Ông Võ Văn Thưởng thăm, chúc Tết nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý
Ngày 9/2, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm, chúc Tết nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tại nhà riêng của nhạc sỹ ở quận 1 (TPHCM).
Tại đây, ông Võ Văn Thưởng đã gửi lời thăm, chúc sức khỏe tới gia đình và nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, người nổi tiếng với các tác phẩm Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre, Dư âm, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa,…
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sỹ có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, trong đời sống văn hóa nước nhà. Nhạc sỹ là tấm gương cho nhiều thế hệ văn nghệ sỹ trẻ noi theo.
Trong cuộc trò chuyện, ông Võ Văn Thưởng nhắc lại với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: “Hôm rồi về Hà Tĩnh, anh em ngồi với nhau có nhắc lại chuyện vui của chú hồi sáng tác bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Bài hát này chú viết rất hay, đến bây giờ vẫn còn sức sống, thậm chí rất mãnh liệt. Đến nay rất nhiều bạn trẻ hát bài này”.
Tại buổi gặp gỡ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã ôn lại nhiều câu chuyện vui của ông thời đi bộ đội, cùng đồng đội chiến đấu với kẻ thù. Tác giả ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ cho biết, hiện nay dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Có vài bài hát ông đang viết nhưng chưa hoàn thành.
Nhắc đến bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, ông Võ Văn Thưởng cho biết: “Ngày xưa đi xây dựng vùng kinh tế mới, đắp đập xây hồ rất nặng nhọc nhưng khi bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ vang lên, mọi người thấy công việc nặng nhọc thành nhẹ nhàng hết. Bài hát đã làm cho hoạt động của thanh niên đi đắp đập, xây hồ trở nên rất lãng mạng. Thanh niên tham gia rất hăng hái, say sưa không thấy mệt”.
Khi biết nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý hay bị đau răng, ông Võ Văn Thưởng đã đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM bố trí cho bác sĩ nha khoa đến thăm khám cho nhạc sỹ.
Ông Võ Văn Thưởng cho biết, Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao sự đóng góp của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cho nền âm nhạc nước nhà. “Chú và nhiều văn nghệ sỹ qua các thời kỳ đã có đóng góp rất to lớn cho đất nước. Những năm tháng chiến tranh, và những năm đầu sau chiến tranh, chính âm nhạc, thơ ca, văn học đã tạo ra niềm cảm hứng rất tích cực, rất tốt đẹp thôi thúc nhiều thế hệ lên đường đánh giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới”, ông Thưởng cho biết.