Ðộng lực đường sắt
'Đường sắt cao tốc Bắc - Nam' là vấn đề được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm sau khi Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ dự án xây dựng để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Vì sao dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt và ngành giao thông vận tải phải mất tới 18 năm nghiên cứu đưa ra được phương án xây dựng khả thi?
Từ TP. Đồng Xoài, từ TP. Hồ Chí Minh tới nội ô Hà Nội đi máy bay mất bao lâu? Đồng Xoài - Sân bay Tân Sơn Nhất, khoảng 100km, xe phổ thông nhanh nhất hiện nay, vào thẳng sân bay, mất 2 giờ 30 phút. Các hãng hàng không yêu cầu khách hàng tới sân bay ít nhất trước 2 giờ máy bay cất cánh. Nếu làm thủ tục online, tối thiểu phải đến sân bay trước 60 phút với người rất thành thạo và ngày không quá đông người, thông thường cũng phải tối thiểu trước 90 phút cất cánh. Như vậy, xuất phát từ Đồng Xoài, phải mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ mới có thể vào được máy bay và chờ xuất phát.
Thời gian bay chặng Tân Sơn Nhất - Nội Bài thường được thông báo là 1 giờ 50 phút, nhưng sau khi hạ cánh, thủ tục xong ra khỏi nhà ga Nội Bài, mất khoảng 2 giờ 30 phút. Để vào nội ô Hà Nội, nhanh nhất là taxi cũng mất khoảng 30-45 phút nếu địa điểm và đường đi thuận lợi.
Như vậy, từ Đồng Xoài tới nội ô Hà Nội, tổng cộng khoảng 7 giờ 30 phút. Đó là đi - tới - đi - tới đều thuận lợi, di chuyển liên tục, không chậm trễ, chờ đợi… Như vậy, từ TP. Hồ Chí Minh tới nội ô Hà Nội, trừ đi khoảng thời gian di chuyển từ Đồng Xoài đến Tân Sơn Nhất cũng mất ít nhất 5 giờ.
Còn với đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến dài 1.541km, qua 20 tỉnh, thành phố, tốc độ 350km/h, từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh mất 5 giờ 30 phút. Với nhà ga ở giữa nội ô Hà Nội và nội ô TP. Hồ Chí Minh, thủ tục đơn giản hơn, đi đường sắt cao tốc mất thời gian nhiều hơn không đáng kể so với đi máy bay. Đặc biệt, với chặng ngắn, đi đường sắt cao tốc còn nhanh hơn đi máy bay nếu phải chờ đợi làm thủ tục ở sân bay… Dự kiến giá vé đường sắt cao tốc bằng 75% giá vé máy bay giá rẻ trong điều kiện bình thường.
Dự kiến toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ hoàn thành trong năm 2035, là đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới mà còn là bước tiến quan trọng, góp phần đưa kinh tế Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có nhiều ưu điểm vượt trội như thế, vì sao đến nay mới chính thức được trình lên Quốc hội cho ý kiến triển khai sau 18 năm Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu với nhiều lần đưa ra các phương án nhưng không khả thi?
Bởi đây là một dự án đắt đỏ, tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, chỉ vận chuyển hành khách và đòi hỏi phải có sự đồng bộ phát triển nhiều yếu tố khác, như kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật… Như nhà nông sắm một chiếc máy cày mới để làm ăn, biết là sẽ hiệu quả cao hơn, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác.
Và thời điểm này, đường sắt cao tốc Bắc - Nam được triển khai xây dựng phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước hiện nay. Đường sắt cao tốc sẽ là tiền đề, động lực để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164595/dong-luc-duong-sat