng, ô cửa hy vọng... Nhưng ô cửa Minh thấy hôm nay mang tên may mắn với những tình cảm yêu thương, hòa cùng tiếng cười trong veo của cu Tôm đang đùa nghịch cùng những sợi nắng.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/o-cua-i663616/