Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài gần 100km nối liền hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Từ khi được đưa vào khai thác từ tháng 12/2022, tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông qua lại giữa các địa phương, đặc biệt giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A. Ảnh: N.Q.
Tuy nhiên, sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 3 mẹ con tử vong xảy ra vào ngày 18/2, cảnh lấn làn, vượt ẩu vẫn đang diễn ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (trong ảnh là dấu vết còn lại của vụ tai nạn xảy ra vào ngày 18/2 vừa qua). Ảnh: N.Q.
Anh Nguyễn Minh Phú (30 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tài xế xe tải) cho biết, anh thường xuyên di chuyển trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Trong nhiều lần đi lại trên tuyến đường này bản thân anh Phú cũng nhiều “thất hồn bạt vía” trước những tình huống nguy hiểm giao thông giữa các phương tiện. Ảnh: N.Q.
Theo anh Phú, trên cao tốc, tốc độ cao nhất là 80km/h, thấp nhất là 60km/h. Nên nhiều tài xế xe con đi sau những xe tải rất ức chế. Vì vậy, khi đến các đoạn được thiết kế 4 làn cho phép vượt thì những người này tìm cách vượt lên. Tuy nhiên, vì mỗi đoạn cho phép vượt này có chiều dài chỉ khoảng 1,5km sau đó nhập 2 làn gây khó khăn cho những tài xế lần đầu đi trên tuyến này. Ảnh: N.Q.
Tương tự, anh Lê Văn Hùng (46 tuổi, tú tại thành phố Huế) cho biết, tình trạng xe ô tô vượt nhau sai quy định trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian qua, việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ảnh: N.Q.
"Ở tuyến đường này, nhiều xe ô tô con, xe khách chạy phía sau các xe container, xe có trọng tải lớn thường chọn cách để vượt lên. Ngoài những vị trí được vượt theo quy định, thì nhiều tài xế đã chọn cách điều khiển xe sang làn ngược chiều tại những điểm không được phép vượt để vượt", anh Hùng nói. Ảnh: N.Q.
Tình trạng nhiều xe ô tô con, xe khách lấn làn, điều khiển xe sang làn ngược chiều (những điểm không được phép) để vượt lên. Ảnh: N.Q.
Bên cạnh đó, trên cao tốc không có dải phân cách cứng, nhiều đoạn chưa có sóng điện thoại, không có trạm dừng nghỉ, nên nếu gặp sự cố xảy ra rất khó xử lý. Ảnh: N.Q.
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Thời điểm đó, khả năng vốn đầu tư phân kỳ, đến cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất mở rộng hoàn chỉnh. Ảnh: N.Q.
“Vì phân kỳ đầu tư 2 làn xe, nên trên tuyến có mở rộng rải rác khoảng 27km và nhiều vị trí kẻ tim đường nét đứt để vượt xe, kèm theo là hệ thống biển báo và sơn dẫn hướng... để cảnh báo các phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến. Hiện bên Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo đề xuất mở rộng hoàn chỉnh”, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin. Ảnh: N.Q.
Ngoài ra, theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, hiện nay trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 9 đoạn đường 4 làn cho phép vượt xe, mỗi đoạn dài khoảng 1,5km. Cả 2 đầu của 9 đoạn này có vuốt nối (nút cổ chai) theo Quy chuẩn 41. Ngoài ra, các đoạn điều kiện cho phép kẻ nét đứt tim tuyến vẫn vượt xe được. Ảnh: N.Q.
Video: Xe ô tô lấn làn, vượt ẩu và những "nút cổ chai" trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. N.Q.
Nguyễn Quốc