Ông Hồ Nghinh

Tôi đến Đà Nẵng lần nào cũng ghé thăm chị Xuân Ba, chị học cùng Kishinew, Moldova với tôi nhưng trước tôi nhiều năm. Thời sinh viên, chúng tôi không biết nhau nhưng khi hội cựu sinh viên Kishinew ra đời thì chúng tôi thân thiết như chị em ruột thịt vì hội của chúng tôi là những người tràn đầy ân nghĩa mà không hội nào có được.

Đặc biệt chị Xuân Ba rất thương tôi vì chị là người phụ nữ có trái tim nhân ái và một tấm lòng luôn tràn đầy yêu thương, sự cảm thông. Bên chị, tôi lúc nào cũng như đứa em nhỏ bé được yêu thương và chở che. Sức khỏe chị không được tốt nhưng chị là tấm gương về ý chí cố gắng, rèn luyện thể dục thể thao và kiên cường chống lại bệnh tật để sống lạc quan với cuộc đời.

Ông Hồ Nghinh. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày nghe tin anh Hồ Việt, nguyên Chủ tịch Thành Phố Đã Nẵng qua đời vì tai nạn giao thông, tôi boàng hoàng vì lo cho chị Xuân Ba, chị sẽ chịu đựng nỗi đau mất chồng thế nào đây khi mà bản thân chị đang bị bệnh. Tôi đến thắp hương cho anh muộn hơn những người khác, muốn nán lại khoảng thời gian khi chị đã bình tâm hơn một chút để lắng nghe chị kể những hồi ức về anh, một người lãnh đạo tài năng, hết lòng lo cho dân và một người chồng thủy chung, một người cha mẫu mực.

Đường phố mang tên Hồ Nghinh. Ảnh do tác giả cung cấp.

Khi ông Hồ Việt làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, mỗi năm trung ương cấp ngân sách cho 30 tỷ. Có một phóng viên đã làm phép so sánh và cho rằng ngân sách Đà Nẵng không bằng ngân sách công ty Môi Trường Tp Hải Phòng. Tiếng là thành phố nhưng sau giải phóng Đà Nẵng quá nghèo, thiếu cơ sở vật chất, đường xá trường học, lương cho cán bộ công nhân viên chức vv. Ông Hồ Việt đã làm tất cả để Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Tháng 10/1996, bộ chính trị ra quyết định công nhận Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương. Từ đây, nhiều cơ hội đã mở ra, Đà Nẵng từ một thành phố nghèo nàn, lạc hậu, điêu tàn sau chiến tranh đã trở thành 1 trong 4 thành phố lớn nhất Việt Nam, là trung tâm kinh tế của khu vực Miền Trung, là một trong những thành phố du lịch hấp dẫn nhất trong cả nước và rất nhiều người cho rằng Đà Nẵng là nơi đáng sống nhất ở Việt Nam. Đi từ nghèo khó đến giàu sang là một con đường đầy gian truân, ông Hồ Việt đã giúp người dân Đà Nẵng làm được điều đó. Nhân cách, trí tuệ, tấm lòng vì dân của ông đã được nhân dân muôn đời ghi nhận.

Hồ Việt con trai ông Hồ Nghinh. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tôi thắp hương cho ông, sau làn khói hương mờ ảo thấp thoáng phía trên hình ảnh ông Hồ Việt là bóng dáng ông Hồ Nghinh, bố ông.

Ông Hồ Nghinh, còn có tên là Hồ Hữu Phước , sinh ngày 15/2/1913 trong một nhà nho thanh bạch có truyền thống hiếu học và yêu nước tại làng Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông Nội của ông từng theo vua Hàm Nghi tham gia chống Pháp.

Ông Hồ Nghinh sớm tham gia Cách mạng, bị bắt và tù đày nhưng ông không nản chí, luôn tìm tòi nghiên cứu học hỏi nên ông có kiến thức rất uyên thâm. Ông giỏi nhiều ngoại ngữ như Anh, Trung Quốc, Pháp. Là một người tài giỏi và có lòng yêu nước nồng nàn, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như bí thư huyện ủy, Chủ nhiệm mặt trận Liên Việt Tỉnh.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Từ năm 1959 đến năm 1975 , ông là bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, bí thư đặc khu ủy Quảng Đà. Đó là những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ông đã luôn là người lãnh đạo tiên phong, anh dũng trên mọi tuyến đầu. Chưa bao giờ được phong cấp tướng nhưng ông trong những năm trước giải phóng , báo chí xuất bản ở Sài Gòn đã gọi ông là :”Thiếu tướng Việt Cộng Hồ Nghinh, người chỉ huy quân đội Cộng Sản cao cấp nhất tại tỉnh Quảng Nam”. Một vị tướng không có quân hàm nhưng đã để lại trong lòng dân hình ảnh một người lãnh đạo xuất sắc, một bậc thầy uyên thâm về quân sự và một người cha, người anh hết lòng vì dân vì nước. Tháng 10/1975 Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam được sát nhập thành tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, ông làm bí thư tỉnh ủy. Vô vàn khó khăn chồng chất sau chiến tranh, thiếu lương thực, thiếu công ăn việc làm, lòng người lo lắng, ông đã phải căng mình giải quyết mọi vấn đề từng bước một cách ổn thỏa, cả vấn đề có những người muốn bỏ nước ra đi. Trong chủ trương “Cải tạo tư sản”, ông Hồ Nghinh đã linh hoạt xử lý, động viên các hộ tham gia xây dựng xã hội mới, nhờ vậy Đà Nẵng về cơ bản giữ được lực lượng kinh tế tư nhân. Điều mà mấy chục năm sau, chính phủ mới cho rằng đó là lực lượng quan trọng trong viêc tạo dựng nền kinh tế cho đất nước. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng dần dần phát triển tốt, người dân yên tâm vì luôn có lãnh đạo chăm lo cho họ như chăm lo cho chính gia đình mình.

