Ðồng hành cùng doanh nghiệp 'vượt bão'

Ngành Ngân hàng Phú Yên sẵn sàng cung ứng vốn giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh - Ảnh: LÊ HẢO

Năm qua, cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình để cầm cự, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp từng bước “vượt bão”.

GIẢM LÃI SUẤT, CƠ CẤU LẠI NỢ

Cuối năm 2021, Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung (huyện Sơn Hòa) đón nhận tin vui khi bộ sản phẩm bò một nắng ăn liền dạng miếng và dạng sợi của doanh nghiệp này được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Không những vậy, trong thời điểm cuối năm, khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở các địa phương, sản phẩm mang thương hiệu Hà Trung vẫn được tiêu thụ ổn định ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Trở về từ Hội chợ xúc tiến thương mại, nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2021, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung cho biết: Doanh nghiệp mới chạy đà trở lại từ tháng 10/2021, khi các địa phương bắt đầu thực hiện “bình thường mới” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Từ đó đến nay, doanh nghiệp sản xuất bình quân 10 tấn sản phẩm/tháng và đều bán hết. Mặc dù con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát nhưng trong trạng thái “bình thường mới”, công ty vẫn bán được hàng, nhân viên có việc làm thì đã là một thành công.

Cũng theo bà Hà, những tháng đầu năm, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch, rồi Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung gần như “ở không”, nhưng không “nằm không”. “Khi phải tạm ngưng sản xuất, chúng tôi đầu tư sửa sang lại cơ sở, mở rộng kho lạnh, xưởng chế biến, xây dựng văn phòng giao dịch khang trang để sẵn sàng khởi động lại sau dịch. Doanh nghiệp làm được điều này, một phần nhờ vốn vay giá rẻ với lãi suất chỉ tầm 6,8-7%/năm từ ngân hàng”, bà Hà nói.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách nên khi dịch COVID-19 bùng phát, Hãng taxi Lado Phú Yên (Công ty TNHH Tisa Phú Yên) rơi vào khó khăn, phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài. “Không chỉ “đóng băng” hoàn toàn trong 3 tháng tỉnh thực hiện giãn cách xã hội (từ tháng 6-9/2021), mà ngay cả trước đó 2 tháng, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp cũng gần như tạm ngưng hoạt động vì người dân ngại đi taxi”, ông Trần Lưu Văn, Giám đốc Công ty TNHH Tisa Phú Yên cho biết.

Ðóng gói sản phẩm bò khô dạng miếng tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung - Ảnh: HUỲNH BI

Theo ông Văn, trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, doanh thu bằng 0 thì các tổ chức tín dụng đã đồng hành, hỗ trợ đơn vị. Ngân hàng hiểu rõ dòng tiền của doanh nghiệp đến từ hoạt động kinh doanh, khi doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, dòng tiền cũng ngắt quãng nên đã đồng ý ngồi lại, bàn giải pháp tháo gỡ. Khi đó, hầu hết món vay của Công ty TNHH Tisa Phú Yên ở các ngân hàng đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ; một số món thì được giảm lãi suất.

TUNG VỐN GIÁ RẺ

Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng và nghiêm túc áp dụng các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cho vay mới với lãi suất ưu đãi để khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên còn yêu cầu các ngân hàng chủ động tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ... cho khách hàng”, ông Ðặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết.

Tính đến cuối năm 2021, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 622 khách hàng với dư nợ khoảng 886 tỉ đồng; miễn, giảm lãi trên dư nợ 229 tỉ đồng cho 106 khách hàng với số tiền lãi đã miễn giảm là 2,1 tỉ đồng. Ðồng thời cho vay mới với lãi suất ưu đãi doanh số 25.646 tỉ đồng…

Không chỉ kịp thời hỗ trợ khách hàng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mà khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh còn tung ra nhiều gói vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc HDBank Phú Yên cho biết: Hiện HDBank triển khai rất nhiều gói sản phẩm ưu đãi dành cho nhiều phân khúc khách hàng từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đầu tư vốn mua sắm máy móc thiết bị để phục hồi và mở rộng sản xuất đến khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, với lãi suất chỉ từ 5-7%/năm. Bên cạnh đó, HDBank còn nâng hạn mức cho vay để khách hàng có nguồn vốn ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Còn theo ông Hoàng Quốc Dũng, Giám đốc ACB Phú Yên, hiện ngân hàng này đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp, với lãi suất từ 5%/năm. Bên cạnh đó, ACB còn miễn phí giao dịch thực hiện qua kênh online, giảm 50% phí giao dịch tại quầy, thực hiện đến hết năm 2022, nhằm hỗ trợ khách hàng giảm thiểu chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Dự báo trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Do đó, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển”, ông Ðặng Hồng Lĩnh khẳng định.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/270427/%C3%B0ong-hanh-cung-doanh-nghiep--vuot-bao.html