Ở đâu cũng là quê hương
Gần nửa thế kỷ trước, nhiều người quê Quảng Ngãi đã khăn gói lên vùng đất Kon Tum (cũ) để lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Và nay, khi hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum hợp nhất trở thành tỉnh Quảng Ngãi mới, nối liền núi rừng với biển cả, hải đảo với biên cương thì trong lòng họ dâng trào bao cảm xúc khó tả.
Đất lạ hóa quê hương
Trong ngôi nhà nhỏ, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Trần Quốc Thọ (57 tuổi) vừa chuẩn bị ấm trà nóng để tiếp khách, vừa xúc động kể về cơ duyên đưa ông đến với mảnh đất Kon Tum (cũ). Ông Thọ là người Quảng Ngãi chính gốc, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh cũ, nay là xã Thọ Phong, tỉnh Quảng Ngãi mới. “Năm 1976, hòa trong dòng người từ dưới quê Quảng Ngãi lên Kon Tum (lúc đó là tỉnh Gia Lai - Kon Tum) xây dựng kinh tế mới, bố mẹ tôi dắt theo 3 đứa con lên đây xây dựng cuộc sống mới.
Những ngày đầu lập nghiệp, thiếu thốn đủ thứ. Cả nhà tôi ai cũng chăm chỉ làm việc, ngày ngày vỡ đất trồng mì, trồng bắp, gieo lúa để giải quyết bài toán về lương thực và có thêm thức ăn để chăn nuôi. Sau này, khi được cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình tôi từng bước chuyển từ trồng mì sang trồng cà phê, cao su, nuôi bò sinh sản, kinh tế gia đình từng bước cải thiện", ông Thọ tâm sự.

Nhiều gia đình từ Quảng Ngãi lên Kon Tum (cũ) lập nghiệp hiện nay đều có cuộc sống ổn định, khá giả nhờ trồng cà phê, cao su và phát triển chăn nuôi.
Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất Sa Bình (Kon Tum cũ), nhắc lại chuyện những ngày hai vợ chồng quyết định gánh gồng đưa các con lên đây xây dựng cuộc sống mới, bà Nguyễn Thị Sương (76 tuổi), ở thôn Bình Trung, xã Sa Bình rưng rưng kể, năm 1976, tôi mới 27 tuổi, nghe mọi người trong xã, trong làng nói trên Kon Tum đất đai rộng rãi, hai vợ chồng quyết định đưa 4 đứa con lên lập nghiệp. Thời gian đầu, làm lụng quần quật, vất vả lắm, ăn uống thiếu thốn lại chưa quen khí hậu nên thường xuyên bị sốt rét đến vàng vọt, nhưng trong lúc khó khăn, bà con cùng quê đùm bọc, động viên nhau “đến đây phải ở lại đây, bao giờ bén rễ canh cây mới về”. Chúng tôi ai cũng tin rằng, đất này sẽ nuôi sống mình, cứ thế cuốc cày, trồng mì, trồng bắp... dần dà mọi thứ ổn định, cuộc sống ấm no từng ngày.
Những năm sau giải phóng, vùng đất Sa Bình còn hoang sơ và nhiều tàn tích chiến tranh, nhưng những người Quảng Ngãi như bố mẹ ông Thọ, ông Thọ, bà Sương đã không ngại gian khổ khai hoang ruộng đất, dựng nhà lập nghiệp. “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, từ vài chục hộ đầu tiên, trải qua gần nửa thế kỷ, cộng đồng người dân Quảng Ngãi ở Sa Bình ngày một lớn mạnh. Hiện tại, riêng thôn Bình Trung có 210 hộ với hơn 800 nhân khẩu có quê gốc thuộc các địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi (cũ) đang sinh sống.

Những người con của Quảng Ngãi lên Kon Tum (cũ) sinh sống, xem thông tin trên báo Quảng Ngãi.
