OPEC+ bất ngờ tăng sản lượng dầu

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 3/4, các nhà sản xuất chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng dầu thô với tốc độ nhanh hơn dự kiến, khiến giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo thông báo từ cuộc họp trực tuyến, nhóm 8 quốc gia gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman sẽ “bơm” thêm 411.000 thùng dầu/ngày ra thị trường, bắt đầu từ tháng 5 tới. Con số này gấp gần 3 lần so với mức dự báo 140.000 thùng/ ngày trước đó của giới chuyên gia.

OPEC+ cho biết các đợt tăng dần sản lượng có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược tùy thuộc vào các điều kiện thị trường, đồng thời nêu rõ sự linh hoạt này sẽ cho phép các nhà sản xuất trong khối tiếp tục hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ thế giới. 8 quốc gia OPEC+ lưu ý rằng việc tăng thêm nguồn cung sẽ tạo cơ hội cho các thành viên đẩy nhanh tiến độ bù đắp cho việc vượt quá hạn ngạch của họ.

Tháng trước, OPEC+ thông báo sẽ nới lỏng "dần dần và linh hoạt" mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày, bằng cách tăng thêm sản lượng 138.000 thùng/ngày từ tháng 4/2025 cho đến tháng 9/2026. Kế hoạch nới lỏng các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện - dự kiến ban đầu được thực hiện vào tháng 11/2023, đã bị lùi lại nhiều lần trong bối cảnh giới giao dịch lo ngại tình trạng dư cung trên thị trường. Tuy nhiên, sau cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng ngày 3/4, OPEC+ quyết định tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng tới với lập luận rằng "các yếu tố cơ bản của thị trường tiếp tục lành mạnh và triển vọng thị trường tích cực".

Sau quyết định trên, giá dầu giảm mạnh, ghi nhận mức sụt giảm tính theo phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022 trong phiên giao dịch cùng ngày.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu Brent giảm 4,81 USD, tương đương 6,42%, xuống còn 70,14 USD/thùng. Cùng đà lao dốc, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,76 USD, tương đương 6,64%, còn 66,95 USD/thùng. Đây là mức giảm theo phần trăm lớn nhất của dầu Brent kể từ ngày 1/8/2022 và của dầu WTI kể từ ngày 11/7/2022.

Trước cuộc họp, giá dầu đã giảm khoảng 4%, do các nhà đầu tư lo ngại chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Bà Angie Gildea, lãnh đạo mảng năng lượng của công ty kiểm toán KPMG Mỹ, nhận định nền kinh tế và nhu cầu dầu có mối liên hệ mật thiết với nhau. Các thị trường vẫn đang đánh giá tác động của biện pháp thuế quan, nhưng việc tăng sản lượng dầu cùng với triển vọng kinh tế toàn cầu yếu hơn đang tạo sức ép giảm giá đối với “vàng đen”. Điều này có thể đánh dấu một giai đoạn biến động mới trên thị trường.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS mới đây đã hạ dự báo giá dầu giai đoạn 2025-2026 xuống còn 72 USD/thùng, giảm 3 USD so với ước tính trước đó. Giới giao dịch và phân tích hiện dự báo giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn, vì những mức thuế có thể thay đổi khi các quốc gia đàm phán để giảm thuế hoặc áp đặt những biện pháp trả đũa.

Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới năng lượng PVM nhận định phản ứng ban đầu của thị trường cho thấy nguy cơ suy thoái và lạm phát đình trệ đang trở thành viễn cảnh đáng lo ngại. Ông Varga cũng nhấn mạnh thuế quan cuối cùng sẽ do người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước chi trả và chi phí tăng lên sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Trường - Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/opec-bat-ngo-tang-san-luong-dau-20250404080742994.htm