Vốn "khét tiếng" màn ảnh Việt nhiều năm qua với những vai ông trùm xã hội đen độc đoán, tham lam, tàn bạo trong: Chạy án, Giọt nước rơi, Đầm lầy bạc,... nhưng với NSƯT Trần Đức, dấu son sự nghiệp của ông chính là thời kỳ tham gia gần 60 vở diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội như: Tania, Những tên cướp, Dự cảm thời yêu dấu, Hẹn ngày trở lại, Tôi và chúng ta,...
Sinh ra và lớn lên ở phố Cổ Tân - một con phố cổ Hà Nội, mới đây nam nghệ sĩ chia sẻ lại những hình ảnh kỷ niệm ý nghĩa và gắn với sự nghiệp sân khấu. Đó là những bức ảnh cũ trong vở "Hẹn ngày trở lại". Ông viết: Những năm tháng không quên tại Nhà hát Kịch Hà Nội, vở kịch "Hẹn ngày trở lại" của cố tác giả Lưu Quang Vũ kỷ niệm 10/10 ngày giải phóng thủ đô".
“Hẹn ngày trở lại” là vở kịch tái hiện lại không khí lịch sử của Hà Nội những ngày đánh Pháp cuối năm 1946 đầu năm 1947 mà tiêu biểu là lực lượng ở lại chiến đấu - những người “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, không khí kháng chiến sôi nổi khắp các liên khu. Hà Nội cũng bước vào cuộc thử thách mới. Trong giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy - một lực lượng tự vệ của Hà Nội - Liên khu I được thành lập ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô.. Vở kịch đi sâu miêu tả lực lượng và sau này là đội cảm tử quân.
NSUT Trần Đức trong "Hẹn ngày trở lại" - Chiến sĩ vệ quốc quân của Hà Nội
Vở kịch được xây dựng bằng những sự kiện lịch sử, những cảnh sinh hoạt trong cuộc sống thực tế bấy giờ. Những con người ở đây một mặt mang những đặc điểm của mỗi lớp người Hà Nội, mặt khác ở họ đều có tính cách riêng mà cách mạng đã tạo thành sức mạnh thống nhất, đồng thời phát huy khả năng ở mỗi con người.
Có thể nói vở kịch đã nói lên được sức mạnh của nhân dân, những con người từ những cuộc đời nô lệ đến với cách mạng, đến với cuộc đời mới và họ đã trải qua những thử thách lớn lao nhất.
“Hẹn ngày trở lại ” là bức tranh hoành tráng về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Là lẽ sống cao đẹp của những con người Thủ đô trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Theo NSƯT Trần Đức, có một thời gian ông vắng bóng truyền hình là do công việc Nhà hát kịch Hà Nội rồi sau đó chuyển sang làm giảng viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Công việc của khoa, rồi dạy dỗ sinh viên, lo các em tốt nghiệp
Nhưng bao nhiêu năm nghệ thuật miệt mài, dấu son sự nghiệp của ông vẫn chính là thời kỳ tham gia gần 60 vở diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội.
An Khánh