Ở nơi 'Ông lụy vào làng như vàng vào tủ'
Lý Sơn vốn thu hút du khách nhờ vẻ đẹp hiếm có giữa bốn bề đại dương. Nhưng ít ai biết, nơi đây ngoài lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn có tục thờ cá Ông (cá Voi).
Uy linh ngọc cốt cá Ông
Đặt chân đến huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10km, du khách dễ dàng được người dân giới thiệu đến các lăng mộ cá Ông (cá Voi) như một niềm tự hào linh thiêng ở đây. Lý Sơn có đến 7 lăng mộ và khoảng khoảng 100 bộ xương cá voi. Đặc biệt, 2 năm qua, khi Quảng Ngãi phục dựng thành công hai bộ "ngọc cốt" cá Voi dài hơn 20m càng khiến người dân, du khách choáng ngợp trước sự kỳ vĩ, uy linh của hai bộ xương xác lập kỷ lục lớn nhất tại Việt Nam và nhất hoặc nhì tại Đông Nam Á. Mỗi bộ xương của Ông đều có 50 đốt xương sống, với đường kính đốt sống trên 40 cm; 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10 m; xương đầu dài 4 m, và xương ngà dài 4,7 m.
Hai bộ xương cá Voi được bảo quản một cách cẩn thận trong lăng Tân suốt hai thế kỷ, chỉ được mở ra khi có sự cho phép từ các vị có chức sắc trong làng. Ông Dương Tấn, chủ vạn lăng Tân kể lại với sự kính cẩn: "Một bộ ngọt cốt của Ông Cả".
"Ngài" cá Voi để lại bộ xương dài hơn 28 m được phong tước là Đình Đồng Đại Vương. Cá Voi có bộ xương 22m được xem là “Ông em”, phong tước Đức Ngư Nhị vị Tôn thần.
Theo ông Dương Tấn, khi hai cá Ông lụy bờ (cá Voi mắc cạn - PV), đảo Lý Sơn còn hoang sơ, chỉ một “chòm” khoảng 2.000 người. “Những người chứng kiến đã đi vào thiên cổ. Sau này, các văn bản ghi chép lại cũng bị mất, nên chuyện về “ngài” (cách gọi tôn kính) có nhiều dị bản. Nếu kể không đúng sợ mang tội với thần linh”.
Là người con của đảo Lý Sơn cũng là hướng dẫn viên chính của Trung tâm Truyền thông Văn hóa Thể thao Lý Sơn (đơn vị phụ trách nhà trưng bày), anh Đặng Kim Đồng cho hay, các tư liệu được sưu tầm từ lời kể của các cụ lớn tuổi (nay nhiều người đã mất) nhưng cũng chỉ có thể giữ lại các chi tiết chính. Theo đó, lăng Tân có niên đại vào năm 1840, khi người dân đưa bộ xương cá vào lăng (lễ thượng cốt).
Như vậy cá Ông lụy bờ từ những năm đầu của thế kỷ 19. Căn cứ theo ngày giỗ thì ông Đình Đồng Đại Vương mất vào ngày 3 tháng 5 Âm lịch còn ông Đức Ngư Nhị vị Tôn thần lụy bờ trước đó ba ngày.
Những câu chuyện về cá Ông kỳ bí, linh thiêng gắn liền tâm thức của người dân huyện đảo. Tương truyền, Đức Ngư Nhị vị tôn thần nặng khoảng 30 tấn sau khi được người dân chôn cất đã hiện về báo mộng, rằng mình chỉ là “em” của ngài Đại Vương, ba ngày tới ngài Đại Vương sẽ vào bờ.
Đúng ba ngày sau, cá Voi dài hơn 28 m, nặng hơn 50 tấn bơi gần bờ biển Cù Lao Ré - tên gọi cũ của đảo Lý Sơn, trên thân cá có nhiều vết thương. Biết Ông muốn lụy bờ, hàng trăm người dân trên đảo kéo tới khấn vái, cầu nguyện. Song chẳng có cách nào đưa Ông lên được, bởi thân hình quá đồ sộ và kỹ vỹ, đứng bên này không thấy bên kia.
Người dân đảo Lý Sơn bèn ước đoán chiều dài, bề ngang của ngài để làm mộ dài hơn 30 m, ngang 15 m sát mé nước. Họ dùng tre đan lát lại thành sàn để lót dưới đáy mộ rồi lên đồng mời Ông lên.
