Ông Trump sắp áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu
Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết sắp áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia, có hiệu lực ngay lập tức trong tuần này...
![Một công nhân làm việc trong một nhà máy của hãng thép Mỹ US Steel - Ảnh: Bloomberg.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51435993/5e336a675129b877e138.jpg)
Một công nhân làm việc trong một nhà máy của hãng thép Mỹ US Steel - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/2 nói rằng vào ngày thứ Hai (10/2), ông sẽ tuyên bố áp thuế quan mới 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế này sẽ bổ sung cho thuế quan kim loại hiện có, đánh dấu một bước leo thang lớn nữa trong cuộc “đại cải tổ” chính sách thương mại Mỹ của ông Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.
Theo hãng tin Reuters, tiết lộ trên được ông Trump đưa ra với các nhà báo đi cùng trên chuyên cơ Không lực 1 khi ông trên đường tới xem giải đấu bóng bầu dục NFL Super Bowl ở New Orleans.
THUẾ QUAN THÉP VÀ NHÔM, THUẾ QUAN CÓ ĐI CÓ LẠI
Ông Trump cũng cho biết sẽ công bố áp thuế quan có đi có lại vào ngày thứ Ba hoặc thứ Tư và thuế quan này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, Mỹ sẽ đánh thuế quan lên hàng hóa của tất cả các quốc gia tương xứng với thuế quan mà mỗi nước áp lên hàng hóa Mỹ.
“Chuyện này rất đơn giản, nếu họ đánh thuế chúng tôi, thì chúng tôi đánh thuế họ”, ông Trump nói về kế hoạch thuế quan có đi có lại.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tien, ông Trump áp thuế quan 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu, nhưng sau đó đã cấp hạn ngạch miễn thuế quan các mặt hàng này cho một số đối tác thương mại gồm Canada, Mexico và Brazil. Khi lên cầm quyền, cựu Tổng thống Joe Biden cấp hạn ngạch này thêm cho Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), và công suất hiệu dụng của các nhà máy sản xuất thép ở Mỹ đã giảm xuống trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu từ Viện Sắt thép Mỹ (AISI), các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ gồm Canada, Brazil và Mexico, tiếp đến là Hàn Quốc và Việt Nam.
Dẫn đầu với khoảng cách lớn, Canada là nguồn cung cấp kim loại nhôm cơ bản lớn nhất của Mỹ, chiếm 79% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, Mexico là một nhà cung cấp chính của Mỹ về nhôm vụn và hợp kim nhôm.
Ông Trump nói ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày thứ Ba hoặc thứ Tư tuần này để đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch thuế quan có đi có lại. Ý định đánh thuế này - được ông đưa ra lần đầu tiên vào hôm thứ Sáu tuần trước - nhằm đảm bảo rằng “chúng ta được đối xử bình đẳng với các quốc gia khác”.
Từ lâu, ông chủ Nhà Trắng đã phàn nàn việc EU áp thuế quan 10% lên ô tô nhập khẩu, cao hơn nhiều so với mức 2,5% của Mỹ. Ông luôn nói rằng châu Âu “không chịu mua xe Mỹ” trong khi bán hàng triệu xe sang Mỹ mỗi năm.
Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thuế quan bình quân tính theo trọng số thương mại của Mỹ là khoảng 2,2%, so với 12% của Ấn Độ, 6,7% của Brazil, 5,1% của Việt Nam, và 2,7% của các nước thành viên EU.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51435993/8a80c0d4fb9a12c44b8b.jpg)
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG 2.0 VÀO GUỒNG
Trong một diễn biến khác, thuế quan trả đũa mà Trung Quốc áp lên 14 tỷ USD hàng hóa Mỹ đã chính thức có hiệu lực - đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết ngày 9/2 theo giờ địa phương. Diễn biến này dập tắt những tia hy vọng trước đó rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tránh được một cuộc chiến thương mại mới.
Đây là thuế quan 10-15% mà Trung Quốc vào tuần trước tuyên bố áp lên một số hàng hóa Mỹ gồm khí hóa lỏng (LNG), than, dầu thô, thiết bị nông nghiệp… sau khi ông Trump áp thuế quan bổ sung 10% lên toàn bộ hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ. Thị trường tài chính ban đầu kỳ vọng ông Trump sẽ áp dụng với Trung Quốc chiến thuật tương tự như với Canada và Mexico - tức là ban đầu công bố thuế quan, sau đó hoãn để đàm phán. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào về một cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn trả đũa Mỹ bằng tuyên bố mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google - công cụ tìm kiếm đã bị chặn ở Trung Quốc - và Illumina, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ. Trung Quốc cũng đã đưa các thương hiệu thời trang Mỹ Calvin Klein và Tommy Hilfiger vào danh sách đen. Một động thái nữa là Bắc Kinh áp hạn chế xuất khẩu sang Mỹ 5 kim loại quan trọng dùng trong công nghiệp quốc phòng, tấm pin mặt trời, pin xe điện và các sản phẩm năng lượng xanh khác.
Nhà kinh tế trưởng về châu Á Frederic Neumann của ngân hàng HSBC nói rằng nhiều công ty Trung Quốc có thể gánh được 10% thuế quan áp lên sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, vì giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm nhiều hơn so với các nhà sản xuất đối thủ trong 2 năm qua.
“Nếu Mỹ chỉ áp thuế qua 10% lên hàng hóa Trung Quốc, tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư có thể yên tâm. Dĩ nhiên, mối lo lớn ở đây là mức thuế đó chỉ là tiền đề cho những hạn chế thương mại có thể lớn hơn nhiều”, ông Neumann nói thêm.