Ôn thi cho học sinh cuối cấp theo Thông tư 29/2024: Không dừng lại...
Các trường THPT tại TPHCM vẫn tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh, dù cách thức thực hiện mỗi nơi khác nhau.
Vẫn duy trì ôn tập
Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025 (Thông tư 29), sẽ thay thế Thông tư 17 ban hành từ năm 2012. Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh.
Đồng thời, dạy thêm, học thêm chỉ dành cho các học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học, cụ thể là: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ I liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025 (Thông tư 29), sẽ thay thế Thông tư 17 ban hành từ năm 2012. Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Đồng thời, dạy thêm, học thêm chỉ dành cho các học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học, cụ thể là: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ I liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Những quy định trong Thông tư 29 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch ôn tập của học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 và học sinh THPT bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Dù vậy, lãnh đạo nhiều trường khẳng định vẫn duy trì việc ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh. Mỗi trường có cách thức triển khai khác nhau nhằm đảm bảo phù hợp với quy định và điều kiện thực tế.
Tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), thời điểm này học sinh khối 12 vẫn học tăng tiết những môn dự kiến sẽ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch từ đầu năm học. Do là trường tổ chức học 2 buổi/ngày, có thu học phí buổi 2 nên việc dạy tăng tiết được tính vào buổi 2.
Những năm trước, nhà trường tổ chức lớp ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 sau khi các em hoàn thành kỳ thi cuối học kỳ II và có thu học phí. Tuy nhiên, năm nay, thực hiện Thông tư 29, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường vẫn duy trì các lớp ôn tập cho học sinh khối 12 nhằm hỗ trợ các em chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng sẽ không thu học phí.
“Nhà trường đang triển khai nội dung Thông tư về dạy thêm cho các giáo viên trong trường, đồng thời có ngỏ ý về việc dạy thêm không thu tiền. Thay vào đó, đơn vị căn cứ vào quy định chi thu nhập tăng thêm hằng quý (theo Nghị quyết 08 của HĐND TPHCM) để tính ngày công cho giáo viên. Hầu hết thầy, cô giáo đồng tình với cách này. Nhà trường sẽ cho các thầy cô đăng ký dạy thêm và học sinh đăng ký học thêm. Trên cơ sở đăng ký, ban giám hiệu trường xếp lớp dạy thêm cho phù hợp”, cô Trúc cho hay.
Tương tự, Trường THCS Hồng Bàng (Quận 5) cũng chỉ mở lớp ôn thi vào lớp 10 sau khi học sinh lớp 9 hoàn thành thi cuối học kỳ II.
“Nhiều năm nay, trường không thu học phí với lớp ôn thi và năm nay cũng vậy. Nhà trường động viên giáo viên giảng dạy lớp ôn thi chứ không ép các thầy cô phải làm. Năm nay, chúng tôi sẽ vận dụng quy định chi thu nhập tăng thêm hằng quý và quy định khen thưởng theo Nghị định 73/2024 để lấy nguồn chi cho hoạt động này”, thầy Trần Văn Luyện - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng cho hay.
Mong sớm có hướng dẫn
Tại Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), do điểm đầu vào lớp 10 thấp, nhà trường đã nỗ lực không ngừng trong công tác giảng dạy để nâng cao tỷ lệ học sinh lớp 12 đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp. Trong đó, việc ôn tập trước kỳ thi đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nêu thực trạng, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa Huệ đồng thời thông tin, thực hiện Thông tư 29, nhà trường vẫn tổ chức ôn thi cho học sinh như mọi năm, dù không được thu học phí. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động này, nhà trường đang cân nhắc một số phương án như giảm mức thù lao cho giáo viên, vận động thầy cô hỗ trợ giảng dạy miễn phí hoặc kêu gọi sự đóng góp từ các phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt để tài trợ cho hoạt động ôn thi của học sinh.
“Những năm học trước, học sinh lớp 12 ngoài việc học ôn thi tại trường, vẫn có những giáo viên của trường sẵn sàng phụ đạo, ôn tập thêm cho học trò mà không thu phí, nhất là đối với giáo viên bộ môn Toán, Tiếng Anh. Dù vậy, nhà trường vẫn chờ Sở GD&ĐT TPHCM hướng dẫn thực hiện Thông tư 29”, cô Huệ cho hay.
Tại Trường THPT Trường Chinh (Quận 12), thầy Trịnh Duy Trọng - Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Nhà trường vẫn thực hiện kế hoạch ôn tập trước khi thi tốt nghiệp THPT. Thông tin chi tiết hơn để thực hiện kế hoạch ôn tập này, nhà trường phải đợi hướng dẫn từ Sở GD&ĐT TPHCM, để giúp học sinh vừa có kết quả thi tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp, nhưng trường vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 29”.
Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, Thông tư 29 quy định giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thầy cô có nhu cầu dạy thêm có thể đăng ký ở các trung tâm dạy thêm. Các trung tâm này phải đăng ký kinh doanh và được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động. Ngành Giáo dục sẽ tổ chức cổng thông tin công khai tất cả địa chỉ trung tâm dạy thêm được cấp phép hoạt động cũng như thông tin về giáo viên, mức học phí, các môn dạy thêm, thời lượng giảng dạy…
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ phối hợp với UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm để các cá nhân, tổ chức thực hiện đúng quy định.
Nhiều năm nay, Trường THCS Cát Lái (TP Thủ Đức) không thu tiền ôn thi vào lớp 10. Kinh phí do nhà trường cân đối trả cho giáo viên, chi phí mỗi tiết ôn tập khá thấp chỉ vài chục nghìn đồng. “Trường có 3 lớp 9, trong tháng 5, trường tận dụng thời gian để ôn 3 môn thi tuyển. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải dạy ôn để đảm bảo số tiết nghĩa vụ theo quy định nên khoản kinh phí chi cho hoạt động này không nhiều”, cô Hiệu trưởng Lê Thị Thảo nói.