Nhờ kiến thức rộng lớn đông , tây, kim, cổ nên ông hiểu nhiều giá trị tinh thần của nhân dân qua từng thời kỳ lịch sử. Chúng ta có được thành phố Hội An, một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Việt Nam là nguồn thu ngân sách chính hàng năm một phần rất lớn là nhờ ông Hồ Nghinh. Trước đây, khi chính quyền Hội An đang chuẩn bị đập phá thành phố cổ để xây dựng thành phố mới “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ông Hồ Nghinh đã đến gặp trực tiếp ban lãnh đạo, dùng kiến thức rộng lớn, lý lẽ thuyết phục và tấm lòng chân thành để khuyên họ dừng lại, giữ lại một di tích lịch sử vô giá của dân tộc. May sao lãnh đạo Hội An là những người cầu tiến, họ lắng nghe và tiếp thu ý kiến của ông nên chúng ta mới có một Hội An nguyên sơ những nét cổ kính như bây giờ.

Từ năm 1982, ông trở thành phó trưởng ban kinh tế Trung Ương. Ông đã có nhiều sáng tạo, nghiên cứu học hỏi mô hình kinh tế của các nước, ứng dụng những cải cách như của Hải Phòng, tư vấn cho chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý giúp cho nền kinh tế nước nhà từng bước gỡ bỏ những rào cản quan liêu, trì trệ, ứng dụng những quan điểm mới để dần dần hình thành nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay.

Năm 2003, Nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Hồ Nghinh, một chiến sỹ, một con người”. Cuốn sách gần 600 trang , gồm những bài viết của nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà báo, chiến sỹ, cán bộ từng hoạt động và “vào sinh ra tử” cùng ông. Những trang viết thấm đẫm lòng quý trọng, ngưỡng mộ của mọi người dành cho ông.

Tôi ấn tượng mãi với câu chuyện của ông đối với Lê Phước Lý, một kẻ thù của Cách mạng, một kẻ chống cộng khét tiếng ở tỉnh Quảng Nam. Lần ấy, khi bị bắt, Với những tội ác đẫm máu đã gây ra, Lê Phước Lý biết chắc sẽ bị tử hình nên tỏ thái độ hung hăng, ngạo ngược. Ông Hồ Nghinh bình tĩnh ôn tồn vạch rõ cho Lý những tội ác "trời không dung , đất không tha" Lý đã gây ra. Ai cũng nghĩ ông Hồ Nghinh sẽ ra lệnh bắn Lý nhung thật bất ngờ, ông tha bổng cho Lý. Mọi người rất ngạc nhiên, ông nhẹ nhàng giải thích: “ Đúng là tội ác của Lý tày đình nhưng y đã già rồi. hãy rộng lượng cho y chết bằng cái chết già đang đến, cái chết không để lại vết hằn trong lòng con cháu y”.

Tấm lòng bao dung, độ lượng của ông dường như đã thấu trời xanh nên trong một chuyến công tác, ông đã được con chó vàng cứu sống khi nó đánh hơi thấy mùi lựu đạn nên kéo ông lại phía sau để bản thân nó tiến lên trước đạp vào mìn, mìn nổ, chó chết còn ông và đồng đội an toàn.

Ông Hồ Nghinh mất năm 2004 nhưng ông sống mãi trong lòng dân. Tài sản lớn nhất của ông là ông Hồ Việt, người con trai đã noi gương ông, tiếp nối truyền thống của gia tộc, trở thành một lãnh đạo xuất sắc của dân tộc. Anh Hồ Việt đã khéo chọn cho mình người vợ thông minh, giỏi giang, tràn đầy tình yêu thương. Chị Xuân Ba đã hết lòng chăm lo gia đình và tạo mọi điều kiện để anh Hồ Việt hoàn thành nhiệm vụ. Khi chúng tôi tổ chức du Xuân ở Đà Nẵng, anh Hồ Việt đã tới tham dự, gần gũi , chân tình như người anh đã thân thiết lâu năm. Về hưu rồi, nhiều người dân vẫn thấy anh cùng mọi người dọn rác trên bãi biển để biển sạch hơn, đẹp hơn, đón muôn du khách đến Đà Nẵng thưởng ngoạn.

Nhiều khi tôi vẫn ước, giá như cán bộ bây giờ đều hết lòng vì nhân dân , đất nước như bố con ông Hồ Nghinh và bao lãnh đạo trước đây thì chúng ta không có lý do gì không tin vào một đất nước Việt Nam “hóa Rồng” trong nay mai.

Hôm nay, ngày 15/2/2023, tròn 110 năm ngày sinh ông Hồ Nghinh, tôi viết mấy dòng này, như là một nén nhang tưởng nhớ đến ông và ông Hồ Việt. Nhân dân muôn đời ghi nhớ công ơn của những người lãnh đạo kiệt xuất như các ông.

Tp. HCM ngày 15/2/2023

N.T.C

Trái tim người lính

Nguyễn Thị Cúc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ong-ho-nghinh-a17690.html