Rồi cứ thế, lớp cha trước, lớp con sau, gắn bó với núi rừng, cần mẫn xây dựng quê hương thứ hai. Đất không phụ công người, với sự cần cù, chịu khó, năng động của người dân xứ Quảng cùng với người dân các nơi khác đến đây và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã từng bước biến những vùng đất hoang tàn, xơ xác sau chiến tranh thành vùng quê trù phú. Hầu hết các gia đình từ Quảng Ngãi (cũ) di dân lên đây đều có cuộc sống đủ đầy. “Trong số 210 hộ dân của thôn Bình Trung có trên 30% gia đình kinh tế khá giả. Không chỉ chú trọng làm kinh tế, các gia đình còn chăm lo đến việc học hành của con cháu và giáo dục ý thức giữ gìn nếp sống văn hóa. Thế nên, dù rời xa quê đã lâu nhưng chúng tôi vẫn nói giọng quê, xây dựng nhà cửa, sinh hoạt theo nếp quê”, ông Trần Quốc Thọ tự hào chia sẻ.
Như chưa từng xa cách
Ngày 1/7/2025 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử phát triển của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi khi hai tỉnh chính thức "về chung một nhà”. Hẳn rằng, những người con mang trong mình cội nguồn quê hương Quảng Ngãi lên các vùng đất Kon Tum (cũ) sinh sống, cảm thấy hạnh phúc hơn cả khi quê hương như được kéo gần lại, như chưa từng xa cách.
"
Trước đây, Kon Tum và Quảng Ngãi là hai tỉnh nên cảm giác vẫn xa xôi, giờ sáp nhập lại, dù khoảng cách địa lý từ nơi mình ở đến quê cũ vẫn thế nhưng với tên gọi tỉnh Quảng Ngãi, tôi cảm thấy gần gũi lắm, bởi từ nay, nơi đây là mảnh đất quê nhà".
Bà NGUYỄN THỊ LIÊN, ở thôn Bình Trung, xã Sa Bình
Theo bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn Bình Trung, xã Sa Bình, quê hương là nguồn cội nên bà con ở đây chưa bao giờ thôi hướng về quê. Ngày trước, đường sá đi lại khó khăn nên có khi vài năm mới về quê một lần, sau này thuận lợi thì mỗi năm đôi ba lần giỗ chạp, lễ, Tết, gia đình bà đều đưa con cháu về thăm quê. Mỗi lần về quê, bà Liên càng thêm vui và tự hào khi quê hương ngày càng phát triển. “Trước đây, Kon Tum và Quảng Ngãi là hai tỉnh nên cảm giác vẫn xa xôi, giờ sáp nhập lại, dù khoảng cách địa lý từ nơi mình ở đến quê cũ vẫn thế nhưng với tên gọi tỉnh Quảng Ngãi, tôi cảm thấy gần gũi lắm bởi từ nay, nơi đây là mảnh đất quê nhà", bà Liên tâm tình.
Với những người Quảng Ngãi lập nghiệp lên Kon Tum (cũ), việc hợp nhất hai tỉnh là khoảnh khắc đáng nhớ như một vòng tròn khép lại để bắt đầu một hành trình mới - hành trình trở về mà không cần rời bước. Họ tin tưởng, kỳ vọng rằng quê hương Quảng Ngãi mới với sự kết hợp hài hòa giữa tiềm năng, lợi thế của hai vùng; với những quyết sách, giải pháp đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền sẽ có những bước phát triển vượt bậc, giàu mạnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình, ở thôn 2, xã Sa Thầy (quê gốc ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh cũ) theo dõi thông tin trên kênh truyền hình của Báo và Phát thanh, Truyền hình Quảng Ngãi.
“Việc hợp nhất Kon Tum - Quảng Ngãi thành một tỉnh mới với nhiều cơ hội được mở ra như kết nối hạ tầng tốt hơn, phát triển du lịch liên vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng bộ chính sách đầu tư... cho quê hương phát triển. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng các cấp, các ngành sẽ quan tâm đầu tư để quê hương Quảng Ngãi mới phát triển đồng đều từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ hải đảo đến biên giới xa xôi. Tương lai sẽ là một bức tranh tươi sáng”, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu chiến binh, hiện sống tại thôn 2, xã Sa Thầy (quê gốc ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh cũ), chia sẻ.
Quảng Ngãi giờ đây đã được mở rộng không gian, nối biển cả với núi rừng, hải đảo với biên cương. Một hành trình mới được mở ra với quê hương, đặc biệt là với những người con của quê hương Quảng Ngãi lên Kon Tum (cũ) lập nghiệp, từ nay không còn là “người Quảng sống ở Kon Tum”, mà là người Quảng Ngãi sinh sống trên chính quê hương mình.
Bài, ảnh: THIÊN HƯƠNG
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/o-dau-cung-la-que-huong-54385.htm