Ông Nguyễn Đắc Vinh: Sẽ tổ chức phiên giải trình về thuốc giả, thực phẩm giả
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã thảo luận với một số cơ quan của Quốc hội và thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức phiên giải trình về thuốc giả, thực phẩm giả.
Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 3 tháng qua, các ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý hàng kém chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Nhấn mạnh việc quản lý chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 3 tháng qua, các ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý hàng kém chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, tập trung vào hai lĩnh vực: thực phẩm ăn uống hằng ngày và thuốc chữa bệnh; yêu cầu từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cùng với đó cung ứng hàng hóa đảm bảo trên thị trường để người dân tin tưởng khi mua sắm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về vấn đề liên quan hàng giả, hàng kém chất lượng, Thường trực Ủy ban đã thảo luận với một số cơ quan của Quốc hội và thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức phiên giải trình.
Theo đó, trong tháng 7, đầu tháng 8 sẽ nhận báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đi khảo sát thực tế. Trong tháng 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức phiên giải trình liên quan 2 nhóm chính là thuốc giả, thực phẩm giả.
Liên quan đến kỳ thi vào THPT và thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đây là hai vấn đề rất lớn. Trong đó, với kỳ thi vào THPT sẽ phải bàn, thảo luận rất kỹ vấn đề phân luồng học sinh, tổ chức cấp THPT thế nào.
Đồng thời, trong bước bàn chính sách sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề. Nếu xử lý được từ chính sách này thì áp lực thi vào THPT giảm đi.
Về thi tốt nghiệp THPT, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo về vấn đề này. Dư luận phản ánh nhiều về đề thi một số môn học có độ khó rất cao so với năm trước. Đây là lần đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vận hành với nhiều bộ sách giáo khoa song song. Vì vậy, đề thi có hướng thực tiễn hơn và có phần ngoài chương trình nhiều.
"Đây là vấn đề rất mới nên cũng có thể ảnh hưởng. Sự thích nghi của học sinh với cách thi, phương pháp thi mới cũng là một vấn đề. Vấn đề có tính chuyên môn cao, nên Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo. Cùng với đó, sẽ tham vấn các chuyên gia giáo dục phổ thông, các chuyên gia có hiểu biết sâu về ra đề thi. Chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể", theo ông Nguyễn Đắc Vinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội cho rằng, quan điểm chung thấy cần các đề thi phải theo hướng có tính phân loại cao và hướng về chất lượng, để tránh việc không phân loại được học sinh rồi cứ xếp bằng nhau. Sau đó, các trường đại học không tách ra, không phân loại được, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học, bậc học sau phổ thông. Cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh
Về nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị, xác định rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay, trong giới khoa học, ngôn ngữ giao tiếp tại hội thảo, hội nghị, nghiên cứu chủ yếu là tiếng Anh. Trong hội nhập quốc tế, từ kinh doanh, du lịch, giao tiếp rất đề cao ngôn ngữ tiếng Anh.
"Chúng ta mong muốn nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, được đào tạo tốt hơn, hướng tới sử dụng thông thạo tiếng Anh để mục tiêu hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu, nên Bộ Chính trị muốn có sự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong trường học. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi để tìm cách thực hiện phù hợp", ông Nguyễn Đắc Vinh báo cáo.
Ở bậc đại học, nhiều nước trên thế giới đã có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Khi khảo sát chương trình sau đại học (tiến sĩ) ở một số trường lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM đã có chương trình đào tạo bước đầu bằng tiếng Anh. Điều này rất thuận lợi cho việc thu hút sinh viên nước ngoài, giảng viên nước ngoài đến học tập, trao đổi.
Do đó, cần cách thức để tuyên truyền cho người dân hiểu và ủng hộ chủ trương. Ủy sẽ kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp.