OPEC+ bơm thêm dầu để giành lại thị phần
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài nhất trí tiếp tăng sản lượng vào tháng tới trong nỗ lực giành lại thị phần mất do cắt giảm nguồn cung để vực dậy giá dầu trong những năm trước đây.

OPEC+ nhất trí tăng sản lượng 548.000 thùng/ngày vào tháng Tám. Ảnh: Reuters
Hôm 5-7, tám thành viên của OPEC + bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) và Nga thông báo sẽ tăng sản lượng 548.000 thùng/ngày vào tháng Tám. Con số này cao so với mức tăng dự kiến của tám thành viên này trong háng Bảy là 411.000 thùng/ngày.
OPEC + cắt giảm nguồn cung dầu kể từ năm 2022 để cố gắng hỗ trợ giá dầu nhưng đã đảo ngược chính sách này kể từ tháng tháng 4-2025.
Kế hoạch ban đầu của OPEC+ là tăng sản lượng thêm 2,2 triệu thùng/ngày trong vòng 18 tháng. Đây là sản lượng dầu mà tám thành viên của OPEC+ tự nguyện cắt giảm trước đây.
Tuy nhiên, kể từ tháng Năm, liên minh này đã đẩy nhanh tốc độ tăng nguồn cung và có khả năng khôi phục toàn bộ sản lượng cắt giảm trước đây vào cuối tháng Chín, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.
“OPEC+ liên tục gây bất ngờ cho thị trường. Điều này gửi đi một thông điệp rõ rang nhóm này đang chuyển hướng mạnh mẽ sang chiến lược giành lại thị phần”, Jorge Léon, cựu nhân viên Opec hiện làm việc tại công ty tư vấn năng lượng Rystad nói.
Harry Tchilinguirian, giám đốc nhóm nghiên cứu của Onyx Capital Group, cho biết với việc OPEC+ chuyển sang chiến lược thị phần thay vì chiến lược bảo vệ giá, việc duy trì mức cắt giảm tự nguyện mang tính tượng trưng là vô nghĩa.
Một lý do khiến sản lượng tăng nhanh là nhu cầu dầu mỏ nhìn chung mạnh hơn vào mùa hè ở khu vực Bắc bán cầu do hoạt động lọc dầu tăng cao cũng như Mỹ và châu Âu bước vào mùa lái xe, các nhà phân tích cho biết.
Về lâu dài, sản lượng dầu tăng có nguy cơ làm tăng nguồn cung dư thừa đáng kể vào cuối năm, có thể đẩy giá dầu xuống dưới 60 đô la Mỹ/ thùng.
Dầu thô chuẩn quốc tế Brent hiện giao dịch với giá 68 đô la/thùng khi thị trường đóng cửa vào hôm 4-7.
Bằng cách thúc đẩy tăng nguồn cung nhanh hơn, Saudi Arabia đang đặt cược rằng, lợi ích từ khối lượng bán hàng cao hơn sẽ bù đắp cho tác động của giá dầu giảm. Vương quốc này hiện đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách tăng vọt và buộc phải cắt giảm chi tiêu cho một số dự án chủ chốt của Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị trên thực tế của Saudi Arabia.
Trong một tuyên bố, Ban thư ký OPEC giải thích, quyết định tăng sản lượng hàng ngày trong tháng Tám là do “triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố cơ bản lành mạnh hiện tại của thị trường, được phản ánh trong lượng dầu tồn kho thấp”.
Trong khi đó, các nguồn thạo tin cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman là người thúc đẩy việc tăng tốc bơm dầu trở lại vì cho rằng gánh nặng cắt giảm không được chia sẻ công bằng.
Saudi Arabia gánh vác phần lớn sản lượng cắt giảm. Trong khi đó, các thành viên khác của OPEC+ lại liên tục sản xuất vượt hạn ngạch khiến nỗ lực chung của liên minh giảm tác động. Đến tháng Tư, Saudi Arabia đã giảm sản lượng xuống 20% so với ba năm trước đó, xuống còn khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2011 nếu không tính thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.
Các nhà phân tích nhận định, nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC+ không còn giúp hỗ trợ giá nữa nên việc kiềm chế sản lượng không còn hợp lý đối với Saudi Arabia và các nhà sản xuất lớn khác như UAE.
OPEC+ vẫn còn duy trì một chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện khác, tương ứng với 1,65 triệu thùng/ngày, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2026. Câu hỏi tiếp theo đối với thị trường dầu mỏ là liệu OPEC+ có hành động để đảo ngược chương trình này hay không.
“Hai câu hỏi lớn hiện đang treo lơ lửng trên thị trường. Liệu OPEC+ có nhắm đến 1,66 triệu thùng dầu cắt giảm mỗi ngày còn lại hay không và liệu thị trường có đủ nhu cầu để hấp thụ không?”, Jorge Léon của Rystad nói.
Theo Financial Times, Bloomberg
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/opec-bom-them-dau-de-gianh-lai-thi-phan/