OCOP Việt Nam truyền cảm hứng cho các nước châu Phi, châu Á
OCOP Việt Nam trở thành mô hình tiêu biểu, truyền cảm hứng phát triển nông nghiệp bền vững cho các nước châu Phi, châu Á trong bối cảnh toàn cầu nhiều thách thức.
Đoàn kết, sản xuất "bốn tốt" vì mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau
Chiều 15/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp đoàn các bộ trưởng, quan chức cấp cao phụ trách lĩnh vực nông nghiệp từ nhiều quốc gia châu Á, châu Phi đến dự Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp đoàn các bộ trưởng, quan chức cấp cao về nông nghiệp một số nước châu Phi, châu Á tham dự Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp của FAO và các đối tác quốc tế trong việc tổ chức diễn đàn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng và các thách thức lớn về an ninh lương thực.
Diễn đàn cần trở thành không gian chia sẻ kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại để cùng nhau nâng cao nhận thức và thống nhất hành động, khi mà hơn 800 triệu người vẫn đang sống trong đói nghèo, 2,8 tỷ người không đủ điều kiện để chi trả cho một chế độ ăn lành mạnh.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bảo đảm an ninh lương thực không thể tách rời chuỗi giá trị thực phẩm, dinh dưỡng. Cần có sự phân công, kết nối giữa các quốc gia nhằm phát huy lợi thế so sánh; đồng thời thiết lập các cơ chế điều tiết phù hợp trong thương mại tự do để bảo vệ người yếu thế, trẻ em và các nước đang phát triển.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thế giới đang đối mặt với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng và béo phì, đòi hỏi các quốc gia phải củng cố khả năng chống chịu trước các cú sốc như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế.
Phó Thủ tướng kêu gọi sự đoàn kết để cùng sản xuất lương thực "nhiều hơn, tốt hơn, chất lượng hơn", theo tiêu chuẩn "bốn tốt" mà FAO đề ra: Sản xuất tốt, dinh dưỡng tốt, môi trường tốt, đời sống tốt.
OCOP kết nối nông dân, tri thức và thị trường toàn cầu
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP của Việt Nam, mô hình phát triển sản phẩm địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện, cả nước có hơn 16.000 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 1 đến 4 sao. Mục tiêu sắp tới là tiêu chuẩn hóa, nâng tầm chất lượng để nhiều sản phẩm đạt 5 sao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Người nông dân vẫn là trung tâm nhưng cần được kết nối với doanh nghiệp, nhà khoa học để phát triển sản phẩm hàng hóa, ứng dụng công nghệ, canh tác hữu cơ và sinh thái", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nơi chính những cánh đồng lúa, làng xóm và văn hóa bản địa trở thành điểm đến.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, một trong những điểm nổi bật của Chương trình OCOP tại Việt Nam là luôn gắn với xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo, có sự hỗ trợ ngân sách nhà nước, nâng cao tri thức, hiện đại hóa nông thôn. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết, chương trình OCOP đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, phát triển thị trường và mang lại nhiều giá trị xã hội, đặc biệt trong trao quyền cho phụ nữ, thanh niên và người dân vùng sâu, vùng xa.
Bà Bechdol khẳng định, FAO sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam để mở rộng sáng kiến OCOP ra phạm vi toàn cầu, hướng đến một nền nông nghiệp đổi mới, nhân văn và bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi FAO đóng vai trò điều phối, kết nối giữa các quốc gia nhằm lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, có thể cạnh tranh, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy thương mại khu vực. Đồng thời đề xuất xây dựng một sáng kiến chung gắn với cam kết của lãnh đạo cấp cao, đặt người nông dân làm trung tâm thụ hưởng chính sách hợp tác quốc tế.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ với các quốc gia có điều kiện tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển sản phẩm OCOP và nền nông nghiệp bền vững; mong muốn FAO cùng các quốc gia đồng hành xây dựng một sáng kiến chung, gắn với cam kết của lãnh đạo cấp cao, để đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là nông dân được thụ hưởng thực chất từ hợp tác quốc tế trong nông nghiệp.
Phó Thủ tướng đã chia sẻ thông tin về chương trình trồng 1 triệu ha lúa phát thải thấp, giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, giảm phát thải CO₂ và tạo ra nguồn thu mới từ tín chỉ carbon, cũng như kinh nghiệm sản xuất các loại lúa gạo đặc sản để bảo đảm chất lượng cao, thu nhập tốt cho người nông dân. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng kêu gọi FAO và các nước tham dự Diễn đàn ký kết một thỏa thuận, cam kết chia sẻ thị trường, chuyển giao sản phẩm lương thực tốt nhất, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở hợp tác thực chất, lấy nông dân làm trung tâm.