Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả: Người thích đi 'ngược dốc'
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Hồ Minh Hoàng đã đưa Đèo Cả từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ trở thành 'quả đấm thép' của ngành giao thông, được tin tưởng giao những việc lớn, việc khó.
Khát vọng Việt Nam
Sau tiếng mìn nổ vang rền khai mở cửa phía Tây hầm số 2, đánh dấu việc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chính thức được triển khai trên thực địa vào ngày đầu tiên của năm 2024, ông Hồ Minh Hoàng lặng người trong giây lát, không giấu được sự xúc động xen lẫn cảm giác tự hào.
Đã gắn bó với các dự án hạ tầng giao thông gần 40 năm, từng đảm nhận và thực hiện thành công nhiều công trình lớn trên vai trò nhà thầu và nhà đầu tư, nhưng với ông Hoàng cũng như nhiều cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả, việc nghiên cứu, đầu tư tuyến cao tốc miền biên viễn này vẫn được coi là “một trận đánh lớn, kéo dài và khó khăn nhất”.
Còn tới 3 năm thi công vất vả với nhiều khó khăn, thử thách để có thể đưa công trình đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào khai thác, nhưng đối với một nhà đầu tư tư nhân như Đèo Cả, hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư cũng coi như đã vượt được chặng “Tourmalet” (chặng leo đèo gian nan nhất cuộc đua xe đạp lừng danh Tour de France ở Pháp).
Yêu cầu của “chặng đua” khắc nghiệt này là phải lên được phương án tài chính hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người tham gia giao thông, nhưng phải đủ sức thuyết phục các cổ đông, đối tác và ngân hàng bỏ vốn đầu tư. Đây thực sự là một bài toán khó đối với ông Hoàng và ban lãnh đạo Tập đoàn Đèo cả, bởi tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh có địa chất rất phức tạp, điều kiện thi công khó khăn, lưu lượng xe rất thấp.
Ông Hoàng chia sẻ, “mối lương duyên” của Đèo Cả với Cao Bằng khởi đầu từ mùa thu năm 2018. Trước đó, nghiên cứu tiền khả thi do Bộ Giao thông - Vận tải lập đã chỉ ra 3 khó khăn lớn của Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đó là: lưu lượng xe thấp dẫn đến việc hoàn vốn khó khăn; suất đầu tư cao dẫn đến việc huy động vốn không đơn giản; địa hình phức tạp dẫn đến việc thi công gặp nhiều rủi ro. Đây là lý do khiến Dự án nằm im trên giấy trong 1 thời gian khá dài.
Nhưng với Cao Bằng, “chìa khóa” để có thể sớm phát triển kinh tế - xã hội chính là xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để kết nối tỉnh với cả nước và thế giới.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi trong điều hành doanh nghiệp.
- Doanh nhân Hồ Minh Hoàng
Khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Lại Xuân Môn (hiện là Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) đã trực tiếp xuống Hà Nội mời lãnh đạo và đội ngũ kỹ sư của Đèo Cả lên Cao Bằng khảo sát lại Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Chính ông Môn cũng khẳng định rằng: “Nếu lên Cao Bằng để làm kinh tế, thì chắc chắn Đèo Cả không lên. Anh Hoàng và Đèo Cả lên vì một lý do khác”.
Nhớ lại khoảng thời gian này, ông Hoàng kể, chiều 27/9/2018, sau 6 giờ đồng hồ di chuyển 300 km từ Hà Nội lên Cao Bằng, làm việc với lãnh đạo tỉnh và dự lễ dâng hương anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pắc Bó, trong ông có một sự thôi thúc rất lớn. Ông muốn làm điều gì đó để tri ân vùng đất cách mạng, phên dậu của Tổ quốc và thấy rằng, không gì thiết thực hơn là phải sớm xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Trước khó khăn chất chồng, để truyền ngọn lửa chinh phục cho cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn và cho chính mình, quyết tâm triển khai thực hiện Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ông Hoàng đã sáng tác bài hát “Khát vọng Việt Nam”.
“Chúng tôi xem dự án này là thao trường để triển khai công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; là nơi doanh nghiêp Việt ứng dụng những công nghệ và phương thức quản trị mới, qua đó nâng cao năng lực, kinh nghiệm thực chiến cho đội ngũ nhân sự”, ông Hoàng nói.
