Ông Biden tuyên bố chính sách ngoại giao mới, từ bỏ những 'cuộc chiến không ngừng'
Sau hai thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ đã sẵn sàng cho một chương mới, tập trung vào ngoại giao chuyên sâu và chỉ chuyển sang sử dụng vũ lực như một phương án cuối cùng, Tổng thống Joe Biden cho biết.
Cùng với bài phát biểu ngày 16/8 sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Tổng thống Biden bày tỏ sự chán ghét việc sử dụng vũ khí quân sự để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ, thu hẹp hơn nữa các điều kiện sử dụng vũ lực cho các nhiệm vụ.
Trong bài phát biểu dài 33 phút của mình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Biden không nhắc tên Trung Quốc một lần nào, trái ngược với người tiền nhiệm Donald Trump, người đã đề cập đến "Trung Quốc" 12 lần vào năm 2020 và 14 lần vào năm 2019. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ nói rõ rằng ông không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới với Bắc Kinh.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 21 tháng 9, đã cam kết sẽ làm việc với các tổ chức đa quốc gia để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters
"Tất cả các cường quốc trên thế giới, theo quan điểm của tôi, phải quản lý cẩn thận các mối quan hệ của họ để chúng ta không chuyển từ cạnh tranh có trách nhiệm sang xung đột", ông Biden nói.
"Mỹ sẽ cạnh tranh và sẽ cạnh tranh mạnh mẽ, dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ủng hộ các đồng minh và bạn bè của chúng tôi, đồng thời phản đối các nỗ lực của các nước mạnh hơn nhằm thống trị các nước yếu hơn, cho dù thông qua việc thay đổi lãnh thổ bằng vũ lực, ép buộc kinh tế, khai thác chiến thuật hay thông tin sai lệch", ông khẳng định.
Mỹ "không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới hoặc một thế giới bị chia cắt thành các khối cứng nhắc", ông nhấn mạnh. "Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình đối với những thách thức được chia sẻ ngay cả khi chúng ta có những bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác. Bởi vì tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả của sự thất bại nếu chúng ta không cùng nhau giải quyết các mối đe dọa khẩn cấp như COVID-19 và biến đổi khí hậu, hoặc các mối đe dọa lâu dài như phổ biến vũ khí hạt nhân".
Các nhà ngoại giao lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 21 tháng 9. Phái đoàn Israel vắng mặt. Ảnh: Reuters
Tổng thống Biden tuyên bố mở ra một giai đoạn mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ. "Chúng tôi đã kết thúc 20 năm xung đột ở Afghanistan. Và khi chúng tôi khép lại thời kỳ chiến tranh không ngừng này, chúng tôi đang mở ra một kỷ nguyên mới của ngoại giao liên tục, sử dụng sức mạnh của viện trợ phát triển của mình để đầu tư vào những cách thức mới để nâng cao con người trên toàn thế giới".
Các nhà ngoại giao trong buổi họp đang cố gắng đánh giá xem "Học thuyết Biden" là gì. Dù kêu gọi xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng Pháp đã triệu hồi đại sứ của họ từ Washington sau thỏa thuận AUKUS gần đây về việc ký kết hợp đồng tàu ngầm của Úc.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm thứ Ba (21/9) đã đứng về phía Pháp trong vấn đề này, phá vỡ nhiều ngày im lặng và nói với các phóng viên: "Tôi có thể hiểu sự tức giận của những người bạn Pháp của chúng tôi".
Do đó, tuyên bố của Biden về việc xây dựng lại các liên minh trong bài phát biểu của Liên Hợp Quốc đã bị đặt dấu hỏi.
“Trong tám tháng qua, tôi đã ưu tiên xây dựng lại các liên minh của chúng ta, làm sống lại các mối quan hệ đối tác của chúng ta và công nhận chúng rất là trọng tâm đối với an ninh và thịnh vượng lâu dài của Mỹ”, ông Biden không đề cập chút nào về sự thất vọng gần đây trong ngoại giao với Pháp.
Và trong khi đặt Ấn Độ-Thái Bình Dương vào trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, tổng thống Biden đã đề cập đến khu vực này chỉ một lần trong bài phát biểu của mình và không có động thái mới nào.
Hoàng Long (theo Nikkei)