Ông Ngô Đức Viên – Doanh nhân Xứ Lạng góp công vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Trong một góc Cung Trần Triều của đền Cửa Tây có một ban thờ nhỏ thờ ông Ngô Đức Viên – người đã hưng công xây dựng đền từ năm 1924. Người dân thành phố thường gọi ngôi đền này là 'đền sếp Viên'. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ biết ông là người hưng công xây dựng đền, ít ai biết ông còn là người từng được trao tặng bằng có công với nước, góp phần tích cực vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Gia đình ông Ngô Đức Viên đón nhận Bằng có công với nước (8/1998)

Gia đình ông Ngô Đức Viên đón nhận Bằng có công với nước (8/1998)

Ông Ngô Đức Viên sinh năm 1881 tại xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn (nay thuộc phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ, ông được gia đình cho đi học chữ Nho và tiếng Pháp, được nuôi dưỡng trong bầu không khí yêu nước và hiếu học của dòng họ Ngô có tiếng ở Tam Sơn.

Năm 1906, ông lên miền biên viễn Lạng Sơn lập nghiệp. Với công việc thầu khoán cầu đường, ông được mọi người gọi là “sếp Lục lộ”. Theo bà Ngô Trinh Công, con gái của cụ sếp Viên (98 tuổi, trú tại khối I phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn), thời đó ông đã nhận thi công nhiều cây cầu và tuyến đường giao thông quan trọng của tỉnh Lạng Sơn. Tiêu biểu là cầu Sông Hóa, cầu Đồng Mỏ (Chi Lăng); cầu Lường (Hữu Lũng), cầu Bó Củng (Văn Lãng), cầu Pò Lọi (Lộc Bình)…

Do làm công trình nên gia đình ông có nhà cửa ở một số nơi trong tỉnh như: phố Ba Toa (nay thuộc đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn); thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng)… Năm 1924, ông đã phát tâm hưng công xây đền Ngũ Nhạc (nay là đền Cửa Tây) để thờ Trần Hưng Đạo - vị tướng tài năng nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII.

Theo văn bia ở đền Cửa Tây do chính ông Ngô Đức Viên soạn năm 1931, tổng cộng toàn bộ chi phí cho việc xây đền Ngũ Nhạc (Ngũ Nhạc linh từ) lúc đó hết 4.250 đồng, 7 hào, 8 xu, thì riêng ông đã góp 3.550 đồng, 1 hào, 8 xu - đứng đầu bảng công đức. Ngôi đền thờ Đức Thánh Trần ra đời đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của người dân Xứ Lạng – đặc biệt là những người gốc miền xuôi di cư lên đây vì thờ Đức Thánh Trần vốn là nét đặc trưng văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ.

Năm 1941, do nhiều nguyên nhân, đền Mẫu từ thôn Hợp Thiện gần đó cũng được chuyển về đền Ngũ Nhạc, xây ngay cạnh cung Trần Triều. Từ đó nơi này đã trở thành điểm di tích thờ vọng đức Thánh Trần Hưng Đạo và Mẫu Liễu Hạnh. Sau đó, ông Ngô Đức Viên được bầu làm "Tiên chỉ" ở phố Cửa Tây – một chức vị của người cao tuổi, đứng đầu ngôi thứ trong làng hoặc khu phố, thường được cắt cử làm chủ lễ trong các tục lệ, nghi lễ thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 như Tết Nguyên đán, tế thần, hội hè… Do đó, ông là người rất hiểu biết, thông thuộc phong tục tập quán, các quy trình hành lễ.

Năm 1942, khi Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) về khảo sát ở phố Cửa Tây, họ đã nhắc đến ông trong tài liệu “Xã chí Lạng Sơn” (phủ Cao Lộc): ”Trong làng có ông sếp Lục lộ nay được Cửu phẩm bách hộ, làm Tiên chỉ tên là Ngô Đức Viên ở phố Tây Môn tỉnh Lạng Sơn là người có thể trả lời các câu hỏi của hội phong tục được”… Thời kỳ đó, hội đền Cửa Tây do ông làm chủ lễ rất đông vui, bên cạnh nét văn hóa bản địa vùng cao Xứ Lạng còn có một số trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ và đất Tam Sơn quê ông như hát quan họ, hát chèo, hát ca trù, trò đập niêu đất…

Ngôi đền cổ này đã được xếp hạng Quốc gia từ năm 2013, đến nay vừa tròn 100 năm tuổi. Đây là một trong những di tích thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần nổi tiếng của Lạng Sơn, xa gần nhiều người biết tiếng đến tham quan, lễ bái.

