OPEC bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng trước thềm cuộc họp
Hôm Chủ nhật (2/4), Ả Rập Xê Út và các nhà xuất khẩu dầu khác đã bất ngờ thông báo cắt giảm tổng cộng tới 1,15 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến cuối năm, đây là một động thái có tiếp tục thúc đẩy giá dầu tăng trở lại.
Động thái này diễn ra một ngày trước cuộc họp của hội đồng cấp bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+).
Giá dầu Brent đã tăng tới 8% ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (3/4) sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng 1,15 triệu thùng mỗi ngày, và hiện đang giao dịch quanh mốc 84 USD/thùng.
Giá dầu tháng trước đã giảm xuống 70 USD/thùng, thấp nhất trong 15 tháng do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu. Tuy nhiên, hành động tiếp theo của OPEC+ để hỗ trợ thị trường đã không được mong đợi sau khi các nguồn tin hạ thấp triển vọng này và giá dầu thô phục hồi về mức 80 USD/thùng.
Tuy nhiên, Kevin Book, Giám đốc điều hành của Clearview Energy Partners cho biết, có một số biến số phức tạp trong giá dầu và khí đốt. Quy mô cắt giảm sản lượng của mỗi quốc gia phụ thuộc vào số liệu sản xuất cơ sở mà quốc gia đó đang sử dụng, do đó, mức cắt giảm có thể không phải là 1,15 triệu thùng. Cũng có thể mất nhiều năm để việc cắt giảm có hiệu lực. Nhu cầu có thể giảm nếu Mỹ rơi vào suy thoái do khủng hoảng ngân hàng, nhưng nó cũng có thể tăng trong mùa hè khi có nhiều người đi du lịch hơn.
Mặc dù việc cắt giảm sản lượng chỉ chiếm khoảng 1% trong số khoảng 100 triệu thùng dầu mà thế giới sử dụng mỗi ngày, nhưng tác động lên giá có thể rất lớn.
“Đó là một vấn đề lớn vì cách thức hoạt động của giá dầu. Bạn đang ở trong một thị trường tương đối cân bằng. Bạn lấy đi một lượng nhỏ, tùy thuộc vào nhu cầu, bạn có thể có phản ứng giá rất đáng kể”, ông Kevin Book cho biết.
Ả Rập Xê Út đã công bố mức cắt giảm lớn nhất trong số các thành viên OPEC ở mức 500.000 thùng/ngày. Iraq cho biết, họ sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) giảm 144.000 thùng/ngày, Kuwait giảm 128.000 thùng/ngày, Kazakhstan giảm 78.000 thùng/ngày, Algeria giảm 48.000 thùng/ngày và Oman giảm 40.000 thùng/ngày. Các thông báo được thực hiện bởi các phương tiện truyền thông nhà nước của mỗi quốc gia.
Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út đã mô tả động thái này là một "biện pháp phòng ngừa" nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Việc cắt giảm sản lượng của nước này chiếm chưa đến 5% sản lượng trung bình 11,5 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê Út vào năm 2022.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Nga đã tuyên bố đơn phương cắt giảm vào tháng 2 sau khi các nước phương Tây áp đặt trần giá.
Một nguồn tin của OPEC+ cho biết, Gabon sẽ tự nguyện cắt giảm 8.000 thùng/ngày và không phải tất cả các thành viên OPEC+ đều tham gia động thái này vì một số đã bơm thấp hơn nhiều so với mức đã thỏa thuận do thiếu năng lực sản xuất.