Ông nông dân xứ Thanh 'đánh thức' tiềm năng vùng đất khó
Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược lên miền núi xã Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) để đến thăm người đàn ông được bình chọn là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Sau những thành công và tạo được tiếng vang lớn, ít ai biết được ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn lại có một ý chí kiên cường, một sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm và một hành trình bền bỉ đến như vậy.
Hành trình rời quê lên rừng lập nghiệp
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, ông Lê Đình Tú cho biết, năm 1995, ông rời quê hương ở xã Đông Cương, TP Thanh Hóa lên vùng đất Bình Sơn này để lập nghiệp. Thời điểm ấy, ở nơi đây còn rất hoang vu, đi lại khó khó khăn, bà con chủ yếu trồng keo, mía… nên thu nhập rất bấp bênh. Lúc đó, ông và một số người dân phải tự bỏ tiền kéo điện, mở đường, ngăn đập để lấy nước phục vụ trồng trọt và chăn nuôi.
“Đồi núi, đất đai tại xã Bình Sơn thời điểm ấy chủ yếu là vườn tạp, ít giá trị kinh tế. Cây chè là lợi thế của đồng đất địa phương nhưng người dân bản địa không mấy mặn mà vì thường xuyên bị thương lái ép giá. Nông dân sống giữa đồi chè, rừng keo bạt ngàn nhưng vẫn không đủ sống...”, ông Tú chia sẻ.
Nhưng nếu bỏ đất trống còn lãng phí hơn. Việc chọn cây chè là cây trồng chủ lực tại Bình Sơn thuở đầu lập nghiệp không hề dễ dàng với ông Tú. Trước đó, tại xã Bình Sơn từng có HTX chè, nhưng bị giải thể vì làm ăn kém hiệu quả. Mặt khác, người dân địa phương vẫn làm kinh tế theo kiểu “thân ai người nấy lo, mạnh ai nấy sống”, cùng với việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cây giống cũ nên năng suất kém, dẫn đến thu nhập thấp nên người dân cũng không mấy mặn mà.
Năm 2016, được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân, ông Tú đảm nhận trọng trách là Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp xã Bình Sơn, kiêm thôn trưởng thôn Bóng Xanh.
Sau khi HTX được thành lập, xác định được thế mạnh và những khó khăn hiện có, ông Tú đã đứng ra liên kết 20 hộ trồng chè tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30 ha.
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã cùng bà con đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống. Bà con được đi học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình sản xuất chè ở nhiều tỉnh như: Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang... Đồng thời, HTX vận dụng để phát triển mô hình “Mỗi hộ gia đình là một nhà máy chế biến chè”. Từ đó, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất hiện đại phục vụ cho công đoạn sao chè, đóng hút chân không, in logo, nhãn mác... tạo ra những sản phẩm chất lượng, có mẫu mã đẹp.
Ông Lê Văn Thanh, ở thôn Đông Tranh cho biết: "Gia đình tôi có truyền thống trồng và chế biến chè từ năm 1993, tuy nhiên chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao. Từ ngày tham gia HTX, tôi được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng và chế biến chè cao hơn nhiều so với trước kia. Với 1,5 ha trồng chè cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm".
Từ năm 2019, sản phẩm chè Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 50 tấn chè khô, thu lãi hơn 100 triệu đồng, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh việc trồng và chế biến chè, để gia tăng thu nhập, ông Lê Đình Tú và bà con xã Bình Sơn đã tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để nuôi ong lấy mật. Mật ong hoa rừng nguyên chất của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, trên địa bàn xã Bình Sơn có hơn 400 hộ nuôi ong, sản lượng trung bình đạt khoảng 5.300kg mật/năm. Với giá bán tại chỗ dao động 150 - 170 nghìn đồng/lít, nhiều gia đình trong xã có thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm
Vùng sản xuất chè Bình Sơn tập trung ở 3 thôn Đông Tranh, thôn Cây Xe và thôn Thoi. Trong những năm gần đây, để nâng cao năng suất cây chè, nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, người trồng chè ở Bình Sơn đã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), trồng bổ sung thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành, chủ yếu là các giống chè PH8 và lai F1.
Ông Lê Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: "Chúng tôi khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP, xây dựng, hình thành vùng sản xuất chè an toàn, liên kết sản xuất chế biến…". Vì thế, từ một xã miền núi khó khăn nhất huyện Triệu Sơn, nhưng giờ đây, xã Bình Sơn đã có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như chè khô, chè xanh túi lọc, cà gai leo và mật ong. Hiện, cây chè đang là cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi Bình Sơn.
Từ khi HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn "vào cuộc", giá trị kinh tế của chè và cuộc sống của người trồng chè đã được nâng lên rõ rệt. Cùng với chè, mật ong hoa rừng nguyên chất của HTX
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn đã đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, nhà kho, khu tập kết nguyên vật liệu vào ra và đầu tư hệ thống máy móc theo dây chuyền tự động hóa.
Hiện, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn có gần 80ha chè (trong đó có 12ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP). Quy mô hoạt động của HTX cũng được mở rộng với 20 thành viên chính thức và 100 hộ liên kết.
Ông Tú chia sẻ: “Phát triển các nông sản đặc trưng của địa phương không chỉ là “nghề” mà còn là “nghiệp” của tôi, nên bản thân tôi luôn dốc lòng, dốc sức để phát triển HTX, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên từ nghề truyền thống. Hiện, các sản phẩm của HTX đã có mặt ở khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhờ đó, doanh thu trung bình năm của HTX cũng ngày một tăng cao, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã”.
Duy Thế
BOX 1:
"Phát triển các nông sản đặc trưng của địa phương không chỉ là “nghề” mà còn là “nghiệp” của tôi, nên bản thân tôi luôn dốc lòng, dốc sức để phát triển HTX, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên từ nghề truyền thống. Hiện, các sản phẩm của HTX đã có mặt ở khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước", ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn.
BOX 2:
Từ năm 2019, sản phẩm chè Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 50 tấn chè khô, thu lãi hơn 100 triệu đồng, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.