Đêm hôm đó, bầu trời vần vũ, biển nổi sóng lớn, cá Ông dùng hết sức lực cuối cùng với sự trợ giúp của sóng biển nhoài người vào huyệt mộ. Ngày hôm sau, biển bình yên, trời quang đãng, cá Ông nằm yên bình dưới mộ.
Một lễ an táng cá voi lớn chưa từng thấy diễn ra, với sự có mặt đầy đủ của chủ tế, chủ vạn chài và người dân cù lao già trẻ lớn bé. Theo tục lệ, “nghĩa tử” - người phát hiện cá voi lụy bờ đầu tiên được xem là người có vinh dự lớn khi gặp được vị phúc thần, phải chịu tang ba năm.
Vì cá Ông quá lớn, người dân không chôn lấp mà để mộ lộ thiên. Khi Ông chết đi, phần mỡ tan rã dần. Người Lý Sơn dùng gầu hứng mỡ của cá cho vào các lu nước để lưu trữ. Khoảng 15 năm sau, xác cá Ông tiêu hủy hết thì người dân mới xây dựng lăng Tân và làm lễ “thượng cốt”. Khi bộ cốt đã vào lăng, người dân dùng mỡ của chính cá ông đựng trong các lu xoa lên bộ xương để bảo quản xương, mà theo lời kể của nhiều người, phải đến trăm năm thì lượng mỡ mới hết.
Hàng trăm năm qua, cứ đến ngày, người dân Lý Sơn làm giỗ cho ông Đình Đồng Đại Vương và Đức Ngư Nhị vị Tôn thần tại lăng Tân. Ngoài ra, họ còn thực hiện nhiều nghi thức ở các lăng cá voi khác.
Điểm tựa ngư dân
Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ cá Ông bắt nguồn từ người Chăm, sau đó được người Việt và người Hoa tiếp tục. Trong thời nhà Nguyễn, các truyền thuyết kể về việc vua Gia Long được cá Ông cứu giúp, và khi lên ngôi, ông đã tôn phong cá Ông là thần Nam Hải, khuyến khích việc thờ phụng cá Ông.
Tín ngưỡng này đã được các vị vua triều Nguyễn tiếp tục, được ghi lại trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Trong triều Minh Mạng, cá voi được gọi là Nhân Ngư, và trong thời Tự Đức, tên gọi đã được thay đổi thành Đức Ngư. Cá voi còn được phong nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhà vua cũng đã ra lệnh rằng mọi làng nào có bộ xương cá Ông trôi vào bờ, phải báo cáo lên cấp trên để được hưởng tiền thưởng, thực hiện nghi lễ tôn kính và cấp đất để xây dựng lăng mộ.
Theo Võ Minh Tuấn, người đang công tác tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và là tác giả của cuốn sách " Đảo Lý Sơn - những góc nhìn từ biển, tín ngưỡng về Ông Nam Hải không chỉ được thể hiện qua các nghi lễ truyền thống như lễ cầu ngư và hoàn nguyện lễ tế cá Ông, mà còn trở thành nguồn động viên tinh thần cho ngư dân khi ra khơi khai thác thủy sản trên biển.
Với người dân Lý Sơn và dọc dài vùng biển Miền Trung, niềm tin Cá Ông không chỉ là tín ngưỡng mà là điểm tựa cứu nạn ngư dân vươn khơi giữa thời khắc thiên tai hoành hành. Cách đây 18 năm, khi cơn bão lịch sử Chanchu đổ bộ vào Lý Sơn, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện và 14 ngư dân đang ở nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhận được tin bão và quyết định trở về đảo để tránh trú. Tuy nhiên, họ không ngờ được sức mạnh của cơn bão. Khi thuyền cách Lý Sơn khoảng 8 hải lý, bão cấp 15 ập đến, sóng lớn vồ lấy thân tàu. Trong tình thế nguy cấp đó, cả đoàn đã cầu nguyện với Ông Nam Hải.
Bất ngờ, ba cá Ông đã xuất hiện xung quanh thuyền, tạo thành một bức tường chắn giúp thuyền tránh khỏi những con sóng khổng lồ. Khi cơn bão qua đi, các thủy thủ cảm thấy như được sống lại, và họ tạ lễ trước các Ông. Sau sự cứu giúp kỳ diệu đó, các ngư dân đã đến lăng Tân để tạ ơn. Họ cũng thường xin Ông để tránh đau ốm, cầu mong cho mùa màng bội thu.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/o-noi-ong-luy-vao-lang-nhu-vang-vao-tu-a650730.html