Ô nhiễm không khí thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp
Phân tích thông tin về 111.370 bệnh nhân đã kiểm tra mắt tại các cơ sở y tế trên khắp nước Anh từ năm 2006 đến 2010 cũng như kiểm tra độ ô nhiễm không khí nơi họ sinh sống, các nhà khoa học kết luận: Ngoài các nguy hại khác cho sức khỏe, ô nhiễm không khí có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp.
Theo Investigative Ophthalmology & Visual Science, các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ phát hiện ra rằng sống trong một khu vực không khí ô nhiễm nặng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp. Tăng nhãn áp (glaucoma) là nguyên nhân chính gây mù không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Theo thống kê, căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người trên toàn thế giới. Điều này thường xảy ra nhất là do tăng áp lực nội nhãn, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác, kết nối mắt với não. Hầu hết các yếu tố trong sự phát triển của bệnh này, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền, hiện không thể kiểm soát. Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện thêm một nguyên nhân mà con người có thể khống chế được.
Dùng dữ liệu của UK Biobank, họ đã phân tích thông tin về 111.370 bệnh nhân đã kiểm tra mắt tại các cơ sở y tế trên khắp nước Anh từ năm 2006 đến 2010. Những người tham gia được hỏi liệu họ có bị tăng nhãn áp hay không và sau đó kiểm tra nhãn khoa đã được thực hiện để đo áp lực nội nhãn và quét laser võng mạc để đo độ dày của hoàng điểm - vùng trung tâm của võng mạc.
Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tương quan, liên kết 2 chỉ số - sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp và mức độ ô nhiễm không khí ở nơi cư trú của bệnh nhân. Họ đã thấy rằng những người ở 25% khu vực bị ô nhiễm nhất thường thông báo về bệnh tăng nhãn áp nhiều hơn là 6% so với những người ở khu vực ít ô nhiễm.
Những người ở các khu vực bị ô nhiễm cũng có nhiều nguy cơ bị mỏng võng mạc, một trong những thay đổi điển hình cho sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp trong tương lai. Như vậy, ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Sharon Y.L. Chua, tác giả chính của công trình nghiên cứu tại Viện nhãn khoa, Đại học College London kết luận ô nhiễm không khí có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp do làm hẹp các mạch máu và vì vậy, không chỉ mắt, mà cả tim cũng có thể bị ảnh hưởng. Một nguy cơ nữa là các hạt rắn trong không khí ô nhiễm có thể gây độc trực tiếp, làm tổn hại cho hệ thần kinh và gây viêm.