Ông Trump dọa đánh thuế Nga: Sấm to mưa nhỏ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế trừng phạt lên các nước mua dầu từ Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, khả năng thực hiện rất thấp, do rủi ro kinh tế lớn và chưa từng có tiền lệ tương tự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế trừng phạt lên các nước mua dầu từ Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, khả năng thực hiện rất thấp, do rủi ro kinh tế lớn và chưa từng có tiền lệ tương tự. (Ảnh minh họa)
Ông Trump tuyên bố muốn áp thuế nhập khẩu 100% đối với những quốc gia vẫn mua dầu từ Nga, trừ khi Moscow đồng ý đạt được một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày. Tuyên bố này đưa ra với thời hạn kéo dài đến đầu tháng 9, và khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh báo trước đó hồi tháng 3 của ông - khi ông từng dọa trừng phạt các nước mua dầu từ Venezuela, nhưng sau đó không có hành động cụ thể nào được thực hiện.
Nguy cơ ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ
Theo nhiều chuyên gia mà Reuters phỏng vấn, nếu áp dụng đầy đủ, biện pháp này có thể khiến thị trường năng lượng toàn cầu rối loạn nghiêm trọng. Các lệnh trừng phạt thứ cấp có thể làm giảm hơn 4,5 triệu thùng dầu/ngày, gây áp lực lớn lên giá dầu.
Ông Trump vốn rất quan tâm đến giá dầu. Chỉ hai ngày sau khi đưa ra lời đe dọa, ông đã gọi mức giá 64 USD/thùng là “rất hợp lý”, và nói muốn hạ giá thêm để kiểm soát lạm phát. Kể từ đó, giá dầu vẫn duy trì quanh mức 60 USD/thùng, chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung.
Châu Á tiếp tục nhập dầu và các hình thức né trừng phạt
Các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ - khách hàng lớn của dầu Nga - hiện không cho rằng chính sách sẽ thay đổi, và chưa có động thái nào cắt giảm nhập khẩu. Trong nửa đầu năm nay, lượng dầu Nga nhập vào Ấn Độ thậm chí còn tăng khoảng 1%, chủ yếu do hai công ty Reliance Industries và Nayara Energy chiếm gần một nửa tổng lượng mua.
Với Trung Quốc - nước mua dầu chính của Venezuela - họ đã tránh né trừng phạt Mỹ bằng cách nhập dầu qua trung gian, với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Chiến lược này đã được Trung Quốc triển khai từ khi Mỹ bắt đầu trừng phạt Venezuela năm 2019, và nhờ đó xuất khẩu dầu của Venezuela vẫn tăng trong tháng 6, dù bị phương Tây hạn chế mua.
Pháp lý mơ hồ và vai trò của Quốc hội Mỹ
Bộ Tài chính Mỹ nói sẵn sàng hành động nếu Nga không tuân thủ yêu cầu từ chính quyền. Tuy nhiên, việc trước đây Mỹ từng đe dọa trừng phạt dầu Venezuela rồi không làm gì khiến nhiều doanh nghiệp hoài nghi.
Một dự luật đang được Thượng viện Mỹ xem xét đề xuất áp thuế 500% lên người mua dầu Nga. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thời gian biểu cụ thể cho việc thông qua. Ngay cả khi luật được thông qua, Tổng thống vẫn có quyền trì hoãn việc áp dụng, khiến ảnh hưởng thực tế giảm đi đáng kể.
Từ đầu năm đến nay, Mỹ mới chỉ áp lệnh trừng phạt đối với 19 cá nhân người Nga, chủ yếu liên quan đến các vấn đề khủng bố, an ninh mạng và Triều Tiên - theo một cựu điều tra viên của Bộ Tài chính. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian, Mỹ đã trừng phạt tới 75 cá nhân và tổ chức của Iran, và 109 cá nhân, tổ chức có liên quan đến Trung Quốc.