Vượt vũ môn
Những người gắn bó với ngành giao thông ví ông Hồ Minh Hoàng như “Ethan Hunt” (nhân vật chính trong chuỗi bộ phim “Nhiệm vụ bất khả thi” nổi tiếng) của ngành, bởi ông chuyên nhận và giải quyết những việc khó, ít người dám nhận, dám làm, thậm chí đã bỏ cuộc.
Đèo Cả khẳng định được năng lực sau khi thực hiện thành công Dự án Hầm đường bộ đèo Cả. Đây là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công, các yêu cầu về mặt kỹ thuật rất phức tạp.
Khi đề xuất dự án này với Bộ GTVT, ông Hồ Minh Hoàng chỉ mới hơn 30 tuổi và Đèo Cả còn là doanh nghiệp rất non trẻ. Trong quá trình đề xuất và đầu tư thực hiện Dự án, nhận thấy khó khăn, các nhà đầu tư trong liên danh lần lượt rời đi, chỉ còn Đèo Cả đứng ra thực hiện.
Việc hoàn thành Dự án Hầm đường bộ đèo Cả vào năm 2017 không chỉ khẳng định khát vọng, bản lĩnh và trí tuệ của người Việt, mà còn xác lập vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông của Tập đoàn Đèo Cả.
Từ đây, các cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu tin tưởng giao Đèo Cả đảm nhận những dự án đặc biệt khó khăn, thậm chí là những công trình đã “bất động” trong thời gian dài, như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Sau này, có dịp trò chuyện với ông Hoàng, chúng tôi đem những thắc mắc bấy lâu ra để hỏi: “Tại sao lúc đó, Tập đoàn Đèo Cả chủ động tham gia ‘giải cứu’ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sao không chờ tham gia các dự án mới, mà lại nhận dự án đã bị nhà đầu tư cũ buông bỏ?”.
“Nếu việc dễ, thì sẽ không đến lượt mình... Đèo Cả chọn những việc khó, dự án khó để thể hiện năng lực, uy tín và trách nhiệm với đất nước”, ông Hoàng đáp.
Ông kể, khi còn là sinh viên đại học, tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn giao thông tang thương trên đèo Cả, ông đã mong muốn có thể làm được hầm đường bộ để mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Tầm nhìn, ý chí quyết tâm mãnh liệt “lấy ước mơ làm dũng khí” của người đứng đầu đã được truyền cho tập thể cán bộ, kỹ sư, nhân viên trong toàn Tập đoàn. Hầm đường bộ đèo Cả được hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ giải quyết vấn đề an toàn giao thông, mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và đất nước.
Tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng về đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý về mặt chủ trương triển khai xây dựng Dự án này theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
“Tôi tin anh Hoàng (ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - PV) làm được, bởi vì qua theo dõi, thấy Công ty làm nghiêm túc, ít nói nhưng làm được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Từ suy nghĩ có cơ sở, có căn cứ khoa học, được cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp tham vấn ý kiến của nhiều cố vấn, chuyên gia, nhà khoa học, ông Hoàng cùng tập thể Đèo Cả đã mạnh dạn dám làm những dự án khó; dám phản biện những bất cập của cơ chế, chính sách…
Nối tiếp tinh thần dám nghĩ, dám làm là tinh thần dám chịu trách nhiệm, đã được ông Hồ Minh Hoàng gây dựng thành công tại Tập đoàn Đèo Cả. Ở vai trò nhà đầu tư hay nhà thầu thi công, Đèo Cả luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với Nhà nước, cổ đông, người dân, đối tác trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tinh thần đó chính là lực đẩy để Tập đoàn Đèo Cả luôn tự làm mới và hoàn thiện bản thân, quyết tâm “vượt vũ môn”, vượt ra khỏi “vòng an toàn”.
Những ngày cuối năm 2023, Đèo Cả trúng thầu quốc tế công trình hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, cụ thể hóa chiến lược phát triển đường sắt khi liên danh với đối tác Hàn Quốc đấu thầu dự án có nguồn vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn áp dụng công nghệ BIM vào đầu tư thi công, thành lập viện đào tạo để chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ hàng đầu thế giới về Việt Nam…
“Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi trong hoạt động điều hành doanh nghiệp. Chính nhờ tinh thần đó, mà Tập đoàn Đèo Cả, xuất phát từ một hợp tác xã nhỏ ở tỉnh Phú Yên, đã dám mạnh dạn đề xuất thực hiện Dự án Hầm đường bộ đèo Cả, rồi tiếp tục tháo gỡ nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông để xây dựng nên Tập đoàn Đèo Cả như ngày hôm nay”, ông Hồ Minh Hoàng đúc rút.