Không chỉ là người hưng công xây đền Cửa Tây, tạo nên một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa cho Xứ Lạng, ông Ngô Đức Viên còn là người có nhiều đóng góp tích cực đối với cách mạng. Với tấm lòng hướng thiện, luôn giúp ích cho đời, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, gia đình ông đã rộng lòng nuôi dưỡng, bảo vệ các đồng chí cán bộ hoạt động bí mật. Theo bà Ngô Trinh Công, khoảng năm 1944-1945, khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng (nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và đồng chí Lê Hoàng (sau là Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên 1947 -1948; Bí thư tỉnh ủy Bắc Thái 1965-1972) về hoạt động bí mật ở Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), ông sếp Viên cùng gia đình đã che chở, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đồng chí đó.

Ông Ngô Gia Tuyên, cháu nội của ông Ngô Đức Viên (trú tại ngõ 123, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố) kể lại cầu chuyện mình đã được nghe: Có lần lính Pháp đi càn, ông Ngô Đức Viên đã mở cổng sau cho cán bộ rút an toàn. Nhà ông Ngô Đức Viên ở Đồng Mỏ cũng là nơi các cán bộ cách mạng cất giấu tài liệu để chuyển ra chiến khu, đến các cơ sở cách mạng của ta ở Bắc Sơn, Bình Gia…Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ, che chở đồng chí Bế Chấn Hưng – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khi về hoạt động ở đây. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám diễn ra, khi các đồng chí đoàn viên trong Hội Thanh niên Cứu quốc bị bọn Phục quốc khủng bố, bắt bớ chạy về Đồng Mỏ, họ đã được ông sếp Viên che chở và bảo vệ, từ đó trở về chiến khu Bắc Sơn an toàn.

Bà Ngô Trinh Công cho biết thêm, vào năm 1945, nạn đói hoành hành, người dân Lạng Sơn lâm vào cảnh đói khổ, là người có điều kiện về kinh tế, ông Ngô Đức Viên đã thường xuyên cứu tế, mỗi ngày cho người nhà nấu cháo một lần phát chẩn để cứu đói đồng bào. Do bị mật thám báo ông giúp đỡ cộng sản, bọn Pháp đã cho tay sai phản động phá nhà ông ở Ba Toa và ở Đồng Mỏ. Năm 1946, tri ân người có công giúp đỡ cách mạng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Lạng Sơn là Trần Minh Tước đã trợ cấp cho gia đình ông Ngô Đức Viên 1.000 đồng.

Khoảng năm 1968 - 1969, ông Nguyễn Lương Bằng trở về Đồng Mỏ tìm ân nhân cũ nhưng ông Ngô Đức Viên đã mất từ năm 1947, hưởng thọ 67 tuổi. Mỗi khi có dịp lên công tác tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Lương Bằng đều tới thăm hỏi con cháu của cụ Ngô Đức Viên ở thị xã.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, con cháu của cụ Ngô Đức Viên đều tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bà Ngô Trinh Công (sinh năm 1927) từng tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc sau Cách mạng tháng Tám hoạt động cùng các ông Trần Minh Tước (nguyên Chủ tịch ủy ban Hành chính tỉnh), Hà Văn Thư (chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh Lạng Sơn), Lê Huyền Trang và Phan Minh Tuệ - nguyên ủy viên Ban chấp hành UBND lâm thời tỉnh Lạng Sơn. Các con trai: Ngô Gia Lễ (sinh năm 1929), Ngô Đức Thư tham gia Vệ Quốc quân, là chiến sĩ Trung đoàn 174 đánh Pháp trên mặt trận đường 4; ông Ngô Đức Chuyện là chiến sĩ Điện Biên, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: chiến dịch Biên giới, chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Điện Biên Phủ…; được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều Huân chương, huy chương cao quý.

Với những đóng góp cho quê hương đất nước, ngày 15/7/1998, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký tặng Bằng có công với nước cho gia đình ông Ngô Đức Viên theo quyết định số 604/Ttg vì “Đã nêu cao tinh thần yêu nước tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào Cách mạng tháng Tám”. Ngày 28/8/1998, tại trụ sở Thị ủy Lạng Sơn, con cháu ông Ngô Đức Viên đã vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý của Chính phủ trao tặng. Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước được tự do độc lập có một phần đóng góp quan trọng của những người như doanh nhân Ngô Đức Viên.

Chu Quế Ngân - Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ong-ngo-duc-vien-doanh-nhan-xu-lang-gop-cong-vao-cach-mang-thang-tam-nam-1945-